Năm 2018 tiếp tục đánh dấu sự thành công của nhiều doanh nghiệp cùng với chặng đường phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế nước nhà. Bà suy nghĩ gì về yếu tố con người trong quá trình xây dựng và phát triển doanh nghiệp?
Nghĩ về con người trong sự phát triển của doanh nghiệp, tôi vẫn quan niệm rằng: “Phải làm chủ nghề nghiệp của mình trước khi làm chủ doanh nghiệp. Doanh nghiệp là mô hình để ở đó bạn làm chủ nghề của mình. Nếu chưa có nghề mà muốn làm ông chủ là không hề dễ”.
Cũng liên quan đến câu chuyện này, tôi rất tâm đắc với câu nói của một thầy giáo nước ngoài là: “Bạn chỉ có thể làm chủ bản thân khi bạn là con người tốt nhất của bạn”. Thực ra, mỗi người chúng ta đều cần tự hỏi chính mình rằng, mình đã là con người tốt nhất của mình về chuyên môn, về phong cách sống, về giá trị yêu thương? Câu trả lời “chưa” là động lực để chúng ta tiếp tục vượt qua những giới hạn của bản thân từng ngày, dù ở trong bất kỳ hoàn cảnh và điều kiện sống như thế nào.
Liên hệ điều này với doanh nghiệp, có thể thấy, một doanh nghiệp được coi là phát triển bền vững phải được đo lường từ cả sự tương tác trong nội bộ doanh nghiệp đó, giữa doanh nghiệp đó với môi trường kinh tế và môi trường xã hội. Nghĩa là, quan sát từ cách doanh nghiệp đó ứng xử với người lao động của họ, thông qua đó, người lao động của họ sẽ ứng xử với môi trường xã hội và môi trường tự nhiên. Một con người chỉ thực sự có giá trị khi thể hiện được các giá trị của mình ở 3 môi trường: làm việc, gia đình và trong cộng đồng họ đang sống.
Bà Hà Thu Thanh
Tôi rất tự hào được là một trong số ít người đầu tiên tham gia làm việc cho ngành kiểm toán độc lập (KTĐL) Việt Nam từ những ngày đầu tiên. Ở những bước đi đầu tiên của gần ba thập kỷ trước đây, KTĐL là ngành đòi hỏi “nhập khẩu 100%” cả kỹ thuật nghề nghiệp và chuyên gia nghề từ nước ngoài. Khi đó, trong lòng tôi luôn đau đáu một suy nghĩ “có thể nào người Việt mình có thể làm được nghề giống các chuyên gia kia không?” - không phải chỉ vì để giảm chi phí chuyên gia, mà còn giúp tăng chất lượng và trợ giúp nghề phát triển bền vững.
Thời điểm đó, tôi cũng rất may mắn khi được làm việc tại Liên doanh Deloitte - VACO, liên doanh kiểm toán đầu tiên của Việt Nam và được cử đi học về KTĐL tại Mỹ. Lúc đó, trong suy nghĩ của tôi, đây chỉ là một “cơ duyên” để được học và hiểu về nghề này hoặc đơn giản hơn là thực hiện nhiệm vụ được giao. Mãi đến sau này, tôi mới hiểu là mình và một số đồng nghiệp trên những chuyến bay đi du học đó mang trong mình sứ mạng xây dựng và phát triển ngành KTĐL ở Việt Nam.
Tôi đã trải qua giai đoạn dấn bước theo tiếng gọi của nghề như vậy, để sau này, trong mỗi chặng đường thành công, tôi mới có thể gọi tên được việc cử tôi và sau đó là nhiều bạn khác đi học là một sự “đầu tư vào con người”. Tôi đã được dạy từng li từng tí về các kỹ năng trong nghề nghiệp, kỹ năng giao tiếp thương mại quốc tế. Dù chưa nhìn thấy phần thu được từ khoản đầu tư này và chi phí cho việc đi học là rất đắt đỏ, song những người Deloitte thời ấy đã khẳng định chủ trương và quan điểm đầu tư vào con người vì sự phát triển bền vững và dài lâu của doanh nghiệp, bởi “con người là yếu tố quan trọng nhất”. Tôi may mắn đã hưởng trọn sự đầu tư bài bản đó.
