Những trắc trở của Mobile Money

(BĐT) - Sau nửa năm được triển khai thí điểm, dịch vụ dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ giá trị nhỏ (Mobile Money) đã ghi nhận kết quả tích cực về tiện ích cho người dùng và triển vọng tăng trưởng tốt trong thời gian tới. Tuy nhiên, để đưa hình thức thanh toán không dùng tiền mặt này phát triển bền vững, đi vào đời sống thì vẫn còn nhiều thách thức và trở ngại cần sớm được giải quyết.
Đến cuối tháng 3/2022, có hơn 1,1 triệu khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile Money. Ảnh VNPTPay
Đến cuối tháng 3/2022, có hơn 1,1 triệu khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile Money. Ảnh VNPTPay

Tháng 3/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 316/QĐ-TTg phê duyệt triển khai thí điểm Mobile Money. Tháng 11/2021, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận cho Tổng công ty Truyền thông (VNPT-Media), Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) triển khai thí điểm Mobile Money.

Theo số liệu từ NHNN, đến cuối tháng 3/2022, có hơn 1,1 triệu khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile Money với hơn 8,5 triệu giao dịch, giá trị hơn 370 tỷ đồng.

Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán thuộc NHNN cho biết, dịch vụ Mobile Money được triển khai đã tận dụng hạ tầng, dữ liệu, mạng lưới viễn thông, giảm các chi phí xã hội để phát triển, mở rộng kênh thanh toán không dùng tiền mặt trên thiết bị di động, mang lại tiện ích cho người sử dụng, đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân và xã hội.

Bên cạnh những thành quả đạt được, các doanh nghiệp viễn thông triển khai dịch vụ cũng gặp phải một số khó khăn do đây là dịch vụ mới, việc phát triển điểm kinh doanh tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa tốn khá nhiều nguồn lực do khoảng cách địa lý và số lượng doanh nghiệp tại các khu vực này còn hạn chế.

Ông Trương Quang Việt, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Dịch vụ số Viettel cho biết, Mobile Money không phụ thuộc vào kết nối Internet hay tài khoản ngân hàng, chỉ với 1 số điện thoại Viettel, người dân trên cả nước có thể thực hiện các giao dịch mua bán, chi tiêu không tiền mặt vô cùng dễ dàng thông qua tài khoản tiền di động. Tuy nhiên, theo ông Việt, việc thay đổi hành vi chi tiêu để người dân chấp nhận sử dụng dịch vụ Mobile Money trong thanh toán cũng không phải dễ.

Để phát triển Mobile Money, ông Việt đề xuất cần đẩy mạnh các hoạt động giải ngân, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cho nhóm đối tượng yếu thế, người dân ở vùng sâu, vùng xa thông qua tài khoản tiền di động.

Bà Phạm Minh Tú, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ số MobiFone cho rằng, hạn mức tối đa của Mobile Money chỉ là 10 triệu đồng là một hạn chế, cần tăng lên. Đồng thời, cho phép các nhà mạng kết nối vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để việc đăng ký không sai so với chứng minh thư nhân dân cũ.

Bên cạnh đó, điều kiện để mở tài khoản Mobile Money là rất chặt chẽ khi phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu như: định danh khách hàng (KYC) phải chính xác, khách hàng phải có chứng minh nhân dân, căn cước công dân hoặc hộ chiếu trùng với thông tin đăng ký số thuê bao di động của mình; số thuê bao di động phải có thời gian kích hoạt và sử dụng liên tục trong ít nhất 3 tháng. Theo ông Nguyễn Văn Tấn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Dịch vụ viễn thông VNPT VinaPhone, để đẩy mạnh hoạt động này, điều đầu tiên là thủ tục đăng ký đơn giản, có thể sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đăng ký bởi có thông tin đầy đủ và chính xác gần như tuyệt đối về họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ… Đồng thời, cần có hệ thống quy chuẩn bảo mật mang tính quốc gia làm cơ sở để các nhà mạng lấy làm tiêu chuẩn nhằm tổ chức triển khai và đầu tư hệ thống.

Ông Phan Đức Hiệp, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư, căn cước công dân thuộc Bộ Công an cho biết, cơ quan này đã nghiên cứu, triển khai các giải pháp để hỗ trợ nhà mạng, tổ chức cung cấp dịch vụ Mobile Money nói riêng. Đó là xác thực dữ liệu dân cư để cấp tài khoản Mobile Money.

Bên cạnh đó, về ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử, Bộ Công an đang triển khai thí điểm việc xác thực thẻ căn cước công dân thật/giả, xác thực thông tin cơ bản, thông tin sinh trắc với dữ liệu được lưu trữ trong chip của thẻ căn cước công dân nhằm tránh các rủi ro, gian lận trong hoạt động tài chính, ngân hàng, viễn thông, công chứng và các giao dịch dân sự, thủ tục khác.

“Các nhà cung cấp dịch vụ Mobile Money tích hợp giải pháp này là cần thiết nhằm tránh các rủi ro trong hoạt động xác minh tài khoản qua ứng dụng trực tuyến và các quầy giao dịch, điểm tiếp nhận trực tiếp. Hình thức của giải pháp này được thể hiện qua các đầu đọc thẻ căn cước công dân gắp chip, thiết bị xác minh di động tại quầy giao dịch và thư viện tích hợp vào các ứng dụng mobile trên nền tảng di động”, ông Hiệp nhận định.

Chuyên đề