Năm 2020, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, có biểu hiện tinh vi hơn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2020 tại Quốc hội ngày 26/10/2020, ông Lê Minh Khái - Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, có biểu hiện tinh vi hơn và khó phát hiện; vụ, việc tham nhũng được phát hiện, xử lý chưa tương xứng với tình hình tham nhũng; phát hiện nhiều sai phạm trong lĩnh vực như đất đai, xây dựng, quản lý tài chính, ngân sách... nhưng việc kết luận hành vi tham nhũng trong các sai phạm này gặp khó khăn.
Năm 2020 phát hiện tình trạng lợi dụng chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực y tế tại Bệnh viện Bạch Mai
Năm 2020 phát hiện tình trạng lợi dụng chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực y tế tại Bệnh viện Bạch Mai

Theo báo cáo của Chính phủ về công tác PCTN, năm 2020 toàn ngành thanh tra đã triển khai 6.875 cuộc thanh tra hành chính (giảm 9% so với năm 2019) và 210.199 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành (giảm 17% so với năm 2019). Qua thanh tra đã chấn chỉnh quản lý, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện nhiều vi phạm; kiến nghị thu hồi 44.582 tỷ đồng và trên 1.401 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 2.656 tập thể và nhiều cá nhân, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 155 vụ, 135 đối tượng (so với cùng kỳ năm 2019, tăng 53 vụ).

Năm 2020, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 54.770 tỷ đồng; chuyển hồ sơ 4 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan điều tra; 2 vụ việc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Về thi hành án hình sự trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, đã thi hành xong 3.605 vụ việc (đạt tỷ lệ 84,13% số vụ việc có điều kiện thi hành), tăng 9,42% so với cùng kỳ năm 2019. Số tiền thu được là 15.017,9 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 43,42% số có khả năng thi hành (tăng 14,01%) so với cùng kỳ năm 2019.

Tuy nhiên, bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, việc công khai, minh bạch và công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động ở một số bộ, ngành, địa phương vẫn còn hạn chế, số vi phạm phát hiện được còn chưa thể hiện đúng thực tế qua phản ánh của dư luận cử tri. Việc thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp và kiểm soát xung đột lợi ích chưa thực sự chuyển biến, vẫn còn nhiều trường hợp vi phạm, lợi dụng sơ hở của cơ chế, chính sách để nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, một số trường hợp có biểu hiện “nhóm lợi ích”, “bảo kê”, bao che cho các hành vi vi phạm pháp luật. Đã xuất hiện tình trạng lợi dụng chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, lợi dụng tình hình dịch bệnh để tham nhũng như vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội; Vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai khi thực hiện chủ trương liên doanh, liên kết, xã hội hóa việc mua sắm thiết bị y tế…

Bên cạnh đó, Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020 cũng cho biết, năm nay đã phát hiện 22.105 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế (nhiều hơn 38,56%), 313 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng và các vi phạm khác về chức vụ (ít hơn 2,49%). Tiến độ điều tra các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn đã được chỉ đạo tập trung đẩy nhanh quá trình xử lý, góp phần duy trì khí thế mạnh mẽ trong công tác PCTN; phát hiện xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để trục lợi.

Qua công tác đấu tranh cho thấy, tội phạm, vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng vẫn phức tạp tại một số lĩnh vực kinh tế trọng điểm, nhạy cảm (quản lý, sử dụng đất đai, quản lý tài sản công, đầu tư công, tài chính, ngân hàng, thuế, chứng khoán…); phát sinh một số loại tội phạm, vi phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như thu gom, đầu cơ để tăng giá, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; sản xuất hàng giả là hàng hóa, trang thiết bị phục vụ phòng bệnh, lợi dụng công tác phòng, chống dịch bệnh để trục lợi...

Để công tác PCTN hiệu quả hơn nữa, năm 2021, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế quản lý kinh tế - xã hội và PCTN. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực có nhiều nguy cơ và dư luận về tiêu cực, tham nhũng như: các dự án đầu tư lớn; quản lý, sử dụng đất đai; cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; mua bán, chuyển nhượng tài sản công; các dự án mua sắm lớn từ nguồn kinh phí của Nhà nước… Và để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác PCTN, đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, Chính phủ kiến nghị Quốc hội tăng cường hoạt động giám sát công tác PCTN, nhất là việc triển khai thi hành các quy định mới của Luật PCTN năm 2018 và các luật mới được sửa đổi, bổ sung có liên quan chặt chẽ đối với công tác PCTN như Luật Giám định tư pháp, Luật Xây dựng, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Chuyên đề