Nhiều doanh nghiệp Thụy Điển muốn đầu tư tại của Việt Nam

(BĐT) - Hơn 50 doanh nghiệp (DN) Thụy Điển tháp tùng bà Victoria Ingrid Alice Desiree, Công chúa kế vị trong chuyến thăm Việt Nam (từ ngày 6 - 8/5/2019) là một trong những minh chứng về sự quan tâm, mong muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
 
Bộ trưởng Ngoại thương Thụy Điển Ann Linde phát biểu tại Hội nghị. Ảnh Lê Tiên
Bộ trưởng Ngoại thương Thụy Điển Ann Linde phát biểu tại Hội nghị. Ảnh Lê Tiên

Bộ trưởng Ngoại thương Thụy Điển Ann Linde đã khẳng định như vậy tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam – Thụy Điển với chủ đề “Đối tác vì phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo” vừa diễn ra tại Hà Nội.

Nền tảng hợp tác trong 50 năm

Nhớ lại những ngày tháng khó khăn, gian khổ trong chiến tranh, Thụy Điển là những người bạn giúp đỡ Việt Nam, những công trình, thiết bị của Thụy Điển đã góp phần không nhỏ giúp Việt Nam tái thiết và phát triển. 2,7 triệu người dân Thụy Điển đã xuống đường ủng hộ người dân Việt Nam (trung bình cứ 3 người Thụy Điển thì có 1 người ủng hộ Việt Nam. Thụy Điển đã viện trợ cho Việt Nam hơn 4 tỷ USD. Ngày nay, hàng loạt công trình vẫn còn ghi đậm dấu ấn của Thụy Điển như Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Uông Bí, Nhà máy giấy Bãi Bằng...

Không chỉ vậy, Thụy Điển còn là một trong những quốc gia đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Trong suốt 50 năm qua, quan hệ thương mại, đầu tư Việt Nam - Thụy Điển ngày càng phát triển sâu rộng. Kim ngạch thương mại hai nước liên tục tăng trưởng tốt, đạt 1,5 tỷ USD trong năm 2018. Thụy Điển hiện có 67 dự án đầu tư ở Việt Nam với tổng vốn đăng ký là 364 triệu USD, đứng thứ 34/130 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Từ những nền tảng hợp tác giữa hai nước trong suốt 50 năm qua, bà Ann Linde cho rằng: “Có rất nhiều lý do để tìm kiếm các cơ hội thương mại và kinh doanh tại Việt Nam. Ngày nay, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế cao nhất thế giới. Tầng lớp trung lưu ngày càng tăng của Việt Nam là những người tiêu dùng tiềm năng và các DN lạc quan nhất thế giới. Việt Nam có những cam kết thương mại với Liên minh châu Âu (EU) dự kiến có hiệu lực vào năm 2020. Việt Nam không chỉ là một thị trường mới nổi hấp dẫn cho các tập đoàn đa quốc gia và một trung tâm sản xuất toàn cầu trong tương lai, Việt Nam còn có hệ sinh thái kinh doanh rất năng động. Nhiều công ty Thụy Điển và các tổ chức thương mại muốn tham gia vào quá trình phát triển của Việt Nam”.

Đến nay, nhiều tập đoàn lớn hàng đầu của Thụy Điển và trên thế giới đang kinh doanh thành công tại Việt Nam như ABB, Ericsson, Volvo, Tetra Pak, Electrolux… Ngày càng có nhiều tên tuổi như H&M, Spotify, Skype hay IKEA... trở nên quen thuộc với người dân Việt Nam.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, có tới 73% DN Thụy Điển đang hoạt động tại Việt Nam cho biết họ sẽ mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và 80% DN cho rằng họ tiếp tục có doanh thu trong 3 năm tới.

Với những lý do đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh cho rằng: “Đây là thời điểm vàng để thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương Việt Nam - Thụy Điển nói chung và hợp tác kinh tế, thương mại - đầu tư giữa hai nước nói riêng. Việt Nam mong muốn hợp tác, học hỏi từ những quốc gia giàu kinh nghiệm và các tập đoàn công nghệ hàng đầu của Thụy Điển... Hợp tác kinh tế giữa Việt Nam - Thụy Điển là phù hợp với xu thế tự do hóa thương mại, phù hợp với nền tảng liên kết kinh tế chặt chẽ của châu Âu và sự phát triển năng động của khu vực châu Á -Thái Bình Dương”.

