Kích thích vay tiêu dùng, cần cẩn trọng với nợ xấu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cho vay tiêu dùng cần được đẩy mạnh để kích cầu tiêu dùng và hỗ trợ người dân trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, cần cẩn trọng với các rủi ro của hình thức tín dụng này, đặc biệt là các khoản vay không có tài sản thế chấp.
Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng sẽ góp phần kích cầu tiêu dùng và hỗ trợ người dân trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19. Ảnh: Song Lê
Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng sẽ góp phần kích cầu tiêu dùng và hỗ trợ người dân trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19. Ảnh: Song Lê

Tín dụng tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng nhẹ và được coi là một trong những định hướng cần đẩy mạnh trong giai đoạn khó khăn do dịch Covid-19 hiện nay. Tại công ty tài chính FE Credit (thuộc VPBank), tính đến hết quý II/2020, tổng giá trị khoản vay đạt 60,2 nghìn tỷ đồng, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận trước thuế của Công ty sau 6 tháng đầu năm tăng 13%, đạt 2,4 nghìn tỷ đồng, trong đó, quý II đóng góp 1,5 nghìn tỷ đồng.

Còn theo ước tính của nhóm nghiên cứu thuộc Công ty Chứng khoán SSI, trong 5 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của HD Saison (liên doanh công ty tài chính của HDBank và Tập đoàn Saison) khoảng 6 - 7% so với đầu năm. Tại Mcredit (liên doanh giữa MBBank và Shinsei Bank), trong 5 tháng đầu năm, công ty này đạt lợi nhuận khoảng 120 tỷ đồng.

Tại văn bản gửi các tổ chức tín dụng về triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các tổ chức tín dụng và các công ty tài chính cho vay tiêu dùng triển khai mạnh mẽ, hiệu quả các chương trình, sản phẩm tín dụng tiêu dùng với lãi suất hợp lý, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và chỉ đạo của NHNN trong cho vay tiêu dùng.

Trong khi đó, hoạt động tài chính tiêu dùng của các công ty tài chính FE Credit, HD Saison, Mcredit có khả năng ảnh hưởng đến các ngân hàng có vốn góp, đặc biệt là những khoản vay không có tài sản bảo đảm.

Theo Báo cáo phân tích hoạt động của các tổ chức tín dụng vừa được Công ty Chứng khoán Yuanta công bố, MBBank sẽ ít bị ảnh hưởng hơn đáng kể so với VPBank và HDBank do tỷ trọng mảng tài chính tiêu dùng thấp hơn. FE Credit chiếm 22% các khoản cho vay của VPBank, trong khi HD Saison chiếm 8% các khoản vay hợp nhất của HDBank và Mcredit chỉ chiếm 3% các khoản vay hợp nhất của MBBank. Ngoài ra, VPBank sở hữu 100% vốn tại FE Credit. Trong khi đó, MBBank và HDBank chỉ sở hữu 50%, điều này nghĩa là phần rủi ro sẽ đươc các cổ đông khác cùng chia sẻ.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Yuanta, mảng tài chính tiêu dùng không có tài sản bảo đảm có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Phần lớn những người vay ở phân khúc này đều có thu nhập thấp và công việc không ổn định nên khó có khả năng thanh toán khi nền kinh tế khó khăn. Nhu cầu đi vay của nhóm khách hàng này vẫn cao nhưng khả năng trả nợ của họ không được bảo đảm. Do đó, các ngân hàng có tỷ trọng mảng tài chính tiêu dùng cao sẽ gặp áp lực trong tình hình kinh tế ảm đạm đang diễn ra. Trong các cuộc khủng hoảng nợ xấu, tổn thất cho vay có thể lên tới 40 - 50%.

Đồng tình với định hướng khuyến khích cho vay tiêu dùng, song TS. Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia lưu ý, cơ quan quản lý cũng cần giám sát chặt các chuẩn mực tín dụng đối với các khoản vay tiêu dùng.

Còn theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, để đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng trong giai đoạn hiện nay, các ngân hàng, công ty tài chính cần phải thay đổi chiến lược kinh doanh, nghiên cứu thiết kế những sản phẩm, dịch vụ phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân. Chẳng hạn, tập trung vào xu hướng mua hàng hóa thiết yếu nhiều hơn là hàng xa xỉ, đồng thời đẩy mạnh các kênh số hóa.

Để hạn chế phát sinh nợ xấu từ tín dụng tiêu dùng, ông Lực cho rằng, cần rà soát, cơ cấu lại các khoản vay trên tinh thần cho phép bên vay có thời gian để giãn nợ cũng như thực hiện trách nhiệm trả nợ. Đồng thời, xem xét đánh giá lại tình hình việc làm, thu nhập của bên vay và đặc biệt là tư vấn cho khách hàng cách thức để xử lý khoản nợ, thiện chí trong việc nhắc nợ, đòi nợ.

Chuyên đề