Phá rào cản, dồn lực đầu tư vào nông nghiệp

(BĐT) - Vốn dĩ nông nghiệp (NN) được xem là ngành có nhiều tiềm năng và lợi thế của Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều năm qua, do cách làm manh mún, thiếu hiệu quả cùng chính sách khuyến khích đầu tư chưa đủ sức hấp dẫn khiến ngành này vẫn loay hoay với bài toán năng suất.
Nông dân thiếu thông tin thị trường và gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng. Ảnh: Lê Tiên
Nông dân thiếu thông tin thị trường và gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng. Ảnh: Lê Tiên

Phá rào cản này để dồn lực đầu tư, đưa nước ta trở thành quốc gia hùng cường về NN là vấn đề đặt ra hiện nay.

Lượng doanh nghiệp đầu tư khiêm tốn 

Thời gian qua, với chủ trương khuyến khích phát triển NN, nông thôn của Đảng và Nhà nước, nhiều doanh nghiệp (DN) thuộc các thành phần kinh tế đã đầu tư vào NN và bước đầu khẳng định hiệu quả như: Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty TNHH Ba Huân, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính của Tập đoàn Việt Úc tại Bạc Liêu...

Trong 10 năm trở lại đây, số lượng DN kinh doanh trong lĩnh vực NN tăng lên nhanh chóng. Theo thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nông lâm thuỷ sản là một trong những lĩnh vực có tỷ lệ DN thành lập mới cao nhất trong nhiều năm qua. Số lượng DN đầu tư vào NN gia tăng, trong đó có nhiều DN lớn như: Tập đoàn TH, Dabaco, Vingroup, Hòa Phát… Đặc biệt, lĩnh vực NN công nghệ cao đã và đang thu hút sự quan tâm của nhiều DN.

Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước mới có khoảng 1% tổng số DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất NN, lâm nghiệp và thủy sản. Phần lớn trong số đó là DN nhỏ và vừa. Đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này cũng tương đối hạn chế. 

Doanh nghiệp nông nghiệp đang thiếu gì?

Phân tích của ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, có nhiều nguyên nhân khiến đa số hộ sản xuất, hợp tác xã, DN chưa dám đầu tư lớn vào NN.

Dẫn kết quả điều tra về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh mà VCCI công bố mới đây đối với 10.000 DN dân doanh tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có các DN thuộc lĩnh vực NN, ông Tuấn chỉ ra, có 62% DN NN gặp khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng, 51% khó tìm vốn, 36% khó tìm nhân sự phù hợp, 31% DN khó khăn trong thực hiện thủ tục hành chính. Các DN NN chấm điểm môi trường kinh doanh thấp hơn các lĩnh vực khác như công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ…

Đặc biệt, về tiếp cận đất đai, có 65% DN NN gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính về đất đai khi muốn mở rộng mặt bằng sản xuất kinh doanh.

Về chính sách hỗ trợ DN, có 64% DN NN biết đến các chính sách hỗ trợ DN, và trong số đó có 76% DN đủ điều kiện được hưởng. Tuy nhiên, chỉ có 44% thực sự đang hưởng chính sách hỗ trợ.

Ngoài những khó khăn kể trên, 66% DN NN thường phải trả thêm các chi phí không chính thức, và có đến 5% DN NN phải trả trên 10% doanh thu cho chi phí không chính thức. 58% DN NN đồng ý rằng hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính là phổ biến...

Ở một khía cạnh khác, ông Ngô Minh Hải, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH cho rằng, rào cản lớn nhất hiện nay của các DN chính là việc tuân thủ quy trình quy chuẩn kỹ thuật cam kết, hay nói cách khác là văn hóa DN. Thông thường, các DN ban đầu tham gia vào chuỗi cung ứng thì sản phẩm chất lượng tốt nhưng về sau kém hơn một chút. “Rõ ràng DN chưa có cam kết mạnh mẽ để khi tham gia vào chuỗi sẽ tuân thủ triệt để các quy trình kỹ thuật. Nếu DN không tuân thủ nghiêm, buộc lòng DN lớn đó phải tìm nhà cung ứng khác”, ông Hải nhấn mạnh. 

Đổi mới để thu hút đầu tư

Dốc sức thu hút đầu tư vào NN, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào NN, nông thôn thay thế Nghị định số 210/2013/NĐ-CP, được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới cho sự phát triển của ngành NN nước ta.

Bên cạnh đổi mới chính sách, đại diện VCCI nhấn mạnh thêm, môi trường kinh doanh trong lĩnh vực này cần phải được cải thiện mạnh mẽ hơn nữa. Chẳng hạn như với công tác quy hoạch, vai trò của Nhà nước trong việc đưa ra khuyến nghị, định hướng, cung cấp thông tin thị trường đối với nông sản là rất quan trọng. Câu chuyện thừa thịt lợn hay các sản phẩm NN thời gian qua là ví dụ điển hình cho thấy nông dân rất thiếu những thông tin đáng tin cậy để ra quyết định sản xuất.

“Vì thế, mong Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đổi mới mạnh mẽ hơn phương thức tiếp cận, thay vì ban hành những bản quy hoạch cứng nhắc, nhanh lạc hậu so với thực tiễn thì chuyển sang cơ chế cung cấp thông tin thường xuyên cho nông dân, cho thị trường”, ông Tuấn đề xuất.

Ngay cả việc thanh tra, kiểm tra dù hết sức cần thiết, nhưng cần sớm đổi mới phương thức bằng cách áp dụng triệt để quản lý rủi ro cho NN, qua đó giảm nguy cơ nhũng nhiễu, tiêu cực từ cán bộ thanh tra, kiểm tra, giúp giảm chi phí không chính thức cho DN…

Chuyên đề

Kết nối đầu tư