Nhà thầu "chê" gói thầu cung cấp thuốc ARV?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia thuộc Bộ Y tế vừa thông báo gia hạn nhận báo giá một số thuốc ARV nguồn bảo hiểm y tế năm 2023 (đợt 2), do đến thời hạn nhận báo giá không có nhà thầu nào gửi thông tin báo giá. Lý do gì khiến các nhà thầu không mặn mà?
Đơn vị tính: viên
Đơn vị tính: viên

Để triển khai công tác mua sắm tập trung thuốc ARV nguồn bảo hiểm y tế năm 2023 đợt 2 cung cấp cho bệnh nhân trên toàn quốc, ngày 11/5/2023, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia đã gửi công văn đề nghị các công ty sản xuất, kinh doanh dược phẩm trên toàn quốc báo giá thuốc có chứa hoạt chất ARV đã được cấp số đăng ký. Cụ thể là 196.791 viên thuốc Efavirenz 600mg Nhóm 2; 515.083 viên thuốc Efavirenz 600mg Nhóm 5; và 2.850.156 viên Lopinavir + Ritonavir 200mg + 50mg Nhóm 2.

Tuy nhiên, theo Trung tâm, đến hết thời hạn gửi báo giá là ngày 18/5/2023, đơn vị phụ trách mua sắm tập trung thuốc quốc gia không nhận được báo giá của các công ty. Do đó, Trung tâm tiếp tục gia hạn đến trước 17 giờ ngày 26/5/2023.

Trong khi đó, khảo sát của Trung tâm cho thấy, thuốc Efavirenz 600mg hiện có 4 nhà sản xuất trong và ngoài nước, gồm: Công ty TNHH Liên doanh Stada Việt Nam (TP.HCM); Công ty Cipla Ltd (Ấn Độ); Công ty Sun Pharmaceutical Industries Ltd (Ấn Độ); Công ty Emcure Pharmaceuticals Ltd (Ấn Độ).

Thuốc Lopinavir + Ritonavir 200mg + 50mg có 6 nhà sản xuất trong và ngoài nước, gồm: Công ty CP Dược phẩm Ampharco U.S.A (Đồng Nai); Công ty TNHH BRV Healthcare (TP.HCM); Công ty CP Dược phẩm SaVi (TP.HCM); Công ty Macleods Pharmaceuticals Ltd (Ấn Độ); Công ty Cipla Ltd (Ấn Độ); hãng AbbVie Deutschland GmbH & Co. KG (Đức).

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu về lý do không tham gia báo giá, mỗi doanh nghiệp (DN) đưa ra một lý do khác nhau.

Công ty TNHH BRV Healthcare cho biết, nguồn nguyên liệu để sản xuất thuốc chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng trong thời gian gần đây, Công ty không thể nhập hàng. Nhà cung cấp không phản hồi đơn đặt hàng của BRV. Trước đó, BRV đã tham dự một gói thầu thuốc ARV khác, được đánh giá đạt yêu cầu về kỹ thuật, được vào đến vòng thương thảo hợp đồng, nhưng đành bỏ cuộc vì không có nguyên liệu sản xuất thuốc. Công ty đang tìm cách đổi nguồn nhập khẩu nguyên liệu khác, tuy nhiên sẽ phải chờ Cục Quản lý dược cấp phép.

Ngoài gói thầu nêu trên, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia đang xây dựng giá kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc ARV nguồn bảo hiểm y tế năm 2024 - 2025.

Đối với Công ty CP Dược phẩm Ampharco U.S.A, lý do chưa báo giá là vì đến ngày 19/5/2023 mới nhận được thông báo mời báo giá. Công ty đang kiểm tra giá nguyên, phụ liệu, bao bì, điện nước…, từ đó tính toán giá thành thực tế, ít nhất phải mất 1 tuần để tổng hợp thông tin.

Trong khi đó, Công ty CP Dược phẩm SaVi thì cho biết, ngày 19/5/2023 đã gửi báo giá tới Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia…

Tuy nhiên, một số DN chỉ rõ, dù nhà cung ứng/sản xuất có gửi báo giá thì nhiều khả năng các báo giá chỉ mang tính hình thức, đối phó, để tránh bị Bộ Y tế “tuýt còi”. Thực tế, một trong những nguyên nhân khiến các DN không mặn mà chào giá hay tham dự thầu đối với gói thầu cung cấp thuốc ARV là do vấn đề tài chính.

Theo các DN này, giá kế hoạch của thuốc ARV quá thấp, giá quá lạc hậu so với biến động của thị trường, không đảm bảo lợi nhuận nên đa phần nhà cung cấp không tham dự thầu. Ví dụ, giá bán là 7.000 đồng - 12.000 đồng/viên, nhưng giá kế hoạch chỉ ở mức 100 đồng/viên…

Thực tế, trong vòng 6 - 12 tháng qua, giá cả trên thị trường đã tăng rất nhiều, có thuốc tăng 30 - 50 lần so với lúc báo giá, các DN cũng không dự báo được chính xác. “So với 6 tháng trước, giá bao bì đã tăng từ 7% đến 10%; thậm chí, tá dược nhập khẩu từ châu Âu tăng tới 60%… Đó là chưa kể đến ngày 1/7/2023, lương chi trả cho công nhân viên sẽ tăng 7 - 10% theo quy định…”, bộ phận kinh doanh của Công ty TNHH BRV Healthcare cho biết.

Bên cạnh đó, theo phản ánh của các nhà thầu, một số cơ sở y tế có số lượng thuốc sử dụng rất ít nên không có nhiều nhà phân phối, từ đó chi phí phân phối bị đẩy lên cao. Chưa kể, các nhà thầu luôn có nguy cơ nợ đọng kéo dài hơn 90 ngày theo quy định; cơ quan bảo hiểm xã hội có thể xuất toán nếu đơn giá trúng thầu chênh lệch với các DN khác…

Chuyên đề