Quang cảnh họp báo giới thiệu Hội nghị APPF lần thứ 26. Ảnh: VGP |
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Hội nghị APPF-26, tháng 5/2017, Quốc hội Việt Nam đã tiếp nhận chức Chủ tịch APPF và quyền đăng cai tổ chức Hội nghị APPF-26 tại Việt Nam vào tháng 1/2018.
Hội nghị APPF-26 diễn ra từ 18-21/1/2018. Đây là lần thứ 2 Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị thường niên APPF.
Dự kiến các sự kiện chính thức của Hội nghị bao gồm các hoạt động như lễ khai mạc; tiệc chiêu đãi của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch APPF-26; các phiên toàn thể về các chủ đề chính trị an ninh, kinh tế thương mại, hợp tác khu vực…
Hội nghị cũng sẽ thông qua Thông cáo chung theo thông lệ.
Bên cạnh đó, để đánh dấu mốc 25 năm hình thành và phát triển của Diễn đàn APPF và nâng cao vai trò của APPF trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, Quốc hội Việt Nam sẽ đề xuất Tuyên bố APPF-26 Hà Nội gửi tới các Nghị viện thành viên để đóng góp ý kiến và trình Hội nghị APPF-26 thông qua.
Bản Tuyên bố sẽ là văn kiện khẳng định vai trò của APPF, nhấn mạnh cam kết của APPF và cũng như định hình tầm nhìn phát triển của APPF trong giai đoạn phát triển mới.
Cho tới nay đã có gần 20 nghị viện thành viên khẳng định sẽ tham dự Hội nghị APPF-26.
Diễn đàn APPF được thành lập 15/3/1993, do Cựu Thủ tướng Nhật bản Yasuhiro Nakasone đặt nền móng là một diễn đàn dành cho các nghị sỹ, nghị viện các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
APPF hiện có 27 nghị viện thành viên gồm: Australia, Campuchia, Canada, Costa Rica, Chile, Colombia, Trung Quốc, Ecuador, Fiji, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Malaysia, quần đảo Marshalls, Mexico, Micronesia, Mông Cổ, New Zealand, Papua New Guinea, Peru, Philippines, Nga, Singapore, Thái Lan, Hