Từ ngày 11/5 đến nay, thép trong nước đã có 9 lần liên tiếp được giảm giá với tổng mức giảm cao nhất khoảng 3,3 triệu đồng/tấn. Ảnh: Nhã Chi |
Nếu như trong quý I/2022, ngành thép đâu đó vẫn được hưởng vị ngọt từ năm 2021 thì khi bước sang quý II, đặc biệt trong cuối tháng 5 và tháng 6, các doanh nghiệp thép đối diện với rất nhiều khó khăn. Giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất như than, dầu, khí đều tăng cao. Đơn cử như giá than cốc tăng từ mức 213 USD/tấn vào tháng 12/2021 lên 635 USD/tấn vào tháng 3/2022 và duy trì ở mức trên 500 USD/tấn trong tháng 5 và 6/2022. Từ ngày 11/5 đến nay, thép trong nước có 9 lần liên tiếp được giảm giá với tổng mức giảm cao nhất khoảng 3,3 triệu đồng/tấn, tùy từng thương hiệu, loại thép và vùng miền. Điều đó khiến biên lợi nhuận gộp của nhiều doanh nghiệp suy giảm.
Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC vừa công bố kết quả kinh doanh quý II/2022 với doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 6.620 tỷ đồng, tăng trưởng 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Với biên lợi nhuận gộp chỉ còn 3,09%, thấp hơn mức 11,6% quý II/2021, lợi nhuận gộp của SMC giảm tới 70% xuống còn 205,4 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các khoản chi phí (tài chính, bán hàng...) lợi nhuận trước thuế của SMC đạt 63,6 tỷ đồng, bằng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, doanh thu của SMC đạt 13.250 tỷ đồng, tăng 20,2% nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 156 tỷ đồng, bằng 17,3% cùng kỳ năm 2021.
Trong quý II/2022, biên lợi nhuận gộp của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái từ 12,9% về chỉ còn 1,5%. Do vậy, dù tiết giảm chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí tài chính nhưng lợi nhuận trước thuế của TISCO chỉ bằng 14% con số thực hiện quý II/2021. 6 tháng đầu năm, TISCO ghi nhận 6.922 tỷ đồng doanh thu, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận trước thuế đạt 47,8 tỷ đồng, giảm 62,4%.
Nhiều doanh nghiệp khác cũng công bố kết quả kinh doanh thiếu tích cực sau 6 tháng đầu năm nay như Công ty CP Gang thép Cao Bằng ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 39,1 tỷ đồng (bằng 18% kết quả đạt được 6 tháng 2021), Công ty CP Thép Mê Lin ghi nhận 15,5 tỷ đồng (bằng 32%), Công ty CP Thép Thủ Đức - VNSTEEL đạt 7,5 tỷ đồng (bằng 12,7%), Công ty CP Thép tấm lá Thống Nhất đạt 4,2 tỷ đồng (bằng 38,5%).
Chia sẻ tại Tọa đàm “Tháo gỡ khó khăn để ngành thép phát triển bền vững” diễn ra cuối tháng 6, ông Trịnh Tiến Anh, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Thép đặc biệt Shengli Việt Nam cho hay: “Tại thời điểm này, hàng tồn kho của Shengli Việt Nam rất cao do nhu cầu về thép xây dựng thấp. Để tháo gỡ, doanh nghiệp bắt buộc phải phải cắt giảm sản xuất từ 3 ca/ngày xuống còn 2 ca/ngày, thậm chí có những giai đoạn phải dừng sản xuất”.
Nhận định về diễn biến giá thép, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng, thị trường thép nửa cuối năm sẽ khó khăn hơn khi dự báo giá thép xây dựng trong nước sẽ tiếp tục giảm, thậm chí có thể kéo dài đến hết quý III, trong khi lợi nhuận mảng xuất khẩu thép không còn tốt như trước.
Thực tế, 6 tháng đầu năm, thị trường thép trong nước đã chứng kiến nhiều biến động mạnh về giá. 3 tháng đầu năm, giá thép đã có 7 đợt tăng nóng và chạm mốc 19 - 19,5 triệu đồng/tấn, thậm chí lên ngưỡng 20 - 21 triệu đồng/tấn. Nhưng trong vòng hơn 2 tháng qua, giá thép trong nước liên tiếp giảm giá, xuống còn khoảng trên dưới 16 triệu đồng/tấn tùy loại và thương hiệu. VSA cho rằng giá thép sẽ tiếp tục giảm, thậm chí có thể kéo dài đến hết quý III.