Khơi thông ách tắc cho các dự án truyền tải điện

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Để giải tỏa công suất lắp đặt các dự án điện năng lượng tái tạo (NLTT), chuẩn bị hạ tầng truyền tải cho dòng điện từ lĩnh vực năng lượng mới, tiến tới giải quyết triệt để tình trạng thiếu điện vào mùa hè, hàng loạt công trình truyền tải điện đã được đầu tư trong những năm qua. Tuy nhiên, nhiều dự án vẫn chưa thể đưa vào vận hành, khai thác do vướng thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thủ tục đầu tư kéo dài, giải phóng mặt bằng (GPMB) chậm…
Thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng là vấn đề nan giải đối với nhiều dự án lưới điện. Ảnh: Lê Tiên
Thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng là vấn đề nan giải đối với nhiều dự án lưới điện. Ảnh: Lê Tiên

Vướng mắc từ Bắc vào Nam

Dự án Đường dây 220 kV Bắc Giang - Lạng Sơn là công trình điện quan trọng nằm trong Chiến lược phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 (Quy hoạch điện VII), bao gồm đường dây 220 kV Bắc Giang - Lạng Sơn và trạm biến áp (TBA) 220 kV Lạng Sơn. Dự án do Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) làm Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) đại diện Chủ đầu tư quản lý Dự án, với mục tiêu đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải của tỉnh Lạng Sơn và các khu vực lân cận. Nhà thầu thi công phía Lạng Sơn là Công ty CP Licogi 16 (nay là Công ty CP Lizen), phía Bắc Giang là Công ty CP Thái Bình Dương. Theo kế hoạch, Dự án khởi công cuối năm 2017, đưa vào vận hành khai thác cuối năm 2019. Tuy nhiên, do vướng mắc về mặt bằng, công trình chậm tiến độ 3 năm 7 tháng khiến mục tiêu ban đầu không thể thực hiện.

Đại diện CPMB cho biết, trong các địa phương triển khai dự án do Ban làm đại diện chủ đầu tư, chưa có địa phương nào khó khăn về GPMB như Lạng Sơn. Dự án được triển khai từ Quy hoạch điện VII nhưng đến khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt mới thi công xong.

Bên cạnh trở ngại về mặt bằng tại dự án trên, CPMB cũng đang gặp khó tại nhánh rẽ 500 kV thuộc Dự án TBA 500 kV Chơn Thành và đấu nối. “Phần trạm biến áp 500 kV và đấu nối đã hoàn thành. Tuy nhiên, phần nhánh rẽ 220 kV vướng mặt bằng tại 3 vị trí móng trụ khiến công trình chậm tiến độ 2 năm, không phát huy được hiệu quả kinh tế của Dự án.

Tại khu vực Tây Nguyên, EVNNPT đang đầu tư xây dựng Dự án Đường dây 220 kV Pleiku 2 - Krông Buk mạch 2, Dự án TBA 220 kV An Khê và đấu nối. Tuy nhiên, công tác bồi thường, GPMB đang cản tiến độ các dự án. Trong đó, đường dây 220 kV Pleiku 2 - Krông Buk mạch 2 có 127 vị trí móng trụ đi qua tỉnh Gia Lai mới bàn giao hơn 40 vị trí, kiểm kê mới được 764/1.908 hộ dân trong hành lang tuyến. Dự án TBA 220 kV An Khê và đấu nối được khởi công tháng 7/2023, dự kiến hoàn thành trong quý IV/2023 nhưng giá đất chưa phê duyệt nên không có cơ sở lập, trình và phê duyệt phương án bồi thường theo quy định.

Trong 9 tháng năm 2023, EVN và các đơn vị thành viên đã khởi công 50 công trình và hoàn thành đóng điện, đưa vào vận hành 60 công trình lưới điện từ 110 kV đến 500 kV (bao gồm: 1 công trình 500 kV, 9 công trình 220 kV và 50 công trình 110 kV), trong đó đã đóng điện giai đoạn 1 Dự án Treo dây mạch 2 đường dây 220 kV Dốc Sỏi - Quảng Ngãi; đóng điện đường dây và trạm biến áp 110 kV Yên Bình 8, tỉnh Thái Nguyên; đóng điện đường dây và trạm biến áp 110 kV Đồng Sóc; đóng điện Dự án Lắp đặt máy biến áp T3 TBA 110 kV Minh Hải, tỉnh Hưng Yên.

