Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung: Chủ động kiến tạo, phát triển nhanh và bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sáng 11/10, tại TP. Đà Nẵng, Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ tổ chức Hội nghị Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng chủ trì Hội nghị có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng.
Đại diện Hội đồng Điều phối Vùng chủ trì Hội nghị. Ảnh: Hà Minh
Đại diện Hội đồng Điều phối Vùng chủ trì Hội nghị. Ảnh: Hà Minh

Tại Hội nghị, đơn vị tư vấn Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã báo cáo sơ bộ kết quả nghiên cứu đến Hội đồng Điều phối Vùng, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và 14 tỉnh, thành phố trong phạm vi nghiên cứu lập đồ án. Theo đó, về phương hướng phát triển các ngành có lợi thế, đồ án định hướng phát triển thành 3 tiểu vùng.

Tiểu vùng Bắc Trung Bộ phát triển lọc hoá dầu, thép, hoá chất, năng lượng tái tạo, vật liệu xây dựng, du lịch, dịch vụ hậu cần biển hướng tới hình thành các cụm ngành sản phẩm liên quan; xây dựng ven biển 3 tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh trở thành trung tâm công nghiệp của cả nước và vùng động lực phát triển của Bắc Trung Bộ; TP. Vinh trở thành trung tâm văn hoá, kinh tế Tiểu vùng. Thanh Hoá là cực tăng trưởng phía Bắc.

Tiểu vùng Trung Trung Bộ phát triển du lịch biển, du lịch sinh thái mang tầm khu vực và quốc tế; trung tâm công nghiệp lọc hoá dầu quốc gia, công nghiệp ô tô - phụ trợ ngành cơ khí, hoá chất; phát triển các cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng, các trung tâm dịch vụ nghề cá. Tại Tiểu vùng Trung Trung Bộ, Đà Nẵng là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin… Thừa Thiên Huế là trung tâm văn hoá đặc sắc của khu vực châu Á; trung tâm lớn của cả nước về khoa học công nghệ, giáo dục, đào tạo và y tế chuyên sâu.

Tiểu vùng Nam Trung Bộ hướng đến phát triển công nghiệp cơ khí, lọc hoá dầu, năng lượng tái tạo, năng lượng mới (hydrogen xanh), du lịch biển, du lịch cảng biển, hậu cần nghề cá, nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản. Trong đó, Khánh Hoà là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc và kết nối khu vực, quốc tế, trung tâm dịch vụ du lịch biển quốc tế, cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế biển của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ. Trong khi đó, Ninh Thuận, Bình Thuận là trung tâm năng lượng tái tạo, năng lượng mới của cả nước.

Quy hoạch cũng nêu rõ vùng động lực tăng trưởng là Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, Quy hoạch cũng định hướng xây dựng hệ thống đô thị, nông thôn với các chỉ tiêu cụ thể: đô thị hoá đến năm 2030 đạt trên 47 - 48%, dân số đô thị khoảng 10.617.150 người; dân số nông thôn 11.501.913 người, tổng số đô thị khoảng 250 đô thị. Theo Quy hoạch, phương hướng phát triển kết cấu hạ tầng với 1.554 km đường bộ cao tốc; nâng cấp, cải tạo và nâng cao hiệu quả khai thác 9 cảng hàng không (CHK) hiện có. Đưa CHK Phan Thiết vào hoạt động, đầu tư xây dựng mới CHK Quảng Trị; ưu tiên phát triển các cảng biển có tiềm năng thành cảng biển đặc biệt, nhất là cảng biển ở Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Đà Nẵng và Khánh Hoà; phát triển 11 tuyến vận tải ven biển chính và các sông; đầu tư đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Chủ tịch Hội đồng vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ phát biểu tại Hội nghị

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Chủ tịch Hội đồng vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là bước cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể quốc gia, thể hiện những định hướng lớn và cơ bản của các quy hoạch quốc gia về tổ chức không gian phát triển. Quy hoạch được lập trong bối cảnh Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Qua đó, giúp “mở đường”, tạo ra các động lực, tiềm năng, không gian phát triển mới của quốc gia, của Vùng và từng địa phương. Dưới góc độ quy hoạch, cần cách xác định để lựa chọn các địa phương có điều kiện tự nhiên tương đồng, có thể hỗ trợ và phát huy thế mạnh lẫn nhau. Vì vậy, việc xác định các tiểu vùng là yếu tố quan trọng. Bên cạnh đó, cần xác định thứ tự ưu tiên để quy hoạch lần lượt, ví dụ như ưu tiên các dự án có tính động lực của Vùng, tạo ra sự lan tỏa và kết nối.

