Phát triển Huế trở thành đô thị di sản, trung tâm về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam; đô thị hạt nhân cấp vùng và tiểu vùng, là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương chủ trì Phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Đức Trung
Thứ trưởng Trần Quốc Phương chủ trì Phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Đức Trung

Tận dụng thời cơ bứt phá cả về tốc độ và chất lượng tăng trưởng

Chiều ngày 9/10, Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh đã tổ chức Phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh Trần Quốc Phương đánh giá, Thừa Thiên Huế là địa phương có nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh, cơ hội nổi trội và hội tụ đủ các điều kiện để phát triển nhanh và bền vững, hướng tới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 54NQ/TW của Bộ Chính trị: Là trung tâm văn hóa - du lịch; giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; khoa học - công nghệ; y tế chuyên sâu của cả nước, khu vực Đông Nam Á và châu Á.

Trong thời gian vừa qua, Thừa Thiên Huế đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội khi có mức tăng trưởng khá, bình quân đạt trên 7%/năm; môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; là một trong các địa phương tiên phong và dẫn đầu về xây dựng Chính quyền điện tử và các dịch vụ đô thị thông minh. Đáng chú ý, công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh năm 2021 và 2022 đã đạt được các kết quả vượt bậc, thuộc nhóm đứng đầu cả nước về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và các chỉ số xếp hạng cấp tỉnh.

Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua chưa có bước bứt phá, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có của Tỉnh; quy mô nền kinh tế còn thấp, chưa thấy rõ mối quan hệ gắn bó giữa kinh tế và văn hóa, chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư và xây dựng hiện đại, đồng bộ; đô thị hóa và hệ thống đô thị phát triển còn chậm, chưa thể hiện thực sự rõ nét bản sắc đô thị Huế...

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, những thách thức, điểm nghẽn lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của Thừa Thiên Huế thời gian qua cần được nhận diện và tập trung xử lý trong bản quy hoạch lần này để tận dụng được thời cơ bứt phá cả về tốc độ và chất lượng tăng trưởng, tạo thêm năng lượng để Tỉnh phát triển bền vững trong thời gian tới.

Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế

Ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Đức Trung
Ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Đức Trung

Về phía địa phương, ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế chia sẻ, quá trình tổ chức lập quy hoạch có một số khó khăn, hạn chế làm ảnh hưởng đến tiến độ. Tuy nhiên, được sự quan tâm, phối hợp, hướng dẫn, giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hồ sơ Quy hoạch đến nay đã cơ bản hoàn thiện theo đúng quy định để trình Hội đồng Thẩm định xem xét, thông qua.

Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế nhấn mạnh, Quy hoạch Tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 có tầm quan trọng đặc biệt, là quy hoạch có tính chất bản lề, sau khi Quy hoạch được phê duyệt sẽ tạo ra khung pháp lý cao nhất, hành lang vững chắc cho sự phát triển nhanh, toàn diện và bền vững của Tỉnh; là cơ sở, tiền đề để hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, tạo không gian phát triển mới; từng bước giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa; giữa bảo tồn, giữ gìn truyền thống và phát huy các giá trị di sản; giữa phát triển đô thị di sản và phát triển thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo Dự thảo Quy hoạch, mục tiêu phát triển đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam; đô thị hạt nhân cấp vùng và tiểu vùng, là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước, cực tăng trưởng của Vùng động lực miền Trung; đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; là khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng - an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế.

Tầm nhìn đến năm 2050, Thừa Thiên Huế - thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng văn hóa, di sản, xanh, bản sắc Huế, thông minh, hướng biển, thích ứng và bền vững; là đô thị lớn thuộc nhóm có trình độ phát triển kinh tế ở mức cao của cả nước; hướng tới thành phố Festival, trung tâm văn hóa - du lịch, giáo dục, khoa học công nghệ và y tế chuyên sâu đặc sắc của cả nước và châu Á; là điểm đến an toàn, thân thiện, xứ sở của hạnh phúc và tràn đầy năng lượng.

