Sôi động bất động sản công nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, kinh tế toàn cầu đang từng bước phục hồi là cơ hội để doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất. Cùng với đó, các hoạt động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam dự báo tiếp tục sôi động. Đây là một trong những động lực quan trọng giúp lĩnh vực bất động sản (BĐS) khu công nghiệp (KCN) tiếp tục là điểm sáng trong năm nay.
Với việc nhiều nhà đầu tư rót vốn và tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, bất động sản công nghiệp được dự báo sẽ tiếp tục là điểm sáng của thị trường. Ảnh: Lê Tiên
Với việc nhiều nhà đầu tư rót vốn và tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, bất động sản công nghiệp được dự báo sẽ tiếp tục là điểm sáng của thị trường. Ảnh: Lê Tiên

Tính từ đầu năm đến ngày 20/3/2022, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 8,91 tỷ USD. Trong đó, nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án thì vốn FDI vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt gần 5 tỷ USD. Với việc nhiều nhà đầu tư rót vốn và tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, bất động sản công nghiệp được dự báo sẽ tiếp tục là điểm sáng của thị trường bất động sản.

Theo báo cáo phân tích của Công ty CP Chứng khoán VNDirect, trong bối cảnh thương mại điện tử bùng nổ, yêu cầu hàng tồn kho tăng và đa dạng hóa chuỗi cung ứng giúp thúc đẩy nhu cầu đất KCN cho các dịch vụ kho bãi và việc đẩy mạnh đầu tư công vào hạ tầng sẽ hỗ trợ cho BĐS KCN. Ngoài ra, nguồn cung đất KCN trong nước được mở rộng hơn 44.760 ha trong giai đoạn 2022 - 2025 cũng là yếu tố tác động tích cực đến thị trường BĐS KCN.

Theo giới chuyên gia, giá thuê đất khu công nghiệp ở Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực, thấp hơn 20 - 33% so với Indonesia và Thái Lan, những quốc gia có lợi thế về vốn FDI như Việt Nam. Với giá thuê đất trong KCN đang ở mức cạnh tranh trong khu vực và sức hút dịch chuyển sản xuất ngày càng lớn, dư địa tăng giá thuê trong thời gian tới khá cao.

Thực tế, chủ đầu tư các KCN trong nước đã sớm nhận thấy các tín hiệu tích cực khi nhiều tập đoàn rục rịch chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Không ít doanh nghiệp như Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc, Công ty CP Tập đoàn Hoà Phát hay Tổng công ty Viglacera, Tập đoàn Vingroup đã không bỏ lỡ cơ hội này.

Với Hòa Phát, Tập đoàn này đang tập trung triển khai Dự án KCN Phố Nối A (tỉnh Hưng Yên) mở rộng, quy mô 92,5 ha, tổng mức đầu tư 1.082 tỷ đồng. Tại miền Trung, Hòa Phát cũng đề xuất đầu tư một số dự án công nghiệp - đô thị tại Quảng Ngãi, Khánh Hòa. Với Viglacera, doanh nghiệp này đã khởi công Dự án KCN Thuận Thành I (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) quy mô 249,75 ha với tổng mức đầu tư hơn 2.847,8 tỷ đồng vào đầu tháng 2/2022.

Vingroup đã xác định BĐS công nghiệp là mảng hoạt động quan trọng của Tập đoàn, bởi lĩnh vực này mang lại dòng tiền thường xuyên. Tập đoàn này đang triển khai 11 dự án KCN, chủ yếu tại Hải Phòng và Quảng Ninh. Tổng diện tích các dự án vào khoảng 4.730 ha, có thể bắt đầu cho thuê từ năm 2023. Đầu năm nay, Vingroup tiếp tục tăng quỹ đất công nghiệp với việc đề xuất đầu tư hơn 9.300 tỷ đồng vào KCN có diện tích hơn 1.200 ha tại Vũng Áng (Hà Tĩnh) hay 2 cụm công nghiệp hơn 140 ha tại Móng Cái (Quảng Ninh).