Theo Phó Thủ tướng, Hội nghị là bước rất quan trọng, để lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cho ý kiến, là cơ sở để đơn vị tư vấn tiếp thu và tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định Quy hoạch Vùng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: "Quy hoạch Vùng phải đồng bộ với Quy hoạch quốc gia và quy hoạch tỉnh mà các địa phương đang và đã thực hiện"

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: "Quy hoạch Vùng phải đồng bộ với Quy hoạch quốc gia và quy hoạch tỉnh mà các địa phương đang và đã thực hiện"

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Quy hoạch Vùng hướng đến việc chủ động kiến tạo phát triển; tập trung xác định và giải quyết các vấn đề lớn, có tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh; để tái tổ chức không gian phát triển Vùng và khai thác, phát huy có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm phát triển Vùng nhanh, bền vững. Quy hoạch Vùng sẽ là cơ sở để các địa phương trong Vùng liên kết, hợp tác; bao gồm việc đề xuất kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030, đặc biệt là các dự án lớn, có tính liên vùng.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tuy thách thức có nhiều, nhưng cơ hội cũng không ít để vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung phát triển. Đó là, Vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển, phát triển theo hướng xanh, tuần hoàn, sáng tạo, bền vững và bao trùm; các nhà đầu tư nước ngoài đang chuyển dịch chuỗi cung ứng tới Việt Nam; tiềm năng đón khách du lịch quốc nội và quốc tế ngày càng tăng sau đại dịch Covid; cũng như cơ chế, chính sách từ Trung ương giúp thúc đẩy các nền tảng hạ tầng cho phát triển.

Xuất phát từ những tiềm năng, lợi thế nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung đã đưa ra những nhận diện, đề xuất có tính mới, đột phá. Theo đó, tầm nhìn phát triển đến năm 2050, phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung theo đúng tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị là vùng phát triển nhanh, bền vững, mạnh về kinh tế biển; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn ngang tầm khu vực châu Á với các khu kinh tế ven biển hiện đại, hệ thống đô thị ven biển thông minh, bền vững, có bản sắc riêng, thân thiện với môi trường, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; là nơi các giá trị văn hóa, lịch sử, hệ sinh thái biển, đảo, rừng được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc.

Tập trung đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng trọng yếu, đặc biệt là giao thông và logistics, năng lượng, hạ tầng thông tin và chuyển đổi số, giáo dục, đào tạo, y tế, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu… Tập trung mọi nguồn lực xây dựng hạ tầng giao thông và logistics kết nối nội vùng và liên vùng, trong đó chú trọng việc nâng cao hiệu quả vận tải hàng hóa, đặc biệt là hàng hải và đường sắt kết nối Bắc - Nam, Đông - Tây, đảm nhận vai trò cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên, qua đó giảm chi phí logistics, góp phần tăng năng suất lao động xã hội, tăng mật độ các hoạt động kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh của Vùng.

Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ bao gồm 14 tỉnh, thành phố: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận và Bình Thuận. Vùng có 1.800 km bờ biển, chiếm hơn 55% bờ biển cả nước và nhiều cảng biển, cảng hàng không lớn nên có ý nghĩa quan trọng cho phát triển kinh tế biển và bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Vùng có tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2005 - 2020 bình quân 7,3%/năm, cao hơn tốc độ tăng cả nước cùng giai đoạn (6,36%/năm). Quy mô kinh tế của Vùng năm 2020 đạt 1.157 nghìn tỷ đồng, gấp 3,3 lần so với năm 2010. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ và công nghiệp là chủ đạo; một số ngành kinh tế cơ bản, nhất là các ngành kinh tế biển, các ngành có giá trị gia tăng cao được hình thành và phát triển; du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Liên danh Công ty TNHH Haskoning DHV Việt Nam - CIEM - Isponre thực hiện. Haskning DHV Việt Nam hiện cũng là nhà thầu tư vấn Gói thầu số 3 Tư vấn lập Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; Gói thầu số 1 Tổ chức Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư