Phát hành trái phiếu giúp cho việc tăng vốn của ngân hàng thuận lợi hơn |
Bổ sung nguồn vốn cấp 2
Vài năm qua, trái phiếu do ngân hàng phát hành không còn sôi động như giai đoạn trước đó. Tuy nhiên, thời gian gần đây, trào lưu này bắt đầu tăng trở lại khi có nhiều nhà băng tăng cường phát hành trái phiếu, cũng như các loại giấy tờ có giá khác để huy động vốn, nhằm cải thiện hệ số CAR (tỷ lệ an toàn vốn).
Chằng hạn, ACB vừa hoàn tất đợt phát 2.000 tỷ đồng trái phiếu nhằm bổ sung vốn cấp 2 và vốn tự có. Theo thông tin từ ACB, số trái phiếu này được phân phối hết cho 34 nhà đầu tư, trong đó có 27 cá nhân (chiếm 14,25% giá trị) và 7 tổ chức (chiếm 85,75% giá trị). Trái phiếu có thời hạn 5 năm, lãi suất là lãi suất bình quân cộng biên độ 2%, với lãi suất kỳ đầu tiên từ 30/6/2016-30/6/2017 là 8,5%/năm. Trước đó, ACB dự kiến phát hành trái phiếu trong 3 đợt, nhưng sau đó điều chỉnh thành 1 đợt phát hành.
Sau khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận, LienVietPostBank dự kiến phát hành trái phiếu với tổng mệnh giá 4.000 tỷ đồng trong năm nay. Tương tự, ban lãnh đạo NCB gần đây đã thông qua phương án phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu kèm chứng quyền, trong khi năm trước đã huy động 200 tỷ đồng.
Thực tế cho thấy, trái phiếu là một trong những loại giấy tờ có giá giúp các ngân hàng có thể gọi vốn trong thời gian ngắn, với mức lãi suất được xác định trước. Mục tiêu chính của việc phát hành trái phiếu là nhằm bổ sung nguồn vốn cấp 2, qua đó gián tiếp góp phần cải thiện hệ số CAR của ngân hàng. Lý do là hệ thống ngân hàng đang chịu nhiều áp lực về chỉ số an toàn hoạt động theo Thông tư 06/2016/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN, đặc biệt là ở những ngân hàng được thí điểm áp dụng chuẩn Basel II.
Đáp ứng chuẩn Basel II
Basel gồm các bộ tiêu chuẩn khắt khe về vốn, giúp ngân hàng đảm bảo an toàn trong hoạt động. Nếu như Basel I tập trung vào bảo toàn vốn sở hữu, phân định vốn tự có theo nhiều cấp độ, thì Basel II đề cập thêm những rủi ro về vận hành và thị trường, đồng thời tỷ lệ an toàn vốn cũng phải khắt khe hơn.
Trong khi nhiều ngân hàng trên thế giới đã thực hiện Basel III, thì hiện phần lớn các ngân hàng trong nước mới đang chuẩn bị cho Basel II. Theo đó, từ tháng 2/2016, 10 ngân hàng do NHNN chỉ định gồm BIDV, VietinBank, Vietcombank, Techcombank, ACB, MB, Maritime Bank, VPBank, Sacombank và VIB sẽ thực hiện thí điểm phương án quản trị vốn và rủi ro theo tiêu chuẩn của Basel II. Đây là tiêu chuẩn không mới đối với ngân hàng trong khu vực, nhưng lại là thách thức đối với ngân hàng Việt Nam.
Một lãnh đạo cấp cao của ACB cho biết, để đáp ứng các chuẩn của Basel II, đòi hỏi các ngân hàng phải từng bước nâng cao năng lực tài chính, khả năng cạnh tranh. Vì thế, mục tiêu của ACB từ nay đến năm 2018 là phải tăng ít nhất 30% vốn điều lệ. Nhưng vì có hệ số CAR cao, nên ngoại trừ việc nâng vốn cấp 2, thì ACB hiện chưa có kế hoạch tăng vốn cấp 1. ACB đã phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu dài hạn để tăng vốn cấp 2, nhằm củng cố hệ số CAR ở mức khoảng 12,3% trong năm nay. Ngoài ra, ACB còn có kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu cho năm 2016 là 10% mệnh giá. Về kế hoạch cổ tức của năm 2015, cổ đông đã thông qua chính sách cổ tức bằng cổ phiếu cũng là 10% mệnh giá (tương đương sẽ phát hành hơn 89,6 triệu cổ phiếu, tăng vốn thêm hơn 896 tỷ đồng).
Theo nhận định của CTCK TP. HCM (HSC), ACB đang dần phục hồi mức tăng trưởng thông thường sau 3 năm tiến hành tái cấu trúc và kết quả quý I/2016 đã phản ánh điều này, tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề về tài sản cần được giải quyết, mặc dù dự báo mức dự phòng không lớn nhờ phần lớn tài sản “có vấn đề” đã được đã được xử lý phù hợp.
Trong kỳ ĐHCĐ thường niên vừa qua của Vietcombank, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng cho biết, hệ số CAR của Vietcombank vào thời điểm cuối năm 2011 xấp xỉ ở mức 11% và dự kiến ở mức 9% vào cuối năm 2016, tức là bằng mức quy định tối thiểu theo quy định. Nhưng nếu áp dụng những nguyên tắc mới của Basel II, hệ số này xuống thấp hơn. Chính vì thế, HĐQT Vietcombank dự kiến tăng vốn điều lệ từ mức 26.650 tỷ đồng hiện tại, lên gần 40.000 tỷ đồng trong năm nay. Theo đó, để tăng vốn điều lệ, Vietcombank thực hiện 2 bước: phát hành cổ phiếu thưởng 35% cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ đối đa là 10%. Vietcombank gần đây cũng đã quyết định sẽ phát hành trái phiếu để tăng vốn, dù chưa có kế hoạch cụ thể.
Còn tại Vietinbank, trong nội dung ĐCHĐ năm nay không có kế hoạch tăng vốn. Tuy nhiên, dự kiến khi thương vụ sáp nhập PGBank hoàn tất vào quý II/2016 sẽ giúp nhà băng này hoàn tất kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 49.000 tỷ đồng. Vấn đề này được đặt ra từ năm 2015, nhưng chưa thực hiện được do việc sáp nhập chậm triển khai so với kế hoạch.
Để có thể đáp ứng và tuân thủ về an toàn vốn theo Basel II, BIDV dự kiến tăng vốn điều lệ theo 3 nguồn: phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài khi có điều kiện thuận lợi, phát hành trái phiếu chuyển đổi và phát hành cho cổ đông hiện hữu. Sau đợt phát hành này, dự kiến vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng từ 34.187 tỷ đồng lên 43.633 tỷ đồng, tương đương 27,63%. BIDV được xem là ngân hàng dẫn đầu về quy mô phát hành giấy tờ có giá trong những năm gần đây và hiện vẫn đang nỗ lực để cải thiện chỉ số CAR. Thậm chí, BIDV và Vietinbank còn muốn giữ lại phần lợi nhuận từ cổ tức để dành cho việc tăng vốn, trong khi Bộ Tài chính ráo riết đòi cổ tức của 2 “ông lớn” này.
Yêu cầu về vốn tối thiểu là 1 trong 3 nội dung chính của Hiệp ước Basel II, cho nên các ngân hàng sẽ phải tuân thủ những yêu cầu về giám sát chặt chẽ vốn điều lệ và nguyên tắc thị trường. Điều này đồng nghĩa với việc vốn điều lệ sẽ được kiểm tra thường xuyên, tránh tình trạng thua lỗ, song lại không được ghi nhận, dẫn đến báo cáo bị sai lệch. Những nguyên tắc này cũng đã được đưa vào Thông tư 36 quy định về an toàn hoạt động của ngân hàng.
Trước bối cảnh cổ phiếu ngân hàng khó thu hút nhà đầu tư, khiến ngân hàng khó huy động vốn qua sàn giao dịch chứng khoán, thì việc phát hành trái phiếu có thể thu về dòng tiền phục vụ cho mục đích tăng vốn một cách thuận lợi, mà không phải chịu áp lực pha loãng cổ phiếu.