Các khâu đột phá trong phát triển ở thời kỳ quy hoạch được Thừa Thiên Huế nhận diện là phát triển hệ thống đô thị di sản kết hợp đô thị hiện đại, thông minh để xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản, phát huy lợi thế đô thị ven biển gắn với vị thế 4 trung tâm của vùng và cả nước (văn hóa du lịch đặc sắc; giáo dục đào tạo đa ngành chất lượng cao; y tế chuyên sâu; khoa học công nghệ) và thích ứng với biến đổi khí hậu với quy mô lớn, có sức cạnh tranh cao về kinh tế để nâng cao chất lượng sống của người dân; đô thị hóa gắn với xây dựng nông thôn hiện đại, kết hợp chặt chẽ giữa công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp.

Đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại bảo đảm liên thông, tổng thể; trọng tâm ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông chiến lược, công nghệ thông tin, viễn thông, cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng logistics, hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, hạ tầng đô thị. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững. Nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, hiệu lực, hiệu quả thực thi thể chế, chính sách, pháp luật.

Phát triển bền vững kinh tế biển, đầm phá xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước, cực tăng trưởng, động lực phát triển của Vùng động lực Miền Trung và cả nước với hệ thống cảng biển nước sâu Chân Mây đồng bộ, hiện đại gắn với phát triển kinh tế chuỗi khu kinh tế, khu công nghiệp, đô thị biển - đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đặc sắc của khu vực.

Phát huy vai trò quan trọng động lực của Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đối với phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh, của Vùng. Đẩy nhanh tăng trưởng công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp sản xuất điện từ nguồn năng lượng xanh hơn như LNG, năng lượng tái tạo; ưu tiên thu hút các dự án lớn sử dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, có khả năng dẫn dắt, hình thành hệ sinh thái các ngành kinh tế trọng điểm.

Bảo tồn phát huy các di sản lịch sử, văn hoá và thiên nhiên; xây dựng hệ sinh thái dân sinh hấp dẫn. Bồi đắp, phát huy giá trị vai trò và con người Huế làm nền tảng phát triển bền vững.

Trở thành trung tâm du lịch đặc sắc, xứng tầm

Bản đồ khu vực khuyến khích, khu vực hạn chế phát triển. Trong đó, khu vực khuyến khích phát triển gồm khu vực đồng bằng, trung du và ven các hành lang kinh tế, quy mô khoảng 99.623 ha.
Bản đồ khu vực khuyến khích, khu vực hạn chế phát triển. Trong đó, khu vực khuyến khích phát triển gồm khu vực đồng bằng, trung du và ven các hành lang kinh tế, quy mô khoảng 99.623 ha.

Một trong những quan điểm đưa ra trong tổ chức không gian phát triển tại Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế được định hướng theo mô hình đô thị trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; gắn với các hành lang quốc gia Bắc - Nam và hành lang kinh tế Đông - Tây, phát triển đô thị hướng biển và thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng.

Dựa trên định hướng đó, Thừa Thiên Huế tập trung phát triển du lịch Tỉnh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; một trong những trung tâm du lịch đặc sắc của khu vực Đông Nam Á; xứng tầm là một trung tâm du lịch chất lượng cao, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam. Phát triển các loại hình du lịch văn hóa; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển, đầm phá; du lịch vui chơi giải trí; du lịch nghỉ dưỡng kết hợp khám chữa bệnh; du lịch tâm linh; du lịch hội nghị hội thảo gắn với sản phẩm du lịch đa dạng, đặc trưng, khác biệt, đẳng cấp... Phát triển du lịch thông minh dựa trên nền tảng chuyển đổi số, du lịch xanh, bền vững.

Tập trung phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế và có hàm lượng tri thức, công nghệ cao gắn với công nghệ số, kinh tế số như: du lịch, tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin, giáo dục - đào tạo, y tế chuyên sâu. Phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ vận tải, dịch vụ đô thị thông minh, dịch vụ văn hóa, triễn lãm và hội nghị quốc tế... Phát triển công nghiệp văn hóa gắn với thành phố Festival, Kinh đô Ẩm thực, Kinh đô Áo dài. Phát triển dịch vụ logistic gắn với hệ thống Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, cảng biển nước sâu Chân Mây trở thành trung tâm logistic "xanh" của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung. Phát triển dịch vụ đào tạo chất lượng cao đạt chuẩn quốc tế và ASEAN. Phát triển mạng lưới tổ chức tín dụng, dịch vụ thanh toán điện tử và các hệ thống giao dịch điện tử tự động...

Phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 30% GRDP. Tỷ trọng ngành dịch vụ chiếm khoảng 54 - 56%; trong đó, ngành du lịch chiếm 15 - 20%.

Chuyên đề