Theo ghi nhận của EVN, lượng điện sinh hoạt tiêu thụ trong tháng 6/2020 tăng 12,84% so cùng kỳ năm 2019. Ảnh: Nhã Chi |
Vậy câu chuyện chất lượng công tơ đo đếm điện năng hiện nay như thế nào? Hoạt động kiểm định có đáng tin cậy?...
Thông tin về tình hình sử dụng điện của khách hàng trong mùa nắng nóng (tháng 5 đến tháng 7/2020) trên địa bàn TP. Hà Nội, tại Tọa đàm Câu chuyện chỉ số công tơ và hóa đơn tiền điện tăng cao được tổ chức chiều ngày 14/7 tại Hà Nội, bà Tô Lan Phương, Trưởng ban Ban Kinh doanh thuộc Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) cho biết, do các đợt nắng nóng kéo dài nên lượng tiêu thụ điện tăng cao.
Theo bà Phương, tháng 5 vừa qua, Hà Nội có 1 đợt nắng nóng kỷ lục trong 2 ngày (20 - 21/5/2020) đã nâng lượng điện tiêu thụ trung bình lên mức 62,6 triệu kWh/ngày, tăng 45% so với tháng 4 (42,99 triệu kWh/ngày). Bước sang tháng 6 cũng như tháng 7, thời tiết nắng nóng tiếp tục kéo dài, lượng điện tiêu thụ vẫn tiếp tục tăng cao. Lượng tiêu thụ trung bình mỗi ngày trong tháng 7 (tính đến ngày 12/7/2020) là trên 76 triệu kWh. Trong tháng 7, số lượng khách hàng sử dụng điện sinh hoạt có sản lượng điện tiêu thụ tăng từ 30% trở lên so với tháng 6/2020 chiếm tỷ lệ trên 25% tổng số khách hàng đã phát sinh hóa đơn tháng 7.
Liên quan đến hơn 1.000 khách hàng vừa qua có yêu cầu kiểm định lại chất lượng công tơ điện khi hóa đơn tiền điện tăng cao, ông Bùi Trung Dũng, Vụ Đo lường thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, qua kiểm định độc lập thì hầu hết các công tơ đều đáp ứng yêu cầu.
Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Ban Kinh doanh thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, theo ghi nhận của EVN, lượng điện sinh hoạt tiêu thụ trong tháng 6/2020 tăng 12,84% so cùng kỳ năm 2019; tăng 18,12% so với tháng 5/2020. Theo ông Dũng, riêng tháng 6 có 6.271 khách hàng phải điều chỉnh hóa đơn do ghi sai chỉ số.
Câu hỏi đặt ra là liệu hóa đơn tiền điện tăng cao có liên quan gì đến chất lượng của các thiết bị đo đếm điện năng hay không? Ông Nguyễn Quốc Dũng cho biết, hiện toàn EVN có 28,5 triệu công tơ bán điện, trong đó 15,4 triệu công tơ điện tử thu thập số liệu từ xa, còn lại trên 13 triệu công tơ đo xa và một số công tơ được ghi chỉ số bằng hình thức ảnh chụp.
“Việc quản lý công tơ theo Luật Đo lường. Tất cả công tơ được quản lý bằng chương trình phần mềm, những công tơ đến hạn kiểm định phải được kiểm định tuân thủ theo quy định”, ông Dũng nói. Tuy nhiên, theo ông Dũng, thời gian vừa qua cũng có những sai sót dẫn đến ghi sai chỉ số công tơ do một số nguyên nhân như: đọc sai chỉ số hoặc khách hàng báo sai số…
Liên quan đến hơn 1.000 khách hàng vừa qua có yêu cầu kiểm định lại chất lượng công tơ điện khi hóa đơn tiền điện tăng cao, ông Bùi Trung Dũng, Vụ Đo lường thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, qua kiểm định độc lập thì hầu hết các công tơ đều đáp ứng yêu cầu.
Theo ông Bùi Trung Dũng, công tơ điện là thiết bị đo đếm điện sử dụng để mua bán điện thuộc danh mục phương tiện nhóm 2 phải được kiểm soát và đo lường. Về biện pháp kiểm định chất lượng công tơ, hiện có một số biện pháp: Phê duyệt mẫu khi sản xuất, nhập khẩu; kiểm định ban đầu trước khi đưa vào sử dụng; kiểm định định kỳ trong quá trình sử dụng… nhằm đảm bảo kết quả đo chính xác khách quan, minh bạch, công bằng trong quá trình mua bán điện.
Đề kiểm soát chất lượng công tơ sau khi sản xuất, ông Bùi Trung Dũng cho hay, hiện hoạt động cung cấp dịch vụ kiểm định công tơ là hoạt động kinh doanh có điều kiện. Hoạt động kiểm định khách quan, công bằng theo hướng dẫn tại Thông tư số 24/2013/TT-BKHCN.
Thông tin với Báo Đấu thầu, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn EVN cho biết, từ năm 2013 đến nay, Tập đoàn dừng mua sắm công tơ cơ khí, chỉ mua sắm công tơ điện tử. Theo ông Lâm, hiện việc mua sắm công tơ điện tử thực hiện 100% qua mạng và công khai minh bạch. “Các gói thầu này thiết kế cho tất cả nhà sản xuất tại Việt Nam và trên thế giới tham gia, tuyệt đối không đưa ra tiêu chí gây hạn chế nhà thầu”, ông Lâm khẳng định.