Ngưỡng chịu thuế thu nhập cá nhân đã lỗi thời

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tăng trưởng kinh tế từng bước được cải thiện trong nửa đầu năm nay, song sức cầu tiêu dùng tăng yếu. Để tăng trưởng kinh tế “thấm” vào đời sống người dân, thúc đẩy cầu tiêu dùng, nhiều ý kiến cho rằng cần nghiên cứu tăng mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với thực tế khi tính thuế thu nhập cá nhân.
Việc tăng mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế thu nhập cá nhân sẽ giúp tăng thu nhập khả dụng cho người dân, thúc đẩy cầu tiêu dùng, tạo động lực cho tăng trưởng . Ảnh: Lê Tiên
Việc tăng mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế thu nhập cá nhân sẽ giúp tăng thu nhập khả dụng cho người dân, thúc đẩy cầu tiêu dùng, tạo động lực cho tăng trưởng . Ảnh: Lê Tiên

Liên quan nội dung này, tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 15 vừa qua, giải trình và làm rõ ý kiến của các đại biểu Quốc hội về tăng mức giảm trừ gia cảnh để hỗ trợ người dân, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Luật Thuế TNCN có hiệu lực từ năm 2009, khi đó mức giảm trừ gia cảnh với đối tượng nộp thuế khoảng 4 triệu đồng/tháng, đối với người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng. Khi sửa đổi luật này năm 2013, mức giảm trừ gia cảnh với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng, với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng. Luật cũng quy định, khi CPI biến động trên 20% thì trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Năm 2020, Quốc hội có Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 tăng mức giảm trừ gia cảnh lên 11 triệu đồng/tháng với người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng với người phụ thuộc.

“Theo thống kê năm 2023, thu nhập bình quân là 4,96 triệu đồng/người/tháng. Mức giảm trừ để nộp thuế là 11 triệu đồng, cao hơn mức thu nhập bình quân 2,2 lần, trong khi ở các nước trên thế giới là dưới 1 lần. Hơn nữa, CPI năm 2023 là 3,25%, năm 2022 là 3,15%; năm 2021 là 1,84% và 2020 là 3,23%, tính chung là 11,47% - chưa đến ngưỡng điều chỉnh theo Luật” , ông Phớc nhận định.

Tuy nhiên, tại Báo cáo tài chính - kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2024 gửi Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) cho rằng, để bảo đảm chất lượng tăng trưởng và duy trì sự ổn định của kinh tế vĩ mô, một trong những giải pháp cần thực hiện là nghiên cứu khả năng tăng thu nhập khả dụng cho người dân nhằm thúc đẩy cầu tiêu dùng tư nhân thông qua điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế TNCN. Theo đó, quy định chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% mới thực hiện điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh không còn phù hợp với điều kiện hiện nay, do lạm phát trong 10 năm gần đây được kiểm soát tốt và khó tăng ở mức 2 con số, trong khi sinh kế người dân gặp khó khăn.

Thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2024 tăng cao, tạo dư địa để giảm thuế cho người dân, thúc đẩy tăng chi tiêu, hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng. Ảnh: Tiên Giang

Thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2024 tăng cao, tạo dư địa để giảm thuế cho người dân, thúc đẩy tăng chi tiêu, hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng. Ảnh: Tiên Giang

Theo UBGSTCQG, thời điểm ban hành Luật Thuế TNCN sửa đổi, bổ sung năm 2012, CPI có biến động mạnh từ năm 2008 - 2013, có năm tăng trên 20%. Từ năm 2014 đến nay, mục tiêu ổn định vĩ mô luôn được ưu tiên trong điều hành của Chính phủ, nên CPI hàng năm tăng dưới 4,5%. Từ tháng 7/2020 (thời điểm tăng mức giảm trừ gia cảnh theo Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14) đến nay, CPI chỉ tăng 12%, nhưng các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu có giá thay đổi thường xuyên (thực phẩm, giao thông...), khó có thể phản ánh đầy đủ trong mức tăng chung của CPI. Bên cạnh đó, thu nhập khả dụng giảm, biến động tỷ giá, lãi suất đã tác động trực tiếp đến sinh kế người dân.

PGS. TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, sau 15 năm thực hiện, Luật Thuế TNCN ngày càng bộc lộ nhiều điểm bất cập, trong đó, mức giảm trừ gia cảnh và quy định về điều chỉnh giảm trừ gia cảnh khi CPI tăng trên 20% không còn phù hợp với mức sống tăng cao, giá thuê nhà, giá nhà ở, viện phí, học phí và nhiều khoản chi đều tăng mạnh trong thời gian qua. Nếu giữ mức giảm trừ gia cảnh như vậy, người lao động đến mức chịu thuế sẽ không còn tích lũy để dự phòng rủi ro và mua nhà ở. Mặt khác, trong lúc nền kinh tế còn nhiều khó khăn, việc kích cầu tiêu dùng đang là một trọng điểm trong chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nên cần xem xét ngay việc tăng mức giảm trừ gia cảnh để thêm nguồn thu nhập, giúp tăng khả năng chi tiêu của người dân.

Báo cáo kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sức mua trong nước 6 tháng đầu năm 2024 tăng thấp hơn cùng kỳ năm 2023 và giai đoạn 2015-2019, đây cũng là một thách thức cần tháo gỡ để góp phần tạo đột phá trong tăng trưởng 6 tháng cuối năm và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Để cải thiện sức mua trong nước, một trong những giải pháp được nhiều đại biểu Quốc hội và các chuyên gia khuyến nghị là tăng mức giảm trừ gia cảnh để giảm mức chịu thuế thu nhập cá nhân của người dân.

“Trong lúc chưa sửa được Luật Thuế TNCN một cách toàn diện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên ban hành một nghị quyết tăng mức giảm trừ gia cảnh. Mức tăng cần được tính toán thận trọng dựa vào những căn cứ có ý nghĩa thực tế và trên cơ sở thông lệ quốc tế”, ông Long đề xuất.

Cùng quan điểm, PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, nền kinh tế đã có chuyển biến tích cực nhưng không đồng đều, để tăng trưởng đạt mục tiêu thì kích cầu tiêu dùng là chủ trương hợp lý và cần thực thi hiệu quả. Để kích cầu tiêu dùng thì người dân phải có tiền. Nếu không thể phát tiền cho dân tiêu như một số nước đã áp dụng thì cũng nên tìm cách giảm thuế TNCN để người dân có khoản dư mới dám chi tiêu. Mặt khác, thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm đạt 61% dự toán và tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy, có dư địa để giảm thuế cho người dân, tạo đà cho việc tăng chi tiêu, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng.

“Bộ Tài chính tính mức giảm trừ gia cảnh hiện bằng 2,2 lần thu nhập bình quân đầu người, trong khi ở các nước trên thế giới là dưới 1 lần để lập luận cho việc chưa nâng giảm trừ gia cảnh. Song cần có khảo sát, đánh giá thực tế về mức giảm trừ gia cảnh ở các nước đó và chi phí y tế, giáo dục, phúc lợi xã hội họ được nhận”, ông Huân nhấn mạnh.

Chuyên đề