Đại diện Chính phủ Việt Nam cùng đại diện Hoàng gia, Chính phủ Thụy Điển tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam - Thụy Điển. Ảnh Ngọc Linh

 

“Tôi mong rằng với sự hỗ trợ tích cực của Thụy Điển, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ được ký kết vào cuối năm nay, tiếp tục mở ra một thời kỳ mới về hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Thụy Điển nói riêng, Liên minh châu Âu (EU) nói chung”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Có chung nhiều mục tiêu phát triển

Đánh giá cao triển vọng hợp tác giữa cộng đồng DN hai nước, bà Victoria Ingrid Alice Desiree cho rằng, dù ở Hà Nội hay ở Stockholm, các DN sáng tạo luôn không ngừng phát triển và đưa ra những sáng kiến, công nghệ mới. Những giải pháp mới hết sức cần thiết không chỉ vì nhằm phát triển kinh tế mà vì sự phát triển bền vững. “Tôi ủng hộ những mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp quốc mà Việt Nam cam kết đạt được trong Chương trình nghị sự 2030. Sự phát triển bền vững và phát triển thương mại luôn gắn kết với nhau, đều là yếu tố quan trọng cho sự duy trì của hành tinh này”, bà Victoria Ingrid Alice Desiree khẳng định.

Công chúa kế vị Thụy Điển Victoria Ingrid Alice Desiree phát biểu tại Hội nghị. Ảnh Ngọc Linh

 

Mặc dù cách đây khoảng 100 năm, bà Ann Linde chia sẻ, Thụy Điển có xuất phát điểm là một nước nghèo đói, ô nhiễm môi trường, nhưng đến nay Thụy Điển đã có những ngành công nghiệp sáng tạo, thích ứng với môi trường, phát triển bền vững. Để có được xã hội công bằng, thịnh vượng thì cần có thời gian, và có sự bắt tay của 3 nhà: nhà nước, nhà nghiên cứu và DN. Mô hình của Thụy Điển là một xã hội mở, phát triển nền kinh tế tri thức, khuyến khích sự tự do trao đổi ý kiến, đưa ra các sáng kiến đổi mới sáng tạo.

Lý giải vì sao DN Thụy Điển nên lựa chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tư, theo ông Vũ Thành Tự Anh - học giả Fulbright, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng, Việt Nam đang có nhiều động năng phát triển.

Thứ nhất là Chính phủ đặt mục tiêu tới năm 2025 sẽ có 50% người dân Việt Nam tham gia tầng lớp trung lưu, có nghĩa là tiêu dùng 50 USD/ngày, trở thành một nhân tố kích thích DN nội địa và FDI sản xuất kinh doanh.

Động lực thứ hai là Việt Nam có khả năng thu hút đầu tư nước ngoài cao, duy trì 30% GDP trong suốt 3 thập kỷ qua, cao hơn rất nhiều so với Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, hay Singapore...

Tuy nhiên, Việt Nam lại đang đối diện với những thách thức về cải thiện năng suất lao động và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Đây là những việc Việt Nam chưa làm tốt, nên rất cần sự hỗ trợ của Thụy Điển.

Một trong những yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư là Chính phủ Việt Nam cam kết xây dựng nền kinh tế mở, duy trì tăng trưởng bền vững, trong đó đặc biệt chú trọng giảm các thủ tục hành chính, thu hút vốn FDI, nuôi dưỡng DN khởi nghiệp. Chính phủ đang có kế hoạch xây dựng chiến lược 10 năm tiếp theo với 3 cỗ máy tăng trưởng. Một là hỗ trợ cho khu vực tư nhân phát triển. Hai là Việt Nam cần có những siêu đô thị, bởi “nếu không có thành phố vĩ đại thì không thể có quốc gia vĩ đại”. Ba là đổi mới khoa học, công nghệ, từ đó giải quyết bài toán về nâng cao năng suất lao động.

Đây chính là dư địa cho các DN, nhà đầu tư Thụy Điển có thể tham gia tích cực dựa trên những thế mạnh sẵn có như: chế tạo, thành phố thông minh, cuộc sống thông minh, công nghệ thông tin và truyền thông, giao thông vận tải, năng lượng, y tế, giáo dục, xử lý chất thải...

Chuyên đề