Kiến tạo hạ tầng, kích hoạt tiềm năng nhiều vùng đất

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Những năm gần đây, hệ thống hạ tầng chiến lược được đầu tư với quy mô hàng trăm nghìn tỷ đồng. Trong đó, hàng loạt công trình giao thông trọng điểm như cảng hàng không, đường cao tốc, cảng biển… được hoạch định, xây dựng từ Bắc chí Nam, kích hoạt tiềm năng nhiều vùng đất, tạo động lực lớn thúc đẩy tăng trưởng.
Sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống hạ tầng góp phần giúp Đông Nam Bộ hiện thực hóa mục tiêu có khoảng 125 - 130 KCN đến năm 2030. Ảnh: Lê Tiên
Sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống hạ tầng góp phần giúp Đông Nam Bộ hiện thực hóa mục tiêu có khoảng 125 - 130 KCN đến năm 2030. Ảnh: Lê Tiên

Kiến tạo hạ tầng chiến lược

Công cuộc đầu tư hạ tầng chiến lược hiện được đánh giá là “nở rộ” với loạt công trình đường bộ cao tốc, năng lực thông hành lớn như trục dọc Bắc - Nam, trục ngang Đông - Tây, các trục vành đai. Nhiều cảng hàng không, cảng biển được mở rộng, đầu tư mới.

Mới nhất, ngày 19/5/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát lệnh khởi công Dự án Mở rộng Nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Nội Bài, mức đầu tư 4.996 tỷ đồng. Tại phía Nam, tiến độ xây dựng 2 dự án trọng điểm gồm Cảng HKQT Long Thành và Nhà ga hành khách T3 - Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đang diễn ra nhanh chóng, theo đúng lịch trình dự kiến. Theo đó, Dự án Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1 có vốn đầu tư hơn 109 nghìn tỷ đồng và Dự án Nhà ga hành khách T3 có vốn đầu tư 10,982 nghìn tỷ đồng sẽ lần lượt hoàn thành vào năm 2026 và cuối tháng 4/2025.

Về đường bộ, các trục cao tốc dọc - ngang đang dần hoàn thiện, hướng tới một hệ thống đường bộ tốc độ cao hiện đại, liên hoàn, có năng lực thông hành lớn. Sơ bộ trong hơn 2 năm qua, cả nước đã hoàn thành xây dựng khoảng 850 km cao tốc, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc đã đưa vào sử dụng lên khoảng 1.920 km. Tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ, nơi từng được coi là vùng trũng về hạ tầng giao thông, nhiều cao tốc, cầu đã được đầu tư hoàn thành như: cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cầu Mỹ Thuận 2. Hiện nay, cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, cầu Rạch Miễu 2, cầu Đại Ngãi đang được triển khai thi công và dự kiến hoàn thành trong vài năm tới, thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Cửu Long “cất cánh”.

Ngoài 12 DATP cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đang đồng loạt được xây dựng, các cao tốc, vành đai có tính liên vùng như: Vành đai 3 TP.HCM (dài 76 km, tổng mức đầu tư hơn 75 nghìn tỷ đồng), cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (53,7 km, 17.800 tỷ đồng), Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (117,5 km, 21.935 tỷ đồng), Cao Lãnh - An Hữu (27,43 km, 5.886 tỷ đồng)... đang được đẩy nhanh tiến độ. Các cao tốc như TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, Chơn Thành - Gia Nghĩa đang ở các bước chuẩn bị đầu tư.

Vừa qua, TP.HCM đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, dự kiến phân kỳ đầu tư 2 giai đoạn, trong đó mục tiêu giai đoạn 1 khai thác trước năm 2030 với quy mô đầu tư 2 khu bến chính; giai đoạn 2 sẽ tiếp tục đầu tư 5 khu bến chính còn lại. Theo khái toán, cảng trung chuyển này có tổng vốn đầu tư gần 129.000 tỷ đồng (tương đương 5,5 tỷ USD) do Tập đoàn Mediterranean Shipping Company S.A đề xuất đầu tư. Để thực hiện Đề án, TP.HCM áp dụng các cơ chế, chính sách trong lựa chọn nhà đầu tư, ưu đãi đối với nhà đầu tư chiến lược theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Theo Đề án, về nguồn vốn, cảng trung chuyển, khu công trình phụ trợ phục vụ hoạt động khai thác cảng, trung tâm dịch vụ logistics và khu vực phi thuế quan sẽ đầu tư bằng nguồn vốn nhà đầu tư. Hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật kết nối cảng sẽ đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)...

Rộng không gian phát triển

Sau hơn 30 năm phát triển kể từ năm 1991, theo số liệu của Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hiện nay, cả nước có 418 khu công nghiệp (KCN) được thành lập với tổng diện tích khoảng 127 nghìn ha. Các KCN trở thành trọng điểm thu hút đầu tư, ước tính tổng vốn FDI đăng ký đầu tư vào các KCN đạt khoảng 231 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện chiếm khoảng 69%. Tại khu vực phía Nam, nhiều địa phương phát triển KCN thành công như: TP.HCM (19 KCN), Bình Dương (31 KCN), Đồng Nai (31 KCN), Bà Rịa - Vũng Tàu (17 KCN)… với nhiều mô hình KCN tiêu biểu như: VSIP, Amata, Becamex, Phú Mỹ 3, Hiệp Phước, Tín Nghĩa, Sonadezi… Nhiều KCN đã bắt nhịp xu hướng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, KCN thông minh, sinh thái.

Thực tiễn cho thấy, hầu hết các địa phương có ưu thế về sân bay, cảng biển, đường cao tốc thì việc hình thành, phát triển KCN nhanh và mạnh mẽ. Tuy nhiên, việc phát triển KCN, đặc biệt tại khu vực Đông Nam Bộ, đã bộc lộ những hạn chế như: chất lượng, hiệu quả quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu, loại hình phát triển chậm được đổi mới, thiếu đất công nghiệp, quá tải hệ thống hạ tầng phục vụ KCN.

Sự phát triển mạnh mẽ hệ thống hạ tầng chiến lược hiện nay được dự báo sẽ mở rộng không gian, mang tới luồng sinh khí mới cho phát triển KCN, là nền tảng quan trọng hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 diện tích KCN đạt khoảng 210.930 ha, với tổng vốn đầu tư hạ tầng và lấp đầy các KCN khoảng 670 - 720 tỷ USD. Đồng thời sẽ thúc đẩy tiến trình cơ cấu, sắp xếp lại không gian phát triển KCN. Theo đó, các địa phương vùng trọng điểm như Đông Nam Bộ sẽ có thêm quỹ đất công nghiệp bám theo hành lang các trục cao tốc, cảng HKQT để thu hút các dự án có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn.

Mới đây, Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, về giao thông, vùng có 12 tuyến đường bộ cao tốc; 2 tuyến quốc lộ trọng yếu, 7 tuyến quốc lộ chính yếu và 10 tuyến quốc lộ khác; các tuyến đường bộ ven biển; hàng chục cảng biển, trong đó có khu bến cảng tiềm năng tại huyện Cần Giờ (xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ), khu bến Cái Mép - Thị Vải…; 4 cảng hàng không, trong đó có 2 cảng HKQT là Tân Sơn Nhất và Long Thành.

Trên nền tảng hạ tầng giao thông, Đông Nam Bộ hoạch định hình thành, phát triển các hành lang kinh tế bám theo các trục cao tốc quan trọng, trong đó ưu tiên hành lang kinh tế Bắc - Nam, hành lang kinh tế Mộc Bài - TP.HCM - Biên Hòa - Vũng Tàu và các vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ gắn với tuyến Vành đai 3, Vành đai 4 TP.HCM, kết nối hiệu quả các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn... Một trong các mục tiêu đặt ra là hình thành các KCN hiện đại, phù hợp xu hướng phát triển tiên tiến của quốc tế, hướng tới mục tiêu đến năm 2030, Đông Nam Bộ có khoảng 125 - 130 KCN với tổng diện tích đất 62,06 nghìn ha.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phía Nam như: Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Sóc Trăng… đều chia sẻ, các địa phương đã hoạch định nhiều giải pháp nhằm khai thác tối đa lợi thế các dự án hạ tầng chiến lược đang hình thành. Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ, UBND các tỉnh, thành xác định phương án phát triển KCN trong quy hoạch tỉnh, đồng thời phát triển hài hòa các thành phần kinh tế khác để đạt mục tiêu đến năm 2030, Đông Nam Bộ trở thành vùng hiện đại, có công nghiệp phát triển.

Chuyên đề