PVN lo cháy túi vì Lọc hóa dầu Nghi Sơn

Khi Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sẽ phải bù lỗ mỗi năm hàng ngàn tỷ đồng bởi trách nhiệm bao tiêu sản phẩm.
Theo kế hoạch, Dự án Lọc hoá dầu Nghi Sơn sẽ chính thức vận hành thương mại từ tháng 7/2017. Ảnh: Sĩ Chức
Theo kế hoạch, Dự án Lọc hoá dầu Nghi Sơn sẽ chính thức vận hành thương mại từ tháng 7/2017. Ảnh: Sĩ Chức

Theo kế hoạch, Dự án Lọc hoá dầu Nghi Sơn (NSRP) sẽ bắt đầu vận hành thử từ tháng 11/2016 đến tháng 6/2017, sau đó chính thức vận hành thương mại từ tháng 7/2017. Đến năm 2020, nhà máy sẽ vận hành 100% công suất. Đáng lý ra, đây phải là tin mừng, song mới đây, Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết, khi nhà máy này vận hành thương mại, PVN sẽ phải bù lỗ 1,54 tỷ USD trong 10 năm, tương đương khoảng 3.500 tỷ đồng/năm, bởi trách nhiệm bao tiêu sản phẩm.

Trước đó, theo các thoả thuận được ký giữa nhà đầu tư NSRP với Chính phủ Việt Nam, PVN sẽ thực hiện bao tiêu sản phẩm của NSRP thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm với thời gian hiệu lực 10 năm kể từ ngày vận hành thương mại hoặc khi hợp đồng vay vốn của NSRP kết thúc. Bởi vậy, không phải tới bây giờ, việc PVN phải bù lỗ hàng ngàn tỷ đồng khi NSRP đi vào hoạt động mới được nhắc tới.

Thực tế, từ tháng 9/2015, PVN đã có văn bản cầu cứu Chính phủ về việc phải bù lỗ lớn cho NSRP khi Dự án này đi vào hoạt động. Theo tính toán của PVN, căn cứ lộ trình cam kết của Chính phủ, với giả định giá dầu thô WTI là 75 USD/thùng, PVN sẽ phải thanh toán chênh lệch thuế nhập khẩu với các sản phẩm xăng dầu của NSRP (thanh toán thông qua Hợp đồng) khoảng 65.000 tỷ đồng và cho các sản phẩm hoá dầu của NSRP là 10.000 tỷ đồng.

Bởi vậy, con số mà Vụ Ngân sách nhà nước đưa ra mới đây chỉ là tính toán lại dựa trên phương án giá dầu 45 USD/thùng và các biểu thuế hiện hành. Tính toán của vụ này cũng cho hay, giá dầu càng tăng, thì khoản bù lỗ của PVN càng lớn. Với giả định phương án giá dầu 50 USD/thùng, dự kiến PVN bù lỗ 1,8 tỷ USD cho 10 năm (tương đương 4.000 tỷ đồng/năm); giá dầu 70 USD/thùng, phần bù lỗ sẽ là 2 tỷ USD cho 10 năm (tương đương 4.500 tỷ đồng/năm).

Việc phải bù lỗ này là bởi Chính phủ Việt Nam thông qua PVN tiến hành bao tiêu sản phẩm của NSRP với giá nhập khẩu cộng với mức thuế nhập khẩu 7% cho sản phẩm lọc dầu, 5% cho LPG, 3% cho sản phẩm hoá dầu. Do vậy, có thể NSRP sẽ tiêu thụ 100% sản lượng xăng, dầu trong nước để hưởng ưu đãi thuế nói trên.

Khi nhà máy đi vào hoạt động, NSRP được áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) ưu đãi 10% trong toàn bộ thời gian hoạt động 70 năm, miễn thuế 4 năm đầu tiên có thu nhập chịu thuế và giảm 50% trong thời gian 9 năm tiếp theo. Do đó, từ năm 2017 - 2020, NSRP chưa phát sinh thuế TNDN phải nộp.

Về thuế giá trị gia tăng (GTGT), đáng lưu ý, với phương án giá dầu thô 45 USD/thùng, dự kiến năm 2017 không phát sinh thu thuế GTGT ở khâu nội địa mà phải hoàn từ Quỹ hoàn thuế GTGT khoảng 1.478 tỷ đồng. Thuế GTGT đầu ra khoảng 1.574 tỷ đồng, đầu vào khoảng 3.051 tỷ đồng.

Nguyên nhân hoàn thuế được lý giải là do số thuế GTGT đầu vào lớn hơn vì nhà máy phải nhập khẩu dầu thô từ tháng 4/2017 để chạy thử 6 tháng và chạy thương mại 3 tháng. Tổng lượng dầu thô nhập vào cho việc vận hành năm 2017 lên đến 9 tháng, nhưng sản phẩm đầu ra đến tháng 7/2017 mới có (6 tháng) và sản phẩm tiêu thụ có thuế GTGT đầu ra chỉ có 5 tháng. Sang năm 2018 mới bắt đầu không phải hoàn thuế GTGT và dự kiến sẽ phát sinh thu thuế này tại Thanh Hóa.

Ngoài ra, đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, dự kiến năm 2017 thu được khoảng 538 tỷ đồng. Nhà máy cũng dự kiến sẽ phát sinh 4.331 tỷ đồng thuế bảo vệ môi trường năm 2017.

Về tác động tới ngân sách nhà nước, khi NSRP đi vào hoạt động, năm 2017, tổng thu ngân sách nhà nước dự kiến giảm 1.377 tỷ đồng, năm 2018 giảm 10.929 tỷ đồng, năm 2019 giảm 10.632 tỷ đồng và năm 2020 giảm 14.110 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu sẽ bị tác động giảm.

Lợi nhuận thu được của PVN, với tư cách cổ đông tương ứng tỷ lệ vốn góp, là khoảng 1.600 tỷ đồng/năm nếu giá dầu 45 USD/thùng; nếu giá dầu ở mức 50 USD/thùng, lợi nhuận chỉ còn khoảng 1.400 tỷ đồng/năm. “Như vậy, về cơ bản, khi NSRP đi vào hoạt động, PVN sẽ phải bù lỗ bình quân 80 - 110 triệu USD/năm, tương đương khoảng 1.800 - 2.500 tỷ đồng/năm”, Vụ Ngân sách nhà nước cho biết.

Câu chuyện hiện nay là PVN chưa biết lấy nguồn nào để bù cho khoản phải trả khi bao tiêu sản phẩm của NPRS, khi mà các đề nghị của PVN về khoản bù này vẫn chưa được các cơ quan chức năng phân định sẽ được chi trả ra sao.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư