Kể từ 1/7/2016, doanh nghiệp chỉ phải nộp tiền phạt chậm nộp thuế theo mức 0,03%/ngày. Ảnh: Lê Tiên |
Chấm dứt chiếm đoạt ngân sách qua hoàn thuế GTGT
Theo đó, kể từ ngày 1/7/2016, sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu được đưa vào đối tượng không phải nộp thuế GTGT. Doanh nghiệp, hợp tác xã mua sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã khác sẽ không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT.
Trên thực tế, quy định này là luật hóa Nghị định 209/2013/NĐ-CP. Trước đây, các sản phẩm kể trên phải chịu thuế GTGT 5%, nhưng khi xuất khẩu được hoàn thuế. Lợi dụng chính sách này, nhiều đối tượng đã thu gom hàng nông sản, thủy sản, chăn nuôi trôi nổi, hợp pháp hóa bằng hóa đơn, chứng từ, sau đó xuất khẩu và tiến hành thủ tục hoàn thuế khống thuế GTGT để chiếm đoạt ngân sách.
Trước thực tế nêu trên, ngày 18/12/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 209/2013/NĐ-CP quy định, cơ sở kinh doanh không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT đầu ra đối với sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản chưa chế biến hoặc chỉ sơ chế bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã. Quy định này nhằm góp phần ngăn chặn tình trạng gian lận và chiếm đoạt tiền ngân sách nhà nước trong việc khấu trừ, hoàn thuế GTGT đối với hàng nông sản.
Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Đinh Tiến Dũng cho biết: “Kể từ khi áp dụng chính sách này, tình trạng chiếm đoạt ngân sách nhà nước thông qua hoàn thuế GTGT gần như chấm dứt, tình trạng mua bán hóa đơn bất hợp pháp để hợp pháp hoá hàng mua trôi nổi cũng giảm hẳn. Đơn cử như năm 2014, năm đầu tiên thực hiện Nghị định 209/2013/NĐ-CP, tổng số tiền hoàn thuế GTGT đã giảm 5.490 tỷ đồng”.
Phó Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Hương Sen, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình, ông Đỗ Văn Vẻ kỳ vọng, việc không đưa sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi chưa qua chế biến hoặc mới qua sơ chế vào đối tượng không chịu thuế GTGT không chỉ giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp vì không phải kê khai, tính thuế; mà còn khắc phục được tình trạng lợi dụng gian lận, chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT vốn vô cùng bức xúc trong nhiều năm qua. “Hơn nữa, quy định này còn giảm bớt được chi phí nhân lực, thời gian trong quản lý thuế của cơ quan thuế đối với nông sản trong khâu thương mại nội địa vì không tính thu nộp thuế GTGT tại khâu kinh doanh nội địa và không phải thực hiện các thủ tục hoàn thuế trong trường hợp sản phẩm được xuất khẩu”, ông Vẻ bày tỏ quan điểm đồng tình.
Tiền phạt chậm nộp 0,03%/ngày
Nếu nợ tiền thuế, thay vì phải nộp tiền phạt chậm nộp theo mức 0,05%/ngày như hiện nay, kể từ 1/7/2016, doanh nghiệp chỉ phải nộp theo mức 0,03%/ngày. Ông Đỗ Văn Vẻ và cộng đồng doanh nghiệp bày tỏ sự đồng tình với mức phạt chậm nộp này thay vì mức 0,04% như dự kiến ban đầu.
Theo ông Vẻ, với mức phạt chậm nộp 0,03%/ngày, tính ra là 0,9%/tháng; 10,95%/năm là không hề thấp hơn lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng. “Thảo luận về mức phạt chậm nộp, cũng có đại biểu Quốc hội lo ngại với mức phạt 0,03%/ngày không cao hơn lãi suất cho vay ngân hàng sẽ dẫn tới tình trạng doanh nghiệp lợi dụng “vốn nhà nước”. Thay vì đi vay ngân hàng với rất nhiều thủ tục và mất không ít thời gian chờ đợi, họ sẽ sử dụng ngay tiền thuế để đưa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, tôi cho rằng không quá lo ngại việc doanh nghiệp lợi dụng. Bởi tiền lãi vay ngân hàng được trừ đi khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Còn tiền phạt chậm nộp không được coi là chi phí hợp lý, hợp lệ nên tính ra, tiền phạt chậm nộp còn cao hơn lãi suất vay ngân hàng rất nhiều”, ông Vẻ phân tích.
TS. Trần Du Lịch cho rằng, 80% số doanh nghiệp không muốn nợ tiền thuế, nếu buộc phải nợ chẳng qua là gặp khó khăn, tạm thời chưa có nguồn tài chính để nộp. Vì thế, mức phạt chậm nộp phải làm sao vừa tránh sự lợi dụng, đồng thời cũng không gây khó khăn cho doanh nghiệp phải nợ thuế vốn đã khó khăn lại càng khó khăn thêm.
Vẫn theo ông Lịch, ngân hàng cho vay cũng chỉ thu được lãi suất cỡ 9-11%/năm trong khi phải bỏ ra rất nhiều chi phí, nếu coi tiền thuế mà doanh nghiệp chậm nộp là tiền ngân sách nhà nước cho vay thì mức lãi suất 10,95% hoàn toàn hợp lý, vì ngân sách không phải chi phí nguồn nhân lực, thiết bị, máy móc, trích lập dự phòng rủi ro… như ngân hàng. “Phạt chậm nộp chỉ áp dụng với những trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn, doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật về thuế. Còn đối với những doanh nghiệp cố tình chây ì, nợ đọng thuế (khoảng 20% tổng số doanh nghiệp) thì phải áp dụng các biện pháp mạnh tay, kể cả biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng; kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề để cưỡng chế nợ thuế”, ông Lịch nhấn mạnh.