Quốc hội thông qua Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi)

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tiếp tục kỳ họp Thứ 11, Quốc hội khóa XIV, chiều nay (30/3), dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) chiều ngày 30/3/2021 (ảnh: QH)
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) chiều ngày 30/3/2021 (ảnh: QH)

Tham gia biểu quyết có 455 đại biểu (94,79%), trong đó, 454 đại biểu (94,58%) đã bỏ phiếu tán thành và 1 đại biểu không biểu quyết.

Trước khi biểu quyết thông qua Dự thảo Luật, Quốc hội nghe giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, ngày 24/3/2021, Quốc hội đã thảo luận ở Hội trường về Dự thảo Luật trên cơ sở Báo cáo số 774/BC-UBTVQH14 ngày 23/3/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự thảo Luật. Về cơ bản, các đại biểu nhất trí với nội dung Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo Luật, đồng thời đóng góp một số nội dung cụ thể để hoàn thiện Dự thảo Luật.

Ngay sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra tổ chức làm việc với Thường trực Ban soạn thảo, Thường trực Ủy ban Pháp luật, đại diện các cơ quan có liên quan để nghiên cứu, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật, cũng như rà soát về kỹ thuật để hoàn thiện Dự thảo.

Theo đánh giá, việc sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) đã bảo đảm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy; khắc phục các hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật Phòng, chống ma túy hiện hành, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống ma túy.

Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022.

Chuyên đề