Không lo thiếu nhân lực cho phục hồi

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dịch bệnh Covid-19 cùng với thực hiện giãn cách xã hội kéo dài đã buộc người lao động phải tìm công việc khác để làm, hoặc rời các khu công nghiệp về quê, khiến doanh nghiệp (DN) bị thiếu hụt lao động. Điều này đặt ra không ít lo ngại về việc Việt Nam sẽ bị thiếu hụt lao động cho quá trình phục hồi kinh tế. Nhưng theo nhận định của Viện Khoa học Lao động và Xã hội, chúng ta không lo ngại đứt gãy nguồn nhân lực hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Tốc độ phục hồi kinh tế nhanh khiến nhu cầu lao động có kỹ năng ngày càng tăng. Ảnh: Song Lê
Tốc độ phục hồi kinh tế nhanh khiến nhu cầu lao động có kỹ năng ngày càng tăng. Ảnh: Song Lê

Thị trường lao động có tín hiệu khởi sắc

Triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ngay cuối năm 2021, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã xây dựng và ban hành Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động. Với một loạt nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, đến nay, việc thực hiện Chương trình đã mang lại những kết quả tích cực.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Lưu Quang Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội thuộc Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, vấn đề nhân lực phục vục quá trình phục hồi kinh tế đến nay không đáng lo ngại.

Theo ông Tuấn, trong giai đoạn đầu của quá trình phục hồi, tại các DN, nhất là trong các khu công nghiệp lớn có xảy ra hiện tượng thiếu hụt lao động. Nguyên nhân chủ yếu là do sau Tết, một bộ phận lao động trở về quê đón Tết và tránh dịch Covid-19 đã tìm được việc làm mới với mức thu nhập hấp dẫn, được làm việc gần gia đình. Nhiều DN có nhu cầu mở rộng sản xuất, tuyển dụng thêm lao động. Giá cả các mặt hàng tăng cao, mức lương của người lao động không đủ trang trải chi phí cuộc sống, nên không dám trở lại thành phố lớn, khu công nghiệp...

“Đến thời điểm này, về cơ bản các khu công nghiệp và DN đã có đủ lao động, thậm chí có những địa bàn như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Bình Dương… lao động đã tăng quy mô so với trước dịch”, ông Tuấn thông tin.

Theo lãnh đạo Viện Khoa học Lao động và Xã hội, các chính sách hỗ trợ người dân và DN của Chính phủ đi vào thực thi đã giúp khôi phục nguồn nhân lực cho sản xuất kinh doanh. Cụ thể, trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ có chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đang ở thuê, ở trọ, có quan hệ lao động, làm việc trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm nên khiến người lao động yên tâm làm việc. Bên cạnh đó, tỷ lệ bao phủ vaccine trong dân số cao; các cơ sở y tế cũng như bản thân DN cũng rất quan tâm đến phòng dịch cho sản xuất để thích ứng với tình hình mới…

Báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH vừa đưa ra tại cuộc họp về tình hình lao động việc làm và các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì diễn ra cách đây ít ngày cho thấy, dù vẫn còn thiếu hụt lao động cục bộ ở một số địa bàn, khu vực, song thị trường lao động những tháng đầu năm 2022 đã có những tín hiệu khởi sắc.

Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương công bố cuối tháng 3 cho thấy, nguồn nhân lực của Việt Nam hiện khá dồi dào song họ chưa sẵn sàng cho chuyển đổi số.

Các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế của Quốc hội, Chính phủ đã tạo động lực cho khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh trong quý I/2022, đồng thời tác động tích cực đến lao động, việc làm, nhu cầu tuyển dụng lao động trong các doanh nghiệp.

Số người từ 15 tuổi trở lên quay trở lại thị trường lao động ngày càng tăng góp phần phát triển nguồn cung lao động. Xu hướng chuyển dịch cơ cấu lao động quay trở lại với chiều hướng phát triển tích cực, giảm tỷ trọng lao động trong ngành nông nghiệp và tăng lao động trong ngành dịch vụ, thương mại.

Cùng với đó, thu nhập của người lao động được cải thiện, tăng nhiều so với quý IV/2021 và cùng kỳ năm trước; số lao động thất nghiệp, thiếu việc làm giảm dần…

Lấp lỗ hổng thiếu hụt nhân lực chất lượng cao

Như vậy, về cơ bản, Việt Nam không quan ngại về vấn đề thiếu hụt lao động đáp ứng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng, tốc độ phục hồi kinh tế có thể bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố khi nhu cầu lao động có kỹ năng ngày càng tăng. Tình trạng thiếu lao động chất lượng cao vẫn tiếp diễn, bởi đây không chỉ do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 gây ra mà là vấn đề đặt ra từ lâu.

Ông Nguyễn Bá Diệp, nhà sáng lập - Phó Chủ tịch HĐQT Momo cho rằng, khi kinh tế số càng phát triển thì nhu cầu lao động chất lượng cao càng tăng, đặc biệt là nhân sự liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin và những lĩnh vực quản lý khác. “Ngay cả Momo cũng phải tuyển mộ nhân sự từ nước ngoài về”, ông Diệp cho hay.

Liên quan vấn đề này, một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) công bố cuối tháng 3 cho thấy, nguồn nhân lực của Việt Nam hiện khá dồi dào song họ chưa sẵn sàng cho chuyển đổi số (CĐS). Trình độ chuyên môn kỹ thuật của nguồn nhân lực Việt Nam tuy được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều bất cập, thể hiện ở tỷ lệ người lao động được đào tạo chuyên môn kỹ thuật còn thấp và chưa đáp ứng được yêu cầu của cải cách kinh tế nói chung và CĐS nói riêng.

Bên cạnh đó, theo ông Tuấn, Việt Nam cũng đã qua thời kỳ dân số vàng. Vấn đề già hóa dân số diễn ra từ năm 2011 tác động đến quy mô thị trường lao động. Nếu giai đoạn 2015 về trước, bình quân mỗi năm quy mô lao động tăng từ 900.000 - 1.000.000 người/năm thì hiện nay chỉ tăng từ 400.000 - 600.000 người/năm. Khi quy mô nền kinh tế mở rộng thì DN thiếu lao động, kể cả lao động phổ thông cũng như lao động chất lượng cao.

Để lấp khoảng trống thiếu hụt lao động có chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước hướng tới nền kinh tế xanh, đổi mới sáng tạo như mục tiêu đặt ra, nhiều chuyên gia lao động cũng như chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam cần đặc biệt chú ý đến vấn đề đào tạo nhân lực.

“Hướng tới phát triển kinh tế xanh, đổi mới sáng tạo thì cần chú ý đến vấn đề đào tạo. Cùng với đó, xây dựng văn hóa cho người lao động và đối tác tham gia vào thị trường để có hành động hướng tới một nền kinh tế xanh, phát triển bền vững”, ông Tuấn gợi ý.

Đồng tình với quan điểm này, ông Lưu Đức Khải, Phó Trưởng ban Ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội của CIEM cho rằng, Chính phủ cần có những định hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó phát triển nguồn nhân lực trong CĐS với việc đưa vào giảng dạy các kiến thức liên quan tới CĐS, chú trọng các hoạt động thực hành khoa học công nghệ. Cùng với đó, thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển, nâng cao khả năng ứng dụng CĐS cho các DN…

Tại Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động, Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh nhiệm vụ tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng lao động đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển thị trường lao động cũng như phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, lành mạnh và ổn định nhằm quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực…

Chuyên đề