Ngân hàng kỳ vọng cải thiện hiệu quả từ quý IV/2023

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - “Mùa” công bố kết quả kinh doanh quý III năm 2023 đang đến với dự báo bức tranh lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ có sự phân hóa rõ rệt. Dù vậy, triển vọng toàn ngành được kỳ vọng phục hồi từ quý IV/2023 và cải thiện tích cực hơn trong năm 2024.
Khảo sát của Ngân hàng Nhà nước cho biết, 82,6% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế năm 2023 tăng trưởng dương so với năm 2022 Ảnh: Tiên Giang
Khảo sát của Ngân hàng Nhà nước cho biết, 82,6% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế năm 2023 tăng trưởng dương so với năm 2022 Ảnh: Tiên Giang

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Trần Tánh, Phó phòng Phân tích Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, vấn đề chính của ngành ngân hàng năm nay là chất lượng tài sản, đây cũng là yếu tố có tính quyết định đối với lợi nhuận quý III và cả năm 2023. Quý III năm nay, nợ xấu ngân hàng ở mức khá cao song sẽ giảm dần từ quý IV/2023, từ đó sẽ kéo giảm trích lập dự phòng của nhiều ngân hàng. Lãi suất huy động bắt đầu giảm từ tháng 4/2023, song chi phí vốn của các ngân hàng thực giảm từ quý II/2023 do vẫn chịu áp lực từ số vốn huy động lãi suất cao cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng đã có dấu hiệu khởi sắc, lên mức gần 7% vào cuối tháng 9/2023 từ mức 5,73% ngày 20/9/2023.

Cũng theo ông Tánh, một trong những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng tín dụng là giải ngân đầu tư công tăng mạnh, do đó, nếu tốc độ giải ngân đầu tư công vẫn tích cực trong 3 tháng cuối năm nay thì lượng vốn tín dụng đối ứng đổ ra nền kinh tế sẽ tăng. Điều này có thể mang lại kết quả tích cực cho lợi nhuận ngành ngân hàng.

Trong khi đó, theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) quý IV/2023 do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện, có tới 66,7 - 72,1% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ cải thiện hơn. Trong năm 2023, 82,6% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng trưởng dương so với năm 2022. Tuy nhiên, vẫn có 13,8% TCTD lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2023 và 3,7% ước tính lợi nhuận không thay đổi.

Tại Báo cáo ước tính kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp quý III/2023, SSI Research dự báo lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ có sự phân hóa mạnh. Ở nhóm tăng trưởng, SSI Research kỳ vọng, Ngân hàng TMCP Á châu (ACB) sẽ ghi nhận lợi nhuận trước thuế khoảng 4,8 - 5 nghìn tỷ đồng, tăng 7% - 12% so với cùng kỳ 2022, với mức tăng trưởng tín dụng là 8,5% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu dự kiến sẽ dao động quanh mức 1,1%. ACB dự kiến đạt 20 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2023, tăng 17% so với năm 2022.

Ngân hàng HDB được dự báo sẽ đạt 2,9 - 3,1 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý III/2023, tăng 7 - 14% so với cùng kỳ nhờ khoản lãi từ việc bán cổ phiếu VJC trong quý này. Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) có mức tăng trưởng tín dụng đến cuối quý III/2023 khoảng 14% so với đầu năm, biên lợi nhuận ròng (NIM) duy trì ổn định và chất lượng tài sản cải thiện nhẹ là những động lực chính khiến SSI Research dự báo lợi nhuận quý III/2023 có thể đạt 7,3 - 7,5 nghìn tỷ đồng, tăng 16 - 19% so với cùng kỳ năm 2022.

Ở nhóm có lợi nhuận giảm, SSI Research ước tính, Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) có lợi nhuận trước thuế quý III/2023 giảm khoảng 10% -12% so với cùng kỳ, do gánh nặng trích lập dự phòng dù tăng trưởng tín dụng và huy động đến cuối tháng 9 vẫn duy trì tốt, lần lượt ở mức 8,4% và 7,2% so với đầu năm.

TienphongBank được ước tính lợi nhuận trước thuế quý III/2023 đạt khoảng 1,45 nghìn - 1,6 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 25%-32% so với cùng kỳ do mức nền lợi nhuận cao trong năm trước. NIM suy giảm và gánh nặng trích lập dự phòng và một số nguyên nhân khác khiến lợi nhuận trước thuế sụt giảm trong quý III/2023.

Ngân hàng VPBank tiếp tục chịu áp lực về NIM cũng như chất lượng tài sản trong quý III/2023. Dù đến cuối tháng 9/2023, Ngân hàng đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng khá mạnh khoảng 18-20% so với đầu năm, song lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 3,3 nghìn tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về triển vọng kinh doanh của ngành ngân hàng năm 2024, ông Tánh cho rằng, bên cạnh chất lượng tài sản, yếu tố đáng quan tâm là lãi suất. Nếu các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay thì biên lợi nhuận sẽ giảm. Điều này còn phụ thuộc vào động thái của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và triển vọng kinh tế vĩ mô trong nước và thế giới. “Khả năng cao là Fed sẽ không tăng lãi suất nữa và diễn biến kinh tế thế giới sẽ tích cực hơn, từ đó tác động thuận lợi đến kinh tế trong nước. Vì vậy, nhiều khả năng hoạt động của ngành ngân hàng sẽ tích cực hơn trong năm 2024”, ông Tánh nói.

Chuyên đề