Bản thân Deloitte - VACO cũng có chiến lược bền bỉ “quốc tế hóa nhân viên” trong suốt 20 năm sau khi tôi học từ Mỹ về với mục tiêu đưa người Việt Nam đi học chuyên ngành quốc tế. Có thể nói trong ngành, Deloitte có đội ngũ chuyên gia hùng hậu, đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của ngành KTĐL Việt Nam.
Trải nghiệm công việc trong nhiều năm cũng giúp tôi hiểu được rằng, đầu tư vào con người nên được xem là một dự án chứ không phải là một khoản chi phí. Mặt khác, đầu tư vào con người không chỉ từ phía doanh nghiệp mà còn phải từ phía Chính phủ và cả bản thân từng con người cũng cần biết tự đầu tư cho chính mình. Để từ đó, con người ấy có được giá trị của tri thức trong sự sáng tạo để kiến tạo và đóng góp cho chính nghề nghiệp của mình, từ đó góp phần xây dựng đất nước mình. Và đến bây giờ, tôi thực sự rất tự hào vì người Việt Nam đã trở thành những chuyên gia hàng đầu, có thể sánh vai với các chuyên gia quốc tế khác.
Một thông điệp được nhấn mạnh trong thời gian qua là “Chính phủ kiến tạo”. Bà suy nghĩ gì về việc đầu tư cho con người trong thông điệp này?
Từ góc nhìn của các doanh nghiệp, chúng tôi cho rằng Chính phủ kiến tạo trước hết là một chính phủ phục vụ. Ở nơi đó, mỗi công chức, viên chức phải làm việc theo đúng nghĩa nô bộc của người dân. Mỗi con người làm việc trong hệ thống Chính phủ phải phục vụ cho sự phát triển của đất nước dựa trên các nền tảng pháp lý đã có. Đối tượng phục vụ của Chính phủ kiến tạo là các doanh nghiệp và người dân. Chính phủ kiến tạo là chủ trương đúng nhưng việc biến thành hành động trong thực tế không hẳn là dễ dàng.
Ngày 27/12, tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12, Thủ tướng Chính phủ vẫn tiếp tục chỉ đạo rất rõ các cấp, các ngành, địa phương có giải pháp cụ thể để hỗ trợ cho khu vực kinh tế tư nhân bằng việc giải quyết các nút thắt liên quan đến sự hỗ trợ trực tiếp của các cơ quan quản lý địa phương về nguồn lực tài chính, đất đai… cho doanh nghiệp tư nhân.
Đây cũng chính là thông điệp và là bước chuyển tiếp theo của Chính phủ trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển. Nếu điều đó được thực hiện thì tôi tin rằng không chỉ nhận thức, ý thức, mà cách thức làm việc của các cán bộ, công chức viên chức sẽ thay đổi tích cực. Và nguồn lực đó sẽ tạo thêm sức mạnh rất lớn cho các doanh nghiệp tư nhân được phát triển mạnh mẽ.
Để hỗ trợ và phục vụ được doanh nghiệp và người dân, các công chức, viên chức của Nhà nước phải liên tục được đào tạo một cách bài bản và hiệu quả. Tôi nhận thấy, Chính phủ đã rất nỗ lực và đạt được kết quả tích cực từ việc thay đổi hệ thống pháp lý nhằm tạo môi trường kinh doanh tốt hơn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu hệ thống pháp lý thay đổi mà người thực thi không thay đổi thì việc cải thiện về pháp lý sẽ không đạt hiệu quả cao nhất.
Đồng thời với việc khu vực nhà nước đầu tư vào công chức, viên chức, các doanh nghiệp cũng cần đào tạo con người của mình từ mọi khía cạnh. Trước hết là đào tạo về các kỹ năng làm việc cần thiết, kỹ năng tương tác giữa con người với công việc, con người với môi trường xung quanh. Nếu không được đào tạo để thay đổi thì con người có nguy cơ bị thay thế bởi robot và trí tuệ nhân tạo (AI) trong thời gian tới.