Phối hợp để ngăn chặn khai thác cát trái phép

(BĐT) - Cát, sỏi lòng sông là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có đặc thù dễ khai thác nhưng lại khó quản lý. Thời gian qua, việc quản lý, cấp phép thăm dò, khai thác vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế dẫn đến những hệ lụy về môi trường các bờ vực sông, biển. 
Diễn biến của hoạt động khai thác cát trái phép ngày càng trở nên phức tạp. Ảnh: Nhật Trâm
Diễn biến của hoạt động khai thác cát trái phép ngày càng trở nên phức tạp. Ảnh: Nhật Trâm

Do đó, cơ quan quản lý đang đề xuất xây dựng quy định, quy chế phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương liên quan trong công tác quản lý, ngăn chặn hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép.

20 tỉnh, thành vẫn còn khai thác trái phép

Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), chỉ tính đến đầu năm 2016, đã có 707 giấy phép thăm dò, 755 giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông được UBND 61 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp phép cho các tổ chức, cá nhân, trong đó có 87 giấy phép khai thác cấp thông qua hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Trong đó, ngành giao thông phải tiến hành khơi thông luồng lạch, cửa sông, cửa biển với nhu cầu kinh phí khá lớn nhưng ngân sách nhà nước chỉ có thể đáp ứng được khoảng 50%. Do đó, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm thực hiện (từ tháng 2/2014 đến nay) để nạo vét, khơi thông luồng hàng hải kết hợp thu hồi sản phẩm theo hình thức “xã hội hóa” từ vốn của các doanh nghiệp. Thống kê cho thấy, cuối năm 2016 đã có trên 90 dự án nạo vét tại 30 tỉnh, thành phố được Bộ này chấp thuận theo hình thức “xã hội hóa”.

Tại 40 tỉnh, thành phố cả nước đã có báo cáo cho thấy, tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản xác định từ trên 600 giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông và dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch đã phê duyệt là 732,93 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép lại diễn ra tại nhiều địa phương. Đến đầu năm 2016, hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép vẫn còn diễn ra tại 20 tỉnh, thành phố. Hậu quả của tình trạng này là làm thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách nhà nước; tác động xấu đến môi trường; ảnh hưởng đến an toàn đê điều, các công trình thủy lợi và là một trong những nguyên nhân gây sạt lở bờ sông.

Và diễn biến của hoạt động này ngày càng trở nên phức tạp; thủ đoạn của các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi, nguy hiểm, manh động khi đối phó với các cơ quan chức năng; đã xuất hiện tình trạng đầu cơ, tích trữ cát để nâng giá trục lợi, gây rối loạn thị trường. 

Tăng phối hợp, phân công quản lý

Trên thực tế, quản lý cát, sỏi lòng sông có liên quan trực tiếp đến chức năng quản lý của nhiều bộ, ngành theo quy định của nhiều lĩnh vực khác nhau, như: Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng, Bộ GTVT,  Bộ Công an… và UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm chính về quản lý nhà nước các lĩnh vực trên địa bàn địa phương, trong đó có tài nguyên cát, sỏi lòng sông.

Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có văn bản quy định cụ thể việc bảo vệ lòng, bờ, bãi sông đối với các hoạt động khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông, hồ...

Do đó, Bộ TN&MT đã chỉ đạo xây dựng Thông tư quy định quản lý cát, sỏi lòng sông; bảo vệ lòng, bờ, bãi sông. Song, với tầm quan trọng và phạm vi ảnh hưởng của các nội dung điều chỉnh, tại Hội nghị về phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi tổ chức ngày 07/3/2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đã giao nhiệm vụ cho Bộ TN&MT, Bộ GTVT và các cơ quan liên quan tổ chức xây dựng các văn bản quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong việc quy hoạch quản lý, cấp phép theo hướng "tập trung đầu mối xử lý tại địa phương phù hợp với quy định của Luật Khoáng sản".

Do vậy, trong định hướng chính sách, giải pháp xây dựng, Bộ TN&MT dự kiến sẽ xây dựng Nghị định quy định quản lý cát, sỏi lòng sông theo hướng phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có liên quan nhằm đảm bảo quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông đạt hiệu quả tốt hơn.

Cùng với đó, Nghị định dự kiến xây dựng cụ thể các nội dung của thủ tục về bảo vệ lòng, bờ, bãi sông gồm trình tự, thủ tục thực hiện, cách thức thực hiện, thành phần hồ sơ, thời hạn giải quyết, cũng như phân định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước từ Trung ương đến địa phương trong việc lấy ý kiến chấp thuận trước khi thực hiện các dự án, xây dựng công trình.

Xây dựng các quy định nhằm tạo sự công khai, minh bạch trong quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông; xây dựng cơ chế quản lý đồng bộ về khai thác cát sỏi, thu hồi khoáng sản từ dự án nạo vét, duy tu luồng lạch, các hoạt động bảo vệ lòng, bờ, bãi sông theo trình tự quy định tại Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước và một số văn bản liên quan theo hướng tập trung đầu mối tại địa phương, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan đối với các hoạt động này.

Theo kế hoạch, Bộ TN&MT sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng văn bản này vào tháng 1/2018 và gửi lấy ý kiến các bộ, ngành vào tháng 5/2018.

Chuyên đề