Khu công nghiệp và chuyện bảo vệ môi trường

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Nếu điểm lại danh mục các vụ gây ô nhiễm môi trường được dư luận quan tâm trong những năm gần đây, có rất nhiều sự cố có nguyên nhân xuất phát từ các doanh nghiệp, điển hình là sự cố môi trường biển miền Trung do nước thải công nghiệp của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra.

Với 31/31 khu công nghiệp đang hoạt động được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung, Đồng Nai là tỉnh tiên phong và đầu tư mạnh cho công tác bảo vệ môi trường. Ảnh: Nhã Chi
Với 31/31 khu công nghiệp đang hoạt động được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung, Đồng Nai là tỉnh tiên phong và đầu tư mạnh cho công tác bảo vệ môi trường. Ảnh: Nhã Chi

Tuy nhiên, câu chuyện bảo vệ môi trường, tránh xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường trong các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) đã bước sang trang mới khi vấn đề xử lý nước/chất thải cho doanh nghiệp đã được kiểm soát ngay từ khâu cấp phép dự án.

Chú trọng bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp

Hậu quả từ sự cố Formosa, Vedan Việt Nam đối với môi trường có thể được xem là điển hình nhất.

Năm 2008, sau khi người dân phát giác Công ty TNHH Vedan Việt Nam lén lút xả nước thải không qua xử lý ra môi trường, Cục Cảnh sát môi trường thuộc Bộ Công an đã vào cuộc. Theo ước tính, công ty này xả nước thải tới 5.000 m3/ngày ra sông. Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) xác định doanh nghiệp này vi phạm 12 lỗi chính về pháp luật bảo vệ môi trường. Công ty bị truy thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp số tiền 127,8 tỷ đồng.

Trong sự cố môi trường tại Hà Tĩnh, Formosa phải bồi thường 500 triệu USD. Còn rất nhiều sự cố gây ô nhiễm môi trường nhưng chưa bị xử lý đến nơi đến chốn khiến doanh nghiệp chưa tuân thủ nghiêm mặc dù Bộ luật Hình sự năm 1999 đã quy định về tội danh gây ô nhiễm môi trường nhưng việc xử lý hình sự gần như rất ít ỏi vì quy định còn mang tính chất chung chung, không định lượng cụ thể. Một thời gian dài, khoảng trống pháp lý này tạo ra rất nhiều bất cập.

Tuy nhiên, trong 3 năm lại đây, với những nỗ lực được triển khai, các chỉ số về môi trường ở Việt Nam đã có những chuyển biến khá tích cực và bước đầu thu được một số kết quả đáng khích lệ. Dấu hiệu này phản ánh rõ nhất tại các doanh nghiệp trong KCN, KCX.

Theo thống kê của Bộ TN&MT, tỷ lệ KCN, KCX đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường đạt 89%, trong đó đã có 78,3% lắp đặt thiết bị quan trắc tự động (tăng 28,7%). Tỷ lệ cụm công nghiệp (CCN) đã đầu tư hệ thống nước thải tập trung là 15,8% (tăng 6%). Tỷ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom đạt 13%; tỷ lệ chất thải rắn được thu gom đạt 86,5%; tỷ lệ cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QÐ-TTg được xử lý đạt 66,4% (tăng 12,8% so năm 2018).

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, hiện đã xuất hiện nhiều mô hình đô thị, nông thôn, KCN, làng nghề, cơ sở sản xuất sinh thái thân thiện với môi trường; xu hướng suy giảm nhanh chất lượng môi trường từng bước được kiềm chế. Mặc dù ô nhiễm môi trường vẫn xảy ra, nhưng xu hướng tăng mạnh như trước đây được giảm dần, nhất là vấn đề môi trường đã thu hút và nhận được sự quan tâm, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, xã hội và người dân trên cả nước một cách mạnh mẽ.

Tuy nhiên, để kiểm soát các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường một cách hiệu quả và bền vững, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ về môi trường đối với các KCN, CCN, làng nghề; tiến hành rà soát, kiên quyết yêu cầu chủ đầu tư các KCN, CCN xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung, bảo đảm tỷ lệ KCN, KCX có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật đạt ít nhất 90%; đồng thời yêu cầu các đơn vị có quy mô xả thải lớn lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động liên tục, truyền số liệu trực tiếp về sở TN&MT theo quy định của pháp luật.

