Những phản ánh của báo chí đang được Chính phủ theo dõi, tổng hợp, cập nhật từng ngày từng giờ khiến cho công cuộc cải cách không được ngơi nghỉ. Ảnh: Lê Tiên |
Thời gian tới, công tác cải thiện môi trường kinh doanh sẽ có nhiều khó khăn do những công việc thuận lợi đã được triển khai, những công việc khó khăn còn lại. Để đạt được mục tiêu của Chính phủ, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cơ quan liên quan và sự đồng hành của báo chí.
Đây là nhấn mạnh của ông Vũ Tiến Lộc – Đại biểu Quốc hội (Đoàn Thái Bình), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khi trao đổi với Báo Đấu thầu về những giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Môi trường kinh doanh thông thoáng thì không thể thiếu sự minh bạch. Ông đánh giá như thế nào về sự tham gia của báo chí trong việc truyền thông sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về tạo dựng môi trường kinh doanh tốt?
Trong những năm gần đây, mỗi năm Chính phủ lại ban hành một Nghị quyết mang số “19” để liên tục nhấn mạnh đến việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Với sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội đã có những bước chuyển biến tích cực, thể hiện trên nhiều mặt.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng đã đạt mức trung bình 6,5%/năm, đặc biệt năm 2017 đạt 6,81%, cải thiện đáng kể so với mức 5,9% của giai đoạn 2011 -2015. Xuất khẩu cũng đạt tốc độ tăng trưởng cao và nền kinh tế đã xuất siêu trở lại. Lạm phát được kiềm chế vững chắc ở mức dưới 4%, còn tỷ giá thì gần như hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước. Các nguồn lực trong dân đã dần chuyển hóa từ vàng, ngoại tệ sang tiền gửi tiết kiệm bằng đồng Việt Nam, từ đó góp phần thúc đẩy đầu tư toàn xã hội. Số doanh nghiệp thành lập mới, vì thế, cũng tăng nhanh. Mỗi ngày ở nước ta, bình quân có trên 300 doanh nghiệp mới được thành lập. Lãi suất huy động trái phiếu chính phủ cũng giảm mạnh, tạo điều kiện cho việc ổn định mặt bằng lãi suất ngân hàng, góp phần giảm gánh nặng trả nợ lãi cho ngân sách nhà nước cũng như doanh nghiệp.
Cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính cũng đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 5 bậc so với năm 2016 (từ vị trí 60/138 lên vị trí 55/137 nền kinh tế); môi trường kinh doanh tăng 14 bậc (từ vị trí 82 lên vị trí 68/190 nền kinh tế); đổi mới sáng tạo cải thiện 12 bậc, đạt thứ hạng 47/127 nền kinh tế. Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cũng đạt mức cao nhất kể từ năm 2005. Chỉ số đổi mới sáng tạo theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tăng 12 bậc... Đây là những thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đã đạt được cho đến nay.
Để đạt được những thành công này, có một phần đóng góp không nhỏ của đội ngũ báo chí, truyền thông. Nhiều kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp được báo chí phản ánh kịp thời tới các cơ quan chức năng. Tiến trình giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp và người dân được báo chí giám sát chặt chẽ khiến cho các cơ quan chức năng ngày càng có ý thức, trách nhiệm hơn theo hướng “phục vụ”, “kiến tạo”, chứ không phải khệnh khạng, hành hạ doanh nghiệp theo cơ chế xin - cho.
Về cải cách thể chế, không thể phủ nhận rằng, chúng ta đã có rất nhiều nỗ lực trong việc bổ sung, sửa đổi chính sách và pháp luật và đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc cắt giảm các thủ tục hành chính nhiêu khê liên quan đến nộp thuế, đăng ký kinh doanh, đầu tư và kiểm tra chuyên ngành...
Nhưng, qua phản ánh của báo chí và các cơ quan truyền thông, những thành quả này vẫn còn rất khiêm tốn so với những gì chúng ta kỳ vọng và vẫn còn một khoảng cách không nhỏ so với những chuẩn mực hàng đầu của ASEAN và mong đợi của người dân.
Đơn cử, những câu chuyện “cười ra nước mắt”, chỉ có ở Việt Nam, như “1 thỏi socola cõng 13 giấy phép” hay chuyện “thời gian nuôi gà còn ngắn hơn thời gian xin giấy phép được bán gà” vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi... đã được báo chí phản ánh một cách chân thực. Một số bộ ngành mới chỉ thực hiện cắt giảm thủ tục hành chính ở những lĩnh vực chịu sức ép lớn từ Chính phủ và từ dư luận xã hội, theo kiểu chạy theo vụ việc, thiếu bài bản, đối phó. Không ít tư lệnh ngành còn lơ là nhiệm vụ làm thể chế. Nghị quyết số 01-2018/NQ-CP và Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP của Chính phủ đặt ra yêu cầu, chậm nhất đến ngày 31/10 năm nay, phải ban hành xong các nghị định mới để đơn giản hóa và cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành. Nhưng cho đến nay, ít nhất có tới 4 bộ, ngành còn chưa rà soát và xây dựng phương án đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, 4 bộ ngành khác còn chưa xây dựng được dự thảo nghị định...
Để có thể giám sát tốt hơn việc thực thi chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, báo chí cần phải làm gì?
Những tồn tại, hạn chế đã được báo chí phản ánh cho thấy vẫn còn rất nhiều dư địa để Chính phủ tiếp tục công cuộc cải cách thể chế. Trong quá trình đó, không thể thiếu tiếng nói của giới báo chí, truyền thông trong việc giám sát và phản ánh sát thực tế thực thi các biện pháp cải cách mà Chính phủ đã đề ra tại các bộ, ngành và địa phương. Bởi thực tế có không ít đơn vị vẫn còn tìm cách “lách” để giữ lợi ích nhóm, không muốn “lấy đá ghè chân mình”. Tình trạng “luật ống, luật khung” hay tình trạng giấy phép con, cháu, thủ tục hành chính rườm rà đang có nguy cơ biến tướng, đè nặng lên doanh nghiệp và người dân. Việc giảm chi phí, cả chính thức và không chính thức, cho người dân và doanh nghiệp là một trong những thách thức không nhỏ để cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia trong thời gian tới.
Nếu như còn tồn tại những cản trở “hòn đá tảng” của thể chế thì khó có thể có những nỗ lực sáng tạo của các địa phương và cơ sở. Sự vào cuộc tích cực của báo chí sẽ tạo nên sức ép cải cách mạnh mẽ, dồn sức nóng lên lãnh đạo, thủ trưởng các đơn vị từ cấp trung ương cho tới địa phương, từ cấp tỉnh cho tới cấp quận/huyện, xã/phường, từng cán bộ công chức, viên chức...
Những phản ánh của báo chí đang được Chính phủ theo dõi, tổng hợp, cập nhật từng ngày từng giờ khiến cho công cuộc cải cách không được ngơi nghỉ. Gần đây, các bộ, ngành, địa phương đã bắt đầu chủ động thiết lập một bộ phận thường xuyên cập nhật những thông tin phản ánh hàng ngày của báo chí về bộ, ngành và địa phương mình để xử lý kịp thời. Đây là động thái tích cực của chính quyền cấp trung ương và địa phương, lắng nghe và ghi nhận ý kiến phản ánh tích cực từ báo chí và các cơ quan truyền thông. Trong thời gian tới, các cấp chính quyền cần phản ứng và giải quyết các khó khăn, vướng mắc của người dân và doanh nghiệp nhanh nhạy và hiệu quả hơn, nhằm thiết lập một môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, từ đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Xin cảm ơn Ông!