Tại miền Trung, Quảng Nam là một trong những địa phương có hệ thống truyền tải điện quốc gia đi qua nhiều nhất. Có thể kể đến Dự án Hạ tầng truyền tải Trạm cắt 220 kV Đăk Ooc và các đường dây 220 kV đấu nối; Dự án Đường dây 500 kV Monsoon - Thạnh Mỹ để phục vụ mua điện từ Lào; Dự án Mở rộng ngăn lộ và cải tạo TBA 500 kV Thạnh Mỹ và đường dây 220 kV Thạnh Mỹ - Duy Xuyên... Tuy nhiên, hiện các dự án này đều gặp vướng mắc trong bồi thường GPMB và chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng. Theo EVNNPT, Dự án Đường dây 500 kV Monsoon - Thạnh Mỹ sẽ được khởi công tháng 12/2023, nhưng đến nay Quảng Nam vẫn chưa phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cho Dự án.

Loạt khó khăn cần tháo gỡ

Theo báo cáo của EVNNPT, trong năm 2022 - 2023, đơn vị tập trung bảo đảm tiến độ hoàn thành các công trình quan trọng nâng cao năng lực lưới điện truyền tải và cung cấp điện như: Đường dây 500 kV Nho Quan - Phủ Lý - Thường Tín; các đường dây đấu nối sau các TBA 500 kV Đức Hòa, Chơn Thành, Long Thành; đường dây 220 kV Chơn Thành - Bến Cát; các TBA 220 kV Văn Điển, Khu kinh tế Nghi Sơn, Vũng Áng, Phố Cao; lắp đặt tụ bù ngang trên hệ thống điện miền Bắc. Bảo đảm tiến độ các công trình đấu nối, giải tỏa công suất các nguồn điện như đường dây 220 kV Hải Dương - Phố Nối; đường dây 500 kV sông Hậu - Đức Hòa; các đường dây đấu nối giải tỏa công suất các nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3, 4; các công trình phục vụ giải tỏa công suất các nguồn NLTT như nâng công suất các TBA 500 kV Pleiku 2, Đăk Nông; các TBA 220 kV Vĩnh Châu, Duyên Hải, Năm Căn; các đường dây 220 kV Nha Trang - Tháp Chàm, Quảng Ngãi - Quy Nhơn…

Trong quá trình triển khai các dự án này, EVNNPT cho biết, cả chủ đầu tư, nhà thầu thi công phải đối mặt với nhiều thách thức rất lớn, nhất là mặt bằng. Những vướng mắc này vẫn đang tiếp diễn và cần nhanh chóng tháo gỡ.

Trong công tác bồi thường GPMB, theo quy định của pháp luật, Nhà nước chỉ thu hồi đất và bồi thường tài sản thiệt hại liên quan đến thu hồi đất nhưng chưa có quy định và hướng dẫn về bồi thường tài sản bị hư hại do quá trình thi công như đường vận chuyển, đào đất, bãi tập kết vật liệu, tiếp địa... Một vấn đề nan giải là thủ tục xin chủ trương và chuyển mục đích sử dụng rừng, trong đó, chuyển đổi rừng tự nhiên sang đất xây dựng dự án rất phức tạp do liên quan đến nhiều bộ, ngành, nhiều cấp kiểm tra, rà soát, thời gian kéo dài làm ảnh hưởng đến tiến độ phê duyệt dự án.

Ông Nguyễn Đức Tuyển, Giám đốc CPMB ghi nhận khó khăn trước hết là thời gian xử lý hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư của các địa phương kéo dài. Nguyên nhân là do lúng túng trong việc hướng dẫn, thực hiện các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư đồng thời với phê duyệt chủ trương đầu tư; thủ tục giao đất và cho thuê đất không qua đấu giá quyền sử dụng đất đối với các dự án đặc thù truyền tải điện.

“Đối với dự án đầu tư có chuyển mục đích sử dụng rừng, chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng là một nội dung trong chấp thuận chủ trương đầu tư dự án. Tuy nhiên, chưa có quy định hay hướng dẫn của cấp có thẩm quyền cho việc chuyển mục đích sử dụng rừng đối với phần diện tích làm hành lang tuyến, công trình tạm phục vụ thi công. Ngoài ra, thủ tục thuê đất, bàn giao đất trước khi thi công dự án cũng gặp vướng mắc”, ông Tuyển cho biết.

Vì vậy, ông Tuyển kiến nghị: “Đề cương nhiệm vụ tư vấn bao gồm công tác chuyển đổi mục đích sử dụng rừng cần được phê duyệt sớm để góp phần thúc đẩy quá trình phê duyệt chủ trương đầu tư. EVNNPT báo cáo Chính phủ sớm ban hành nghị định hướng dẫn về việc chuyển mục đích sử dụng rừng đối với các công trình tạm (đường công vụ, vệt kéo dây, bãi tập kết vật liệu) để phục vụ thi công các dự án lưới điện truyền tải, đảm bảo tính khả thi khi thực hiện thi công các đoạn tuyến phải vượt rừng”.

Chuyên đề