Phần lớn các KKT, KCN phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, chưa có KKT, KCN chuyên biệt Ảnh: Lê Tiên |
Nhận diện bất cập
Ông Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chuyên ngành II cho biết, thời gian qua, loại hình KKT, KCN đã có những bước phát triển cả về số lượng, quy mô diện tích và vốn đầu tư, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, từ kết quả thực tiễn của hàng chục cuộc kiểm toán cho thấy, quá trình xây dựng và phát triển mô hình KKT, KCN bộc lộ nhiều “nút thắt” hạn chế sự phát triển của mô hình này và cần thiết phải tháo gỡ.
Cụ thể, nhiều KCN, KKT hiện được quy hoạch dàn trải theo địa giới hành chính, chưa bám sát yêu cầu thực tiễn, định hướng và khả năng thu hút đầu tư, lợi thế cạnh tranh của địa phương và hiệu quả sử dụng nguồn lực (đất đai, tài nguyên, nhân lực…), dẫn đến phải điều chỉnh quy hoạch nhiều lần. Một số KKT, KCN thực hiện điều chỉnh, mở rộng khi chưa đáp ứng đủ điều kiện, chưa lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết… Số lượng KKT, KCN thời gian qua tăng nhanh trong khi chưa có nghiên cứu, đánh giá việc triển khai thí điểm và tính toán toàn diện, cân đối nguồn lực huy động cho KKT, KCN.
Theo ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), Nhà nước có nhiều chính sách miễn, giảm thuế cho các doanh nghiệp trong KKT, KCN nhưng do không đồng bộ trong hướng dẫn và thực hiện, nên doanh nghiệp chưa được hưởng lợi ích đầy đủ từ các chính sách này.
Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, ông Đặng Việt Dũng nhận định, việc phát triển các KKT, KCN đang đặt ra nhiều thách thức do công tác quy hoạch chưa đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững, chưa cân đối và tối ưu hóa nguồn lực. Phần lớn các KKT, KCN phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, chưa có KKT, KCN chuyên biệt dẫn đến không gia tăng được hiệu quả sử dụng hạ tầng chung.
Định hình Luật điều chỉnh hoạt động của KCN, KKT
Tại Hội thảo Phát triển KKT, KCN do Kiểm toán Nhà nước tổ chức ngày 18/10/2023, ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho rằng, do khung pháp lý chưa rõ ràng, chi tiết đối với trường hợp nào đấu giá đất, trường hợp nào đấu thầu, trường hợp nào giao đất nên khi áp dụng vẫn dễ xảy ra vi phạm, chưa phát huy được những thế mạnh tiềm năng để KCN, KKT phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, phát triển KKT, KCN chưa đáp ứng được tính liên kết vùng, chủ yếu diễn ra với các mô hình sản xuất đơn lẻ. Chẳng hạn, KKT mở Chu Lai (Quảng Nam) chỉ sản xuất linh kiện và lắp ráp ô tô, một số KCN ở Bắc Ninh và Thái Nguyên thì sản xuất điện thoại di động…, nên tác động không nhiều đến sản xuất công nghiệp địa phương, rất khó để doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các KKT thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, hiện thể chế, chính sách về KKT, KCN vẫn chưa đảm bảo tính ổn định, thống nhất, đồng bộ và chưa có sự đột phá để phát huy vai trò và đóng góp của các KKT, KCN. Tính pháp lý về quy định khung đối với KKT, KCN mới chỉ dừng ở cấp Nghị định. Trong khi hoạt động của KKT, KCN liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau như: quy hoạch, đầu tư, doanh nghiệp, đất đai, xây dựng, môi trường, nhà ở, lao động… Cũng theo ông Quân, pháp luật về đầu tư liên quan đến nhiều lĩnh vực, như xây dựng, môi trường, đất đai..., trong đó có nhiều nội dung chưa được quy định rõ, thiếu và chưa thống nhất, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư, sản xuất kinh doanh trong KCN, KKT. Theo đó, một trong những giải pháp cần làm là xây dựng Luật điều chỉnh hoạt động của KCN, KKT theo hướng xác định rõ trọng tâm phát triển và cơ chế chính sách vượt trội về hạ tầng, tiếp cận đất đai, thủ tục hành chính…; tạo ra các thiết chế giải quyết tranh chấp và thực thi để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với KCN, KKT.
Thực tế, tháng 9/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố Đề nghị xây dựng Luật KCN, KKT và đang lấy ý kiến các bên liên quan. Theo đó, có 6 nhóm chính sách được đề xuất, gồm chính sách về việc lập phương hướng xây dựng KKT, KCN trong quy hoạch vùng; phương án phát triển hệ thống KKT, KCN trong quy hoạch tỉnh; chính sách quy định về điều kiện đầu tư hạ tầng KCN, thành lập KKT; ưu đãi đối với các KKT, KCN tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; các dự án đầu tư thực hiện liên kết ngành tại KKT, KCN…
Đặc biệt, Dự án Luật đề xuất chính sách thúc đẩy sự phát triển của các loại hình KCN mới, KKT mới, khu chức năng mới trong KKT để tạo điều kiện thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển các ngành công nghiệp mới.