Khẩn trương hỗ trợ để doanh nghiệp phục hồi

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cộng đồng doanh nghiệp (DN) đánh giá cao Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng như chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Song đến nay, nhiều chính sách vẫn chưa có hướng dẫn thực thi, một số vướng mắc vẫn chưa được tháo gỡ. Báo Đấu thầu trân trọng giới thiệu ý kiến của các DN xung quanh nội dung này.

“Nhanh chóng hỗ trợ dòng tiền, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp”

Ông Trần Thọ Huy, Tổng giám đốc Công ty CP Thang máy Thiên Nam

Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, cần nhanh chóng hỗ trợ dòng tiền, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho DN đầu tư, kinh doanh.

Hiện tại, DN rất mong mỏi các cơ chế, chính sách theo Nghị quyết 43/2022/QH15 sớm được thực thi. Đơn cử như chính sách gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, chính sách hỗ trợ lãi vay 2% cho các DN chịu tác động bởi dịch Covid-19. Sau dịch, nhiều DN gặp khó khăn về tài chính và dòng tiền nên chính sách giãn nộp thuế GTGT, thuế thu nhập DN rất cần thiết.

Hiện không ít DN sản xuất khó tiếp cận vốn vay ngân hàng. Do đó, cần tạo điều kiện đẩy nhanh tốc độ giải ngân gói hỗ trợ lãi suất. Theo tôi, cần thực hiện nhanh, hiệu quả gói 40 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, phục hồi…

Đặc biệt, các dự án quan trọng quốc gia có tác động lan tỏa, có khả năng giải ngân nguồn vốn nhanh và hấp thụ ngay vào nền kinh tế cần được triển khai nhanh để tạo động lực kéo nhiều lĩnh vực khác phục hồi.

“Mong sớm hiện thực hóa các chính sách đồng hành cùng doanh nghiệp xây lắp ngành giao thông”

Ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành

Trong thời gian qua, một số chính sách hỗ trợ DN bị ảnh hưởng dịch bệnh chậm được hướng dẫn thực hiện nên DN chưa được hưởng lợi từ các chính sách này. Hiện nay, DN mới được hưởng lợi từ Chương trình hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Nhờ Chính phủ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và một số chương trình kích cầu nên cơ hội việc làm của DN ngành giao thông tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, niềm vui này chưa được trọn vẹn khi đơn giá, định mức còn lạc hậu, thấp so với thực tế khiến DN càng làm càng lỗ, càng bị cạn kiệt nguồn lực tài chính. Thời gian qua, nhiều DN, hiệp hội ngành nghề đã “kêu cứu” về vấn đề này. Lãnh đạo Chính phủ đã có những chỉ đạo tháo gỡ khó khăn nhưng việc ban hành chính sách sửa đổi, bổ sung để giải quyết rất hạn chế. Định mức, đơn giá vẫn xa rời thực tế. DN mong muốn Nhà nước sớm có chỉ đạo tháo gỡ khó khăn về đơn giá, định mức một cách triệt để, nhanh, gọn để các chính sách thiết yếu này sớm đi vào cuộc sống, giúp DN giao thông đủ sức vượt qua khó khăn, xây dựng các công trình trọng điểm đảm bảo tiến độ và chất lượng.

“Coi doanh nghiệp là trung tâm để phát huy hiệu quả chuyển đổi số”

Ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM

Khó khăn hiện nay đối với DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa chính là thiếu nguồn lực, hạn chế về mặt thông tin và tiếp cận công nghệ. Một thách thức khác đặt ra là các DN nhỏ và vừa gần như chưa có kênh để kết nối với đối tác chuyển đổi số uy tín. Do đó, khách quan đánh giá, vẫn còn hàng vạn DN nhỏ và vừa đứng ngoài cuộc, không nắm bắt được những ưu đãi, chính sách hỗ trợ để tận dụng, bứt phá nếu không có lực lượng kết nối, trao đổi.

