Nhà thầu điêu đứng vì dừng thi công do Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc đình hoãn, dừng thi công do các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 là một tình huống chưa có tiền lệ với nhiều nhà thầu xây dựng Việt Nam. Nhiều nhà thầu lo ngại về khả năng vi phạm các cam kết trong hợp đồng, kỳ vọng được chủ đầu tư điều chỉnh hợp đồng, chia sẻ khó khăn cùng nhà thầu.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Để phòng, chống dịch Covid-19, nhiều tỉnh, thành phố đã ban hành văn bản về kiểm soát phòng dịch tại công trường xây dựng, yêu cầu nhà thầu chỉ được thi công khi thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch như “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”, xét nghiệm cho công nhân 1 lần/tuần… Nếu không đáp ứng thì phải dừng thi công.

Theo một số nhà thầu, do không bảo đảm được yêu cầu “3 tại chỗ” cho hàng trăm công nhân nên phải đề xuất xin tạm dừng thi công trong thời gian giãn cách xã hội. Có nhà thầu vẫn cố gắng thi công cầm chừng nhưng chi phí bị đội lên rất nhiều, dẫn đến càng thi công càng thiệt hại. Một nhà thầu lớn chia sẻ, công trường thi công một số gói thầu của đơn vị có công nhân bị Covid-19 nên phải dừng, cán bộ kỹ thuật thì khó khăn về đi lại nên bị đình trệ hết. Tuy nhiên, nhà thầu vẫn phải gánh nhiều khoản chi phí vì phải giữ chân công nhân, chuẩn bị cho thi công trở lại sau thời gian giãn cách. Ngoài ra, việc kéo dài thời gian thi công sẽ làm tăng chi phí. “Chúng tôi vừa trải qua cơn bão giá vật liệu xây dựng, đặc biệt là giá thép, đang gồng mình và chưa thấy có biện pháp tháo gỡ khó khăn thì lại phải đình hoãn thi công do dịch Covid-19. Chúng tôi đã phản ánh đến chủ đầu tư, nhưng cũng không biết có được gia hạn hợp đồng và chia sẻ chi phí tăng lên do kéo dài hợp đồng hay không”, nhà thầu này chia sẻ.

Trong những cuộc tọa đàm gần đây do Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức liên quan đến những vấn đề về tranh chấp hợp đồng xây dựng, nhiều nhà thầu đặt vấn đề liệu dịch Covid-19 có phải là yếu tố bất khả kháng, và những văn bản mà các địa phương ban hành ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng có phải là sự thay đổi về pháp luật hay không? Hai yếu tố này có đủ là căn cứ để nhà thầu không phải chịu trách nhiệm đối với các thiệt hại thực tế phát sinh từ việc chậm tiến độ hoặc phải tạm dừng thực hiện hợp đồng, cũng như không phải chịu các chế tài phạt vi phạm hợp đồng xây dựng?

Thực tế gần đây đã có trường hợp nhà thầu bị đề nghị chấm dứt hợp đồng do thi công chậm và chủ đầu tư bác bỏ giải trình về các nguyên nhân làm chậm tiến độ, bao gồm ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Chủ đầu tư cho rằng, thời gian qua, cơ quan nhà nước không buộc tạm dừng thi công các công trình xây dựng mà chỉ yêu cầu thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Theo Luật sư Đặng Xuân Hợp, trọng tài viên VIAC, để xem xét dịch Covid-19 có phải là bất khả kháng hay không thì phải chiếu theo quy định về sự kiện bất khả kháng. Đó là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Câu hỏi đặt ra là nhà thầu đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép chưa? Đồng thời, phải bám sát cả quy định về bất khả kháng được nêu tại từng hợp đồng. Về thay đổi pháp luật, cũng phải bám sát hợp đồng.

Luật sư Phạm Anh Tuấn, Hội Pháp luật xây dựng Việt Nam gợi ý, dù chưa biết đề xuất có được hay không thì đầu tiên nhà thầu vẫn phải phản ánh, thông báo ngay cho chủ đầu tư là đã cố gắng rồi nhưng không thể thực hiện được. Theo kinh nghiệm của mình, ông Tuấn cho rằng việc cho phép kéo dài thời gian có thể được, nhưng việc yêu cầu bù đắp chi phí trong trường hợp bị kéo dài hợp đồng là không dễ dàng.

Nhiều luật sư chia sẻ, trong quan hệ hợp đồng, việc xác định yếu tố dịch bệnh có phải là sự kiện bất khả kháng hay không để xem xét miễn trừ trách nhiệm pháp lý của các bên chưa bao giờ là dễ dàng và thường dẫn đến những tranh chấp. Một số ý kiến cho rằng, tình huống này cũng là bài học để các bên chú trọng nhiều hơn đến nhóm điều khoản về bất khả kháng trong hợp đồng, bởi trước đây điều khoản này trong hợp đồng rất sơ sài, khó viện dẫn.

Ngược lại về phía nhà thầu, nhiều ý kiến khuyến nghị nhà thầu đang bị dừng thi công nên có phương án sắp xếp nhân lực, vật lực để tăng tốc thi công sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội, giảm tối đa ảnh hưởng đến tiến độ chung của công trình.

Chuyên đề