Việc nhiều “ông lớn” đổ tiền đầu tư vào các dự án quy mô cho thấy tiềm năng lớn của bất động sản công nghiệp. Nguồn vốn FDI đổ vào Việt Nam không ngừng tăng cũng sẽ là nền tảng quan trọng cho sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa của phân khúc này trong tương lai.

Cũng trong những tháng đầu năm 2022, một loạt dự án KCN khác đã được phê duyệt đầu tư. Đơn cử, Dự án KCN Đồng Vàng tại thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa có quy mô 491,9 ha, tổng vốn đầu tư hơn 2.400 tỷ đồng, do Tổng công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Anh Phát làm chủ đầu tư. Ngoài ra còn có Dự án Đầu tư xây dựng và Kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Hòa Cầm giai đoạn 2 (Đà Nẵng) với quy mô 119 ha; Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Nhuận Trạch (tỉnh Hòa Bình) quy mô 200 ha do Công ty TNHH Hòa Phú - Hòa Bình làm chủ đầu tư; Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Tam Thăng mở rộng (tỉnh Quảng Nam) quy mô 248,9 ha do Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng KCN Chu Lai làm chủ đầu tư; Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Tân Tập (Long An) quy mô 654 ha do Công ty CP Đầu tư phát triển Long An làm chủ đầu tư; Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Bảo Minh mở rộng (Nam Định) quy mô 44,68 ha do Công ty CP Đầu tư hạ tầng KCN Bảo Minh làm chủ đầu tư…

Mới đây, Công ty CP Đầu tư và Phát triển KCN Phát Đạt đã được tỉnh Đồng Tháp chấp thuận cho tiếp cận, nghiên cứu đề xuất đầu tư 3 dự án: KCN Cao Lãnh, KCN Cao Lãnh II và KCN Cao Lãnh III với tổng quy mô 2.000 ha, dự kiến khởi công giai đoạn 1 trong năm 2024. Tổng mức đầu tư 14.726 tỷ đồng với các phân kỳ: giai đoạn 1 từ 2021 - 2025 phát triển quy mô 1.000 ha và giai đoạn 2 từ 2026 - 2030 với quy mô từ 1.000 ha.

Trước đó không lâu, Phát Đạt nghiên cứu đề xuất Dự án KCN - dịch vụ đô thị Phát Đạt - Dung Quất (Quảng Ngãi) với quy mô 1.152 ha, dự kiến khởi công năm 2023; Dự án Kho bãi tổng hợp - dịch vụ logistics Tài Tiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) quy mô 24 ha đang trong giai đoạn triển khai xây dựng; Cụm công nghiệp Hàm Ninh (Phú Quốc) hơn 59 ha dự kiến khởi công năm 2023…

Sức hút từ thị trường BĐS KCN trong nước cũng hấp dẫn nhiều nhà đầu tư ngoại. Ngày 19/3 VSIP Group (liên doanh giữa Tập đoàn Vietnam Becamex IDC và Tập đoàn Sembcorp của Singapore) đã khởi công KCN VSIP III có diện tích khoảng 1.000 ha tại xã Hội Nghĩa, thị xã Tân Uyên và xã Tân Lập, huyện Bắc Tân Uyên (tỉnh Bình Dương). Đây là dự án KCN thứ 11 của VSIP tại Việt Nam.

Cuối tháng 2 vừa qua, Công ty CP Công nghệ viễn thông Sài Gòn và Công ty VINA CAPITAL đã cùng Công ty AUROUS (Singapore) ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) hợp tác đầu tư Dự án Tổ hợp công nghiệp 500 ha và 200 ha đô thị nhà ở công nhân chuyên gia, nhà ở xã hội với tổng giá trị đầu tư dự án dự kiến là 2,5 tỷ USD tại tỉnh Bắc Giang.

Việc nhiều “ông lớn” đổ tiền đầu tư vào các dự án quy mô cho thấy tiềm năng lớn của bất động sản công nghiệp. Nguồn vốn FDI đổ vào Việt Nam không ngừng tăng cũng sẽ là nền tảng quan trọng cho sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa của phân khúc này trong tương lai.

Chuyên đề