Siết quỹ tín dụng nhân dân: Chờ hành động cụ thể

(BĐT) - Các giải pháp củng cố, chấn chỉnh hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) được cho là sát sao với những vấn đề của loại hình này hiện nay. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ thị yêu cầu sự phối hợp mạnh mẽ của các cơ quan liên quan để đảm bảo an toàn hoạt động của QTDND. Kết quả của các giải pháp sẽ phụ thuộc vào hiệu quả thực thi từ những hành động cụ thể.
Việc cần làm trước mắt là tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân. Ảnh: Tường Lâm
Việc cần làm trước mắt là tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân. Ảnh: Tường Lâm

Chấn chỉnh trước khi mở rộng

Hơn 25 năm ra đời và hoạt động, QTDND đã có giai đoạn phát triển mạnh mẽ, song cũng để lại tổn thương đáng nhớ cho những người từng chịu mất mát tài sản từ việc tham gia loại hình tín dụng này.

Dù vậy, đây vẫn được khẳng định là mô hình hoạt động phù hợp với điều kiện của thị trường Việt Nam, đặc biệt trong định hướng phát triển tín dụng nông thôn và góp phần giải quyết tình trạng tín dụng đen.

Trong tổng số hơn 1.100 QTDND đang hoạt động, hiện có 64 quỹ hoạt động không hiệu quả, trong đó có 24 quỹ thuộc diện kiểm soát đặc biệt. Xét về tỷ lệ, số lượng QTDND hoạt động kém hiệu quả là không lớn. Tuy nhiên, những vụ việc QTDND mất khả năng chi trả hoặc giám đốc quỹ bỏ trốn trong thời gian qua đã có tác động tiêu cực tới niềm tin của người dân với QTDND.

Để chấn chỉnh hoạt động này, Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị 06/CT-TTg về tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND với yêu cầu sự vào cuộc của các bên liên quan, bao gồm cả cơ quan công an.

Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, quy định về an toàn hoạt động, quản lý, điều hành, quản trị rủi ro và các quy định khác đối với hệ thống QTDND.

Theo yêu cầu của Thủ tướng, Bộ Công an phải tích cực, chủ động phối hợp với NHNN và chính quyền địa phương trong việc xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật trong hoạt động của các QTDND; duy trì an ninh, trật tự trên địa bàn, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội…

Trước đó, ngày 31/1/2019, NHNN đã có Quyết định 209/QĐ-NHNN phê duyệt Đề án củng cố và phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Đề án này nêu rõ một số định hướng đáng chú ý. Đó là, tập trung rà soát, củng cố, chấn chỉnh lại toàn bộ hệ thống QTDND trước khi thực hiện việc tăng cường mở rộng, phát triển.

Chỉ cấp phép thành lập QTDND trên cơ sở nhu cầu thực tế, thực sự cần thiết và đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Việc cấp phép thành lập mới chỉ được xem xét khi đảm bảo đồng thời việc rà soát, chấn chỉnh toàn bộ hệ thống QTDND và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để đảm bảo đúng bản chất mô hình quỹ.

Đồng thời, tăng cường quản lý nhà nước đối với hệ thống QTDND thông qua công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra để ngăn chặn, đẩy lùi các nguy cơ tiềm ẩn rủi ro.

Bình luận về các động thái này, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV cho rằng, việc chấn chỉnh hoạt động của loại hình tín dụng này là cần thiết ở thời điểm hiện nay. “Thời gian qua, hoạt động của một số tổ chức tín dụng nhân dân đã có những vấn đề đáng ngại, chẳng hạn có giám đốc quỹ bỏ trốn, tình trạng biến tướng trong hoạt động của các quỹ đã từng được đề cập đến. Do đó, cần có các giải pháp kịp thời và lâu dài với hoạt động này”, ông Lực nói. 

Không thể lơ là

Theo vị Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV, việc cần làm trước mắt để chấn chỉnh hoạt động này là tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên hoạt động của QTDND. Trong đó, bổ sung cơ chế để thành viên quỹ hiểu và giám sát khi gửi tiền vào quỹ cũng như vay tiền từ quỹ này. Về lâu dài, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động của loại hình tín dụng này.

Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Quyết định 209 của NHNN đã nêu những nhóm giải pháp khá mạnh tay. 

Về cơ chế, chính sách, cơ quan này đưa ra giải pháp đáng chú ý là sửa đổi, bổ sung quy định về kiểm toán độc lập đối với QTDND, đảm bảo báo cáo tài chính của các QTDND được kiểm toán hàng năm.

Theo ông Cấn Văn Lực, các giải pháp được đưa ra là đúng hướng xử lý các vấn đề của QTDND, song kết quả của các giải pháp sẽ phụ thuộc vào hiệu quả thực thi từ các hành động cụ thể trong thời gian tới.

“Không thể lơ là các QTDND. Trong nhiều trường hợp, do ít hoặc thiếu thông tin nên nhiều người có tâm lý chạy theo đám đông. Nếu có sự cố xảy ra, nhiều người sẽ chịu tác động và ảnh hưởng tâm lý người dân trong xã hội”, ông Lực nhấn mạnh.

Chuyên đề