Điểm sáng Cần Thơ, Đồng Nai

Các ngành chức năng và địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhận định, với tốc độ phát triển nhanh, mạnh của các doanh nghiệp đang lấp đầy các KCN, CCN như thời gian qua thì tình trạng quá tải trong việc xử lý ô nhiễm môi trường ở các khu vực này là vấn đề nan giải. Tuy nhiên, các địa phương trong Vùng đang có nhiều cố gắng. Khảo sát tại các KCN có quy mô lớn như: KCN Trà Nóc 1 & 2, KCN Thốt Nốt (TP. Cần Thơ); KCN Sông Hậu, KCN Tân Phú Thạnh (Hậu Giang); KCN An Nghiệp (Sóc Trăng)… cho thấy hệ thống xử lý nước thải tập trung đang được đầu tư.

Tại TP. Cần Thơ, là địa phương trung tâm của vùng ĐBSCL, thời gian qua bên cạnh việc thu hút các nhà đầu tư cũng chú trọng tới việc hoàn chỉnh hạ tầng, đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các KCN.

Cụ thể, KCN Trà Nóc 1 & 2 ở quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ đã quy hoạch xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung với công xuất 12.000 m3/ngày đêm. Năm 2016, giai đoạn 1 của nhà máy xử lý nước thải này có công xuất 6.000 m3/ngày đêm đã đi vào hoạt động. Công ty CP Xây dựng hạ tầng KCN Cần Thơ lại tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 của khu xử lý nước thải tập trung tại KCN Trà Nóc, nâng tổng công suất lên thành 12.000 m3/ngày đêm nhằm đảm bảo công tác xử lý nước thải tại 2 KCN, CCN.

Sở TN&MT TP. Cần Thơ nhận xét, thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường tại các KCN trên địa bàn TP. Cần Thơ đã có sự chuyển biến tích cực, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các KCN được kéo giảm đáng kể. Ý thức chấp hành các quy định pháp luật bảo vệ môi trường của doanh nghiệp đang hoạt động trong các KCN đã được nâng lên rõ rệt.

Trong khi đó, với 31/31 KCN đang hoạt động được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung, hơn 80% trong số đó đưa vào vận hành và có hệ thống quan trắc nước thải tự động được giám sát chặt chẽ, Đồng Nai là tỉnh tiên phong và đầu tư mạnh cho công tác bảo vệ môi trường các KCN.

Tính đến nay, Đồng Nai đã thu hút được 1.796 dự án, trong đó 1.320 dự án vốn đầu tư nước ngoài. Tỷ lệ lấp đầy ở các KCN trong Tỉnh trung bình đạt 78% (cao hơn mức trung bình 73% của cả nước), khoảng 20 KCN có tỷ lệ lấp đầy 100%, tạo việc làm cho khoảng 600 ngàn lao động, tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 62% trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP).

Liên quan đến lĩnh vực môi trường tại các KCN, những năm qua, tỉnh Đồng Nai yêu cầu chủ đầu tư các KCN, các cơ sở sản xuất lắp đặt thiết bị quan trắc tự động và kết nối dữ liệu quan trắc về Sở TN&MT để theo dõi thường xuyên; chỉ đạo các sở, ban, ngành, đặc biệt là Sở TN&MT, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai tăng cường giám sát việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải công nghiệp, định kỳ mỗi năm 2 lần tổ chức lấy mẫu nước đã qua xử lý để kiểm tra.

Là đơn vị đi đầu cả nước về phát triển hạ tầng KCN, hiện tại, Công ty CP Phát triển KCN Sonadezi có hơn 10 KCN trên địa bàn 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, thu hút gần 800 dự án đầu tư trong và ngoài nước. Cụ thể, các KCN đi vào hoạt động phải đảm bảo các tiêu chuẩn về hạ tầng giao thông, khu xử lý nước thải, khu thu gom chất thải rắn, kể cả công trình tiện ích. Doanh nghiệp vào KCN hoạt động phải cam kết tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường trong sản xuất và hậu sản xuất. Ngoài ra, quá trình doanh nghiệp hoạt động, Công ty luôn theo dõi sát sao về vấn đề nước thải, chất thải, khí thải; kịp thời thông báo cho các nhà máy, cơ quan chức năng xử lý khi có sự cố.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư