“Nóng” chất vấn tiến độ các dự án điện

(BĐT) - Hiện hàng loạt dự án nguồn điện đang chậm tiến độ từ 1 đến 5 năm, dẫn đến nguy cơ thiếu điện từ năm 2019. Ngày 7/11, nhiều đại biểu Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh liên quan đến thực trạng này.
Quy hoạch điện VIII sẽ tăng nguồn điện tái tạo và điện khí so với Quy hoạch điện VII. Ảnh: Vũ Phong
Quy hoạch điện VIII sẽ tăng nguồn điện tái tạo và điện khí so với Quy hoạch điện VII. Ảnh: Vũ Phong

Nguy cơ thiếu điện hiện hữu

Sốt ruột khi Dự án Nhà máy Điện khí LNG Bạc Liêu chưa được triển khai dù đã hoàn thành thủ tục theo yêu cầu của Bộ Công Thương từ khá lâu, đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: “Vì sao chậm trễ như vậy và bao giờ dự án này sẽ triển khai được?”. Theo ông Thái, Dự án Nhà máy Điện khí LNG Bạc Liêu được Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc từ 18 tháng trước. Đến nay, đã tròn 12 tháng kể từ khi nhà đầu tư hoàn thành thủ tục theo yêu cầu của Bộ Công Thương.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương có 2 lần báo cáo với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để bổ sung quy hoạch Dự án. Chính phủ sẽ xem xét sau khi có tổng hợp theo hướng dẫn của Thường vụ Quốc hội về luật pháp và sẽ xem xét bổ sung quy hoạch để triển khai thực hiện thời gian tới.

Cho rằng nội dung trả lời của Bộ trưởng Bộ Công Thương còn chung chung, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ trưởng cho biết là từ giờ tới cuối năm có giải quyết được dự án này hay không? Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh không dám chắc, mà chỉ hy vọng Dự án sẽ sớm được thực hiện vào đầu năm 2020.

Đối với Dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nhận định, Dự án đã thất bại và khả năng sẽ gia nhập "câu lạc bộ nghìn tỷ" thua lỗ, Nhà nước có khả năng mất hàng trăm triệu USD.

Với Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho biết, Dự án do Tập đoàn Dầu khí làm chủ đầu tư, khởi công từ năm 2011 và dự kiến phát điện vào năm 2016. Hiện Dự án đang bị dừng thi công, gây ra rất nhiều hệ lụy. “Nếu chúng ta kéo dài dự án này thì nguy cơ gây lãng phí rất lớn, vì đầu tư Dự án đã được 85%, còn 15% nữa là có thể đưa vào khai thác, vận hành và phát điện, tăng sản lượng điện cho quốc gia”, ông Xuyền nêu ý kiến.

Bên cạnh hàng loạt dự án nhiệt điện, điện khí, truyền tải điện trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh bị chậm tiến độ, đại biểu Trần Ngọc Phương (Quảng Bình) cho biết, còn rất nhiều dự án năng lượng tái tạo cũng chung số phận.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết, việc phát triển hệ thống điện đang gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất là cơ cấu nguồn điện đã có sự thay đổi rất nhanh so với Quy hoạch điện VII, dẫn đến phải điều chỉnh Quy hoạch. “Sơ bộ với khoảng 60 dự án đang đầu tư, có 35 dự án công suất từ 200 MW trở lên chậm tiến độ từ 1 đến 5 năm, thậm chí có dự án còn chậm kéo dài hơn nữa, với tổng công suất khoảng 39.000 MW, từ đó dẫn đến nguy cơ thiếu điện từ năm 2019…”, Phó Thủ tướng cảnh báo. 

Nghiên cứu cơ chế xã hội hóa

Để đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, trong giai đoạn tới, đặc biệt là giai đoạn 2021 - 2030, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tập trung vào một số giải pháp trọng yếu.

Đầu tiên là lập Quy hoạch Điện VIII theo đúng Luật Quy hoạch đến giai đoạn 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với quan điểm đổi mới công tác quy hoạch, trong đó tập trung xác định rõ quy mô công suất nguồn của từng giai đoạn.

Thứ hai, xác định cơ cấu nguồn điện, trong đó tăng nguồn điện tái tạo và tăng điện khí trong cơ cấu nguồn điện so với Quy hoạch điện VII hiện nay và kéo dài thời gian đến ngoài 2030.

Thứ ba, trên cơ sở quy hoạch, yêu cầu Bộ Công Thương xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn, từ đó xác định các dự án ưu tiên để huy động vốn đầu tư thực hiện, cũng như tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm chậm tiến độ…

Liên quan đến đầu tư phát triển của ngành điện, đặc biệt là các cơ chế, chính sách, các cơ chế đặc thù hỗ trợ, khuyến khích để tháo gỡ khó khăn cho những dự án lớn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật. Riêng việc huy động vốn đầu tư đường truyền tải điện, vướng mắc nằm ở Luật Điện lực. “Luật Điện lực có một điều quy định Nhà nước độc quyền về truyền tải điện. Nhưng điều này không có nghĩa là độc quyền cả về đầu tư. Ở đây là độc quyền về quản lý”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng, chúng ta phải huy động các nguồn vốn xã hội để đầu tư, Nhà nước quản lý.

Đối với lập Quy hoạch điện VIII và Quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị rà soát, xử lý các vấn đề phát sinh trong quy hoạch vận hành các dự án điện; nghiên cứu cơ chế mới để huy động nguồn xã hội hóa trong việc xây dựng hệ thống truyền tải điện...

Chuyên đề