Kết nối hợp tác doanh nghiệp Việt Nam - Hoa Kỳ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với quan điểm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam và Hoa Kỳ đẩy mạnh hợp tác đầu tư - thương mại để khai phá những động lực tăng trưởng mới. Thời gian tới, Việt Nam sẽ tập trung thu hút đầu tư vào các lĩnh vực như: công nghệ cao, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, năng lượng xanh…
Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư Hoa Kỳ quan tâm đầu tư vào các dự án hạ tầng quy mô lớn của Việt Nam. Ảnh: Quý Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư Hoa Kỳ quan tâm đầu tư vào các dự án hạ tầng quy mô lớn của Việt Nam. Ảnh: Quý Bắc

Phát triển vượt bậc sau 30 năm bình thường hóa quan hệ

Nhìn lại gần 30 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, hai nước đã đạt được nhiều thành tựu về kinh tế, đầu tư và thương mại. Đặc biệt, tháng 9/2023, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã được nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện, tạo cột mốc lịch sử trong quan hệ song phương, thúc đẩy sự thịnh vượng chung của hai quốc gia.

Tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ 2024 (lần thứ 7) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội và Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Washington tổ chức ngày 27/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Hoa Kỳ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai, là thị trường xuất khẩu lớn nhất và là nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam.

Bất chấp những biến động của kinh tế thế giới, tổng đầu tư toàn cầu sụt giảm, Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 35 trong TOP 40 nước có quy mô kinh tế hàng đầu thế giới; TOP 20 về thu hút đầu tư nước ngoài và TOP 20 về kim ngạch xuất nhập khẩu trên thế giới. Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với gần 200 quốc gia, trong đó có hiệp định thương mại tự do với hơn 60 nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Có được thành tựu đó, theo Thủ tướng, không thể không nhắc đến đóng góp lớn của các DN, các nhà đầu tư đến từ Hoa Kỳ. Các dự án đầu tư chất lượng cao của DN Hoa Kỳ đã góp phần giúp Việt Nam chuyển dịch cơ cấu kinh tế tích cực, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp dược phẩm, ngành viễn thông và cơ sở hạ tầng. Tính đến tháng 10/2024, Hoa Kỳ có 1.400 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký gần 12 tỷ USD, đứng thứ 11/148 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.

Với Hoa Kỳ, Việt Nam đã vươn lên trở thành 1 trong 10 đối tác thương mại lớn nhất. Kim ngạch thương mại hai chiều đạt kỷ lục 110,8 tỷ USD năm 2023 và tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024 với kim ngạch hai chiều 10 tháng đầu năm đạt hơn 110,9 tỷ USD.

Việt Nam cũng là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Hoa Kỳ. DN và nhà đầu tư Hoa Kỳ đã có những đóng góp lớn vào sự phát triển và chuyển đổi của nền kinh tế Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam cũng có những DN lớn đã đầu tư vào Hoa Kỳ như Vinfast, CMC…

Cụ thể hóa cam kết bằng dự án, sản phẩm

Trước cộng đồng DN Hoa Kỳ tại Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là các DN Hoa Kỳ. Bên cạnh việc làm mới động lực tăng trưởng truyền thống, Việt Nam sẽ tập trung thúc đẩy và thu hút đầu tư vào những động lực tăng trưởng mới như: kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, năng lượng tái tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao và chuỗi cung ứng toàn cầu. Thủ tướng nhấn mạnh, hai bên cần đẩy mạnh kết nối, hợp tác trên cơ sở “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

Trong thời gian tới, theo Thủ tướng, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực. Về thể chế, tập trung cải cách thủ tục hành chính với tinh thần 3 “thông”, gồm: “thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh”, nhằm giảm chi phí đầu vào, chi phí tuân thủ, chi phí logistics cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, Thủ tướng kêu gọi DN, nhà đầu tư Hoa Kỳ quan tâm đầu tư vào các dự án hạ tầng quy mô lớn của Việt Nam nhằm “chuyển đổi trạng thái, xoay chuyển tình thế” như: đường sắt, đường bộ cao tốc; nhà máy điện nguyên tử; hàng không, hàng hải…; không gian vũ trụ; hệ thống ngầm; trung tâm trung chuyển quốc tế…

Cùng với đó, Thủ tướng cũng mong muốn Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ hơn nữa cho Việt Nam trong xây dựng thể chế, dành nguồn vốn ưu đãi, đào tạo nguồn nhân lực và quản trị hiện đại; sớm công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường và gỡ bỏ các hạn chế liên quan đến xuất khẩu công nghệ cao với Việt Nam, vì lợi ích chung của cả hai đất nước và nhân dân hai nước.

Đánh giá tầm nhìn về kinh tế số, kinh tế xanh, công nghệ cao…, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper tin rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được các mục tiêu đã định. Với mong muốn cùng hướng tới sự thịnh vượng của hai dân tộc, Chính phủ Hoa Kỳ sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương, khu vực tư nhân để tạo dựng nền móng hợp tác vững chắc, sâu sắc giữa hai nước.

Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Hà Nội Joseph F. Uddo nhấn mạnh: “Với việc nâng cấp quan hệ vào năm ngoái và sự thay đổi chính quyền tại Hoa Kỳ, đây là thời điểm quan trọng và cơ hội tuyệt vời để cải thiện khung chính sách, thu hút thêm nhà đầu tư mới, cũng như hỗ trợ các nhà đầu tư và DN hiện đang hoạt động tại Việt Nam tiếp tục phát triển. Việc giải quyết các rào cản, thách thức được cộng đồng DN hai bên quan tâm sẽ cải thiện điều kiện kinh doanh, thúc đẩy giao thương và đầu tư song phương, đồng thời đẩy mạnh phát triển thịnh vượng tại Việt Nam”.

Đại diện cho cộng đồng DN Việt Nam, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI bày tỏ mong muốn, Chính phủ hai nước tiếp tục phát triển mối quan hệ hợp tác tốt đẹp trên cơ sở quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. “VCCI cam kết sẽ tiếp tục làm cầu nối hiệu quả giữa Chính phủ và DN, giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, đồng thời tạo ra những sân chơi, diễn đàn để DN hai nước có thể trao đổi, hợp tác và phát triển”, ông Công nói.

Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc

Để thúc đẩy hợp tác giữa cộng đồng DN hai nước, Chính phủ Hoa Kỳ cần cởi mở hơn về chính sách thị thực, cấp visa cho du học sinh, lao động, du lịch chữa bệnh… của Việt Nam. Không chỉ mua máy bay, khí hóa lỏng… của Hoa Kỳ, DN Việt Nam còn mong muốn tiếp nhận chuyển giao công nghệ cao như chip AI, thiết bị quân sự…

Virginia Foote, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Bay Global Strategies (nguyên Chủ tịch Hội đồng Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ)

Môi trường kinh doanh sẽ chi phối việc ra quyết định đầu tư. Chẳng hạn, Quốc hội Việt Nam đang chuẩn bị thông qua Luật Điện lực (sửa đổi). Kết quả của việc sửa đổi đó sẽ liên quan đến an ninh năng lượng, từ đó quyết định chừng mực đầu tư của DN Hoa Kỳ. Hay việc mua hàng từ Việt Nam, nhà thu mua Hoa Kỳ sẽ quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ, tính thân thiện với môi trường, tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo…

Chuyên đề