Nhà thầu cơ khí kỳ vọng nhiều ở Chỉ thị 13

(BĐT) - Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg thay cho Chỉ thị số 494/CT-TTg năm 2010 với nhiều nội dung mới nhằm thúc đẩy việc sử dụng hàng Việt trong đấu thầu.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Báo Đấu thầu đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) cơ khí Việt Nam về kỳ vọng tích cực từ Chỉ thị mới đối với phát triển sản xuất trong nước nói chung và DN cơ khí nói riêng.

Thế giới đang tiến hành kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó ngành cơ khí có vai trò quan trọng. Thực trạng của ngành cơ khí Việt Nam hiện nay ra sao?

Nhìn lại chặng đường hơn 10 năm qua, ngành cơ khí Việt Nam cũng đã có những bước phát triển. Nhiều sản phẩm cơ khí như thiết bị đồng bộ, đóng tàu, lắp ráp ô tô, máy nông nghiệp, thiết bị điện, máy xây dựng… đã có thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế. Doanh thu về sản phẩm cơ khí tăng đều trên 20% trong khoảng thời gian này. Những sản phẩm cơ khí có hàm lượng công nghệ cao cũng đã xuất hiện như: thiết kế chế tạo thủy công, thiết kế chế tạo thiết bị nhà máy nhiệt điện chạy than.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp cơ khí của chúng ta vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn do có điểm xuất phát điểm thấp và non trẻ so với sự phát triển của ngành công nghiệp cơ khí thế giới hàng vài thế kỷ. Thị phần cơ khí được các tập đoàn tài chính và công nghiệp thế giới chia nhau nắm giữ, cánh cửa hẹp cho các sản phẩm cơ khí cũng như các ngành hàng khác phải chịu cảnh thầu phụ, gia công làm thuê. Sản phẩm cơ khí của chúng ta vẫn là sản phẩm có hàm lượng công nghệ chưa cao, giá trị gia tăng còn thấp, vẫn còn những DN cơ khí chủ yếu lo việc làm và nuôi sống công nhân mà chưa  tích lũy được bao nhiêu…

Trong bối cảnh cả thế giới đang tiến hành kỷ nguyên công nghiệp 4.0 thì trình độ sản xuất ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam mới đang ở giai đoạn đầu do thiếu hụt công nghệ mới, thông tin kỹ năng và cơ sở hạ tầng.

Nhà thầu cơ khí kỳ vọng nhiều ở Chỉ thị 13 ảnh 1
Ông Nguyễn Văn Thụ
Theo ông, đâu là giải pháp cho những vấn đề này?

Khó khăn là vậy nhưng không có nghĩa là ngành cơ khí Việt Nam không nắm bắt kịp được xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, nếu khắc phục được các hạn chế trong việc hợp tác sản xuất giữa các DN cơ khí trong nước, tránh đầu tư trùng lắp để tránh lãng phí, tăng cường đầu tư và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất. Trong quá trình này, các DN cơ khí rất cần sự hỗ trợ thích đáng từ phía Nhà nước.

Thời gian vừa qua, Hiệp hội DN cơ khí cũng đề xuất xây dựng lại Chiến lược Phát triển ngành cơ khí từ nay đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đến nay, Bộ Công Thương đã tập hợp các ý kiến và đang trình lên Chính phủ về phương hướng phát triển cơ khí trong thời gian tới. Theo đó, ngành cơ khí Việt Nam sẽ phát triển theo hướng tập trung vào sản xuất các thiết bị về phương tiện vận tải như ô tô, tàu hỏa, tàu thủy. Thứ hai là tập trung vào sản xuất các thiết bị nông nghiệp phục vụ cho các chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Thứ ba là tập trung chế tạo các thiết bị điện và phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

Trên cơ sở đó, chúng tôi kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt Chiến lược này để tạo ra hành lang pháp lý và định hướng cho ngành cơ khí phát triển đúng định hướng, giúp nhà thầu cơ khí Việt Nam lớn lên. 

Gần đây, có không ít các gói thầu/dự án cơ khí lớn trong nước vào tay nhà thầu ngoại. Với Chỉ thị số 13/CT-TTg vừa được ban hành, ông có kỳ vọng gì về cơ hội cho các DN nội?

Phải nói rằng Chỉ thị số 13/CT-TTg về tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước vừa được ban hành đã đáp ứng được mong mỏi của các nhà thầu cơ khí trong nước lâu nay. So với Chỉ thị số 494/CT-TTg thì Chỉ thị số 13/CT-TTg có nhiều nội dung như: về việc phân chia gói thầu, chỉ đấu thầu quốc tế khi hàng hóa trong nước không sản xuất được hoặc không đáp ứng yêu cầu… có nghĩa là trách nhiệm của các chủ đầu tư, bên mời thầu trong việc bóc tách, phân chia gói thầu rõ ràng và chặt chẽ hơn. 

Để Chỉ thị 13 thực sự đi vào cuộc sống chúng ta phải làm gì?

Các chủ đầu tư/bên mời thầu cần tích cực đưa Chỉ thị số 13/CT-TTg vào cuộc sống một cách tích cực nhất. Ở các dự án sử dụng vốn nhà nước hoặc vốn trái phiếu chính phủ, Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam sẵn sàng tham mưu cho việc bóc tách những phần việc phù hợp với điều kiện năng lực của nhà thầu trong nước, bảo đảm các điều kiện cạnh tranh tối đa cho các DN trong nước, góp phần tạo việc làm cho lao động trong nước.

Từ những nội dung của Chỉ thị số 13/CT-TTg cũng đặt ra yêu cầu lớn đối với DN cơ khí và Hiệp hội. Cụ thể, với DN cơ khí cần chủ động tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm khi chế tạo nên những sản phẩm mới. Thực tế cho thấy, chúng ta có nhiều DN cơ khí mạnh như: Thiết bị điện Đông Anh, Bơm Hải Dương… đã có nhiều sản phẩm tốt và xuất khẩu, nhưng thực tế DN lại ít tuyên truyền, giới thiệu khiến không ít khách hàng trong nước có nhu cầu song không biết.

Với Chỉ thị số 13/CT-TTg, Hiệp hội dự kiến sẽ có những đề xuất cơ chế cụ thể để Chỉ thị đi vào cuộc sống một cách hiệu quả nhất.

Chuyên đề