Ngân hàng số ở Việt Nam mới chỉ được 4 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhận định, so với trình độ điểm 10 tuyệt đối, quá trình ngân hàng số ở Việt Nam còn chậm, gọi vui là "nửa chừng xuân".
Các ngân hàng nhỏ không có tiền đầu tư về công nghệ sẽ gặp khó khăn khi chuyển đổi số. Ảnh: Internet
Các ngân hàng nhỏ không có tiền đầu tư về công nghệ sẽ gặp khó khăn khi chuyển đổi số. Ảnh: Internet

Tại Hội thảo "Ngân hàng số: Xoay chuyển thách thức thành cơ hội bứt tốc" , trả lời câu hỏi: "Ngân hàng số với ngân hàng điện tử khác nhau thế nào?", chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho biết, ngân hàng điện tử ở Việt Nam có khoảng 20 năm nay, bao gồm 3 cấu phần: Thứ nhất là các dữ liệu được lên trên máy tính, thứ hai là các dữ liệu được truyền tải qua internet, thứ ba là điện thoại di động.

Trong khi đó, ngân hàng kỹ thuật số bao gồm tất cả giao dịch, quản lý của ngân hàng như quản trị nhân lực, quản trị tài chính… trên nền tảng kỹ thuật số.

Ở Việt Nam, 5 năm gần đây, nhiều ngân hàng chuyển sang kỹ thuật số, các dữ liệu được lưu trữ, xử lý, từ đó đưa ra chính sách quản lý rủi ro cho từng ngân hàng.

Đồng tình quan điểm này, bà Đỗ Tuyết Trinh - Ngân hàng HDBank - cũng khẳng định công cuộc chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích cho ngân hàng và khách hàng, đặc biệt là cho người dân vùng sâu vùng xa, đó là những khách hàng không có được sự tiếp cận tới các cơ sở của ngân hàng. Vì vậy, khi phát triển ngân hàng số, họ có thể giao dịch trên điện thoại với nhiều hình thức phong phú: gửi tiền tiết kiệm, thanh toán điện - nước, đặt thẻ điện thoại, thanh toán qua quy đổi code.

Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, hiện thực tế là các ngân hàng nhỏ không có tiền đầu tư về công nghệ sẽ gặp khó khăn khi chuyển đổi số. Do đó, chúng ta cần phải tạo ra những công ty công nghệ rất lớn để tạo ra các phần mềm cho các ngân hàng.

Đồng tình với ý kiến này, bà Đỗ Tuyết Trinh chia sẻ: "Tôi đã có hơn 23 năm công tác trong ngành tài chính ngân hàng và từng làm việc ở 4 ngân hàng. Hiện tôi thấy các ngân hàng đang tiến thoái lưỡng nan trong vấn đề này”.

Ông Hiếu thông tin thêm, ở Việt Nam, phần mềm chủ yếu được mua từ Ấn Độ và Singapore với giá hàng triệu USD. Ở bên Mỹ, họ không mua một phần mềm nào cả mà đi thuê. Các công ty lớn ở bên Mỹ mà làm về ngân hàng thì họ cho các ngân hàng thuê các phần mềm này, các ngân hàng thường sẽ trả tiền thuê cho các công ty công nghệ. Các công ty công nghệ lớn tại Mỹ sẽ cập nhật các phần mềm từng giờ, từng ngày. Trong khi các ngân hàng ở Việt Nam không thể cập nhật như vậy được.

“Giả sử chúng ta có thang điểm từ 1 đến 10 (thang điểm 1 là mọi việc bằng tay hết, thang điểm 10 là khách hàng không cần đến ngân hàng, vào điểm giao dịch cũng không có người, chỉ có máy tính. Quy trình nội bộ cũng không có giấy tờ, dữ liệu được 'ấn' vào phần mềm). Nếu theo thang điểm này, thì mặt bằng chung của các ngân hàng Việt Nam đang ở thang điểm 4. Tôi thấy một số ngân hàng dùng chữ ký điện tử song quy trình nội bộ ngân hàng vẫn bằng tay, nhất là việc thẩm định tài sản. Đây là quá trình 'nửa chừng xuân'", ông Hiếu khẳng định.

Chuyên đề