Kịch bản lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngành ngân hàng được dự báo sẽ kết thúc năm 2023 với kết quả kinh doanh giảm sút so với năm 2022. Tuy nhiên, triển vọng có thể tích cực hơn trong năm sau nếu tăng trưởng kinh tế hồi phục và các ngân hàng trung ương trên thế giới chuyển sang xu hướng nới lỏng tiền tệ.
Triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng niêm yết phụ thuộc rất lớn vào việc kiểm soát chất lượng tài sản. Ảnh: Minh Dũng
Triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng niêm yết phụ thuộc rất lớn vào việc kiểm soát chất lượng tài sản. Ảnh: Minh Dũng

Tại báo cáo về ngành ngân hàng vừa công bố, nhóm nghiên cứu của Công ty CP Chứng khoán VPBank (VPS) cho biết, biên lợi nhuận (NIM) trung bình của toàn ngành ngân hàng trong quý III/2023 giảm 0,2% so với quý trước. Theo VPS, NIM toàn ngành ngân hàng đã đi lùi trong cả 3 quý của năm 2023, song dự kiến vẫn đạt mức 3,7% trong cả năm 2023 (giảm 0,1 điểm phần trăm so với năm 2022), sau đó sẽ phục hồi trở lại mức 3,8% trong năm 2024.

Tuy nhiên, VPS nhấn mạnh, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng niêm yết phụ thuộc rất lớn vào việc kiểm soát chất lượng tài sản. Dự kiến tình hình kinh tế vĩ mô bắt đầu có điểm sáng rõ ràng hơn vào quý cuối năm 2023, nợ xấu toàn ngành trong quý IV sẽ tương đương quý III và có sự cải thiện nhẹ từ nửa đầu năm 2024. Với sự hỗ trợ chính sách từ Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và chưa chuyển nhóm nợ, áp lực lên nợ xấu được hoãn đến hết nửa đầu 2024.

Cùng quan điểm, nhóm nghiên cứu của Công ty CP Chứng khoán VCBS cho rằng, NIM của ngành ngân hàng sẽ đi ngang hoặc tăng nhẹ trong 2024 khi chi phí vốn được cải thiện, tuy nhiên lãi suất cho vay tiếp tục chịu áp lực giảm khi các ngân hàng cạnh tranh thu hút khách hàng chất lượng tốt. Tiềm năng mở rộng NIM thuộc về nhóm khách hàng tư nhân có thế mạnh về bán lẻ và tiền gửi không kỳ hạn.

VCBS duy trì dự báo lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng giảm tốc trong năm 2023, có sự phân hóa về triển vọng lợi nhuận giữa các nhóm ngân hàng trong năm 2024 với mức tăng trưởng trung bình khoảng 10%, một số ngân hàng thuộc nhóm quy mô nhỏ sẽ tiếp tục giảm tốc, thậm chí tăng trưởng âm.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, năm 2024, triển vọng ngành ngân hàng có thể khả quan hơn năm nay bởi nền kinh tế trong nước và thế giới được dự báo có thể phục hồi tích cực, từ đó thúc đẩy nhu cầu tín dụng, hỗ trợ tốt cho hoạt động của lĩnh vực này. Tuy nhiên, điểm đáng ngại và cũng là rủi ro với lợi nhuận của ngành ngân hàng trong năm tới chính là nợ xấu, nếu tỷ lệ này tiếp tục ở mức trên 5% thì lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ bị “ăn mòn” đáng kể.

Dự báo NIM toàn ngành ngân hàng (Nguồn: Báo cáo của Công ty CP Chứng khoán VPBank)

Dự báo NIM toàn ngành ngân hàng (Nguồn: Báo cáo của Công ty CP Chứng khoán VPBank)

TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, nợ xấu và tăng trưởng tín dụng là hai yếu tố chính tác động đến hoạt động của ngành ngân hàng trong năm 2024, cả hai yếu tố này đều phụ thuộc vào sự hồi phục của nền kinh tế cùng với tác động từ cách thức điều hành chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới, đặc biệt là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Do đó, vị chuyên gia này đưa ra hai kịch bản cho triển vọng lợi nhuận của ngành ngân hàng trong năm 2024. Theo đó, nếu các ngân hàng trung ương đảo chiều chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng và tăng trưởng kinh tế phục hồi thì nợ xấu sẽ giảm và tăng trưởng tín dụng khả quan. Kết quả là, hoạt động ngành ngân hàng sẽ tích cực hơn năm nay.

Ngược lại, nếu các ngân hàng trung ương buộc phải duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt để chống chọi với lạm phát thì tăng trưởng kinh tế sẽ khó khăn và triển vọng ngành ngân hàng không tích cực. Khi đó, các ngân hàng càng phải tăng trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu nên lợi nhuận sẽ giảm, đồng thời, tăng trưởng tín dụng thấp cũng làm hao hụt khả năng sinh lợi của lĩnh vực này.

“Ở thời điểm hiện nay, khó có thể dự báo chính xác về khả năng thắt chặt hay nới lỏng tiền tệ của các quốc gia lớn. Bên cạnh đó, vẫn còn các rủi ro địa chính trị có thể tác động bất lợi đến thị trường hàng hóa, có thể ảnh hưởng đến đà tăng trưởng của các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam. Do đó, chưa thể hoàn toàn lạc quan về triển vọng hoạt động của lĩnh vực này và cần chuẩn bị các giải pháp ứng phó với rủi ro để đảm bảo an toàn hệ thống”, ông Huân lưu ý.

Chuyên đề