Chỉ tính riêng lĩnh vực chuyển đổi số, hiện nay, các chính sách hỗ trợ DN được ban hành khá nhiều. Tuy nhiên, khảo sát của Hiệp hội DN TP.HCM cho thấy, đa phần DN nhỏ và vừa vẫn chưa thể tiếp cận hiệu quả với các chính sách này. Do đó, cần thay đổi phương thức đồng hành cùng DN theo hướng gắn kết, hỗ trợ chi tiết để DN thích ứng, nắm bắt cơ hội trong cách mạng số. Bên cạnh đó, cần có cơ chế đột phá, dẫn dắt, tạo điều kiện cho DN tham gia hệ sinh thái chuyển đổi chung, phát huy hiệu quả của các quỹ phát triển khoa học công nghệ và hỗ trợ một phần kinh phí để thúc đẩy chuyển đổi số đến từng DN nhỏ và vừa. Coi DN là trung tâm hưởng lợi từ chuyển đổi số, từ đó DN mới thực sự có đà để phục hồi hiệu quả sau đại dịch.

“Chi tiết hóa quy định, doanh nghiệp bớt rủi ro”

Ông Trần Tử Dũng, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Xây dựng đô thị Sài Gòn

Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội có hiệu lực thi hành từ ngày 28/1/2022. Theo đó, quy định chính sách giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) xuống 8% đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất GTGT 10%. Tuy nhiên, việc chưa có văn bản hướng dẫn áp dụng thi hành chi tiết, cụ thể đang gây khó khăn cho các dự án, công trình xây dựng. Hệ quả là những gói thầu đã ký kết trước thời điểm Nghị định số 15/2022/NĐ-CP có hiệu lực, đang triển khai thực hiện, thanh toán gặp vướng mắc dẫn đến chậm giải ngân đầu tư công.

Cụ thể, công trình xây dựng được cấu thành từ những sản phẩm/vật liệu đầu vào có thuế suất 8% và các mặt hàng/vật liệu đầu vào có thuế suất 10%. Tuy nhiên, giá trị hợp đồng xây dựng lại không thể tách rời chi tiết các loại thuế suất này bởi thuế GTGT khi doanh nghiệp ký kết hợp đồng xây dựng và xuất hóa đơn thanh toán cho chủ đầu tư là cố định (8% hoặc 10%). Việc này dẫn đến khó khăn, lúng túng trong áp dụng quy định cho cả 2 bên (nhà thầu và chủ đầu tư). Trường hợp cơ quan thuế không xác định, hướng dẫn chính xác sẽ dẫn tới việc DN/chủ đầu tư bị kết luận sai phạm trong những kỳ kiểm tra/quyết toán thuế về sau.

“Thời hạn giãn nợ đã cận kề”

Ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hoàng Hà, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh

Khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, DN rất phấn khởi, mong mỏi được nhận hỗ trợ.

Tuy nhiên, đến nay đã giữa quý II/2022, việc thực thi Chương trình vẫn chưa được nhiều bộ, ngành hướng dẫn. DN mỏi mòn chờ đợi chính sách hỗ trợ để vượt qua khó khăn, hồi phục sản xuất kinh doanh, nhưng hiện giờ vẫn không biết mình có thuộc đối tượng được hưởng hay không.

Điều lo ngại nhất hiện nay đối với DN hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn, du lịch, vận tải - đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 - là thời hạn giãn nợ đến 30/6/2022 đã cận kề. Nếu phải trả một lúc cả gốc lẫn lãi của 2 năm thì rất nhiều DN rơi vào tình trạng nợ xấu. Một khi bị chuyển nhóm nợ, DN càng chồng chất khó khăn, muốn vay mượn để mở rộng sản xuất càng khó khăn hơn. Nếu không muốn rơi vào nhóm này, DN phải bán tài sản để tự cứu lấy mình. Trong 2 năm qua, doanh thu gần như không có. Gần đây bắt đầu có doanh thu thì phải thực hiện chính sách giảm giá để thu hút khách hàng. Do đó, khẩn thiết đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm báo cáo Chính phủ có phương án lùi việc trả nợ sang các năm sau. Ví dụ như gói vay 10 năm thì có thể cộng thêm 2 năm Covid-19 thành thời hạn 12 năm để trả cả gốc và lãi.

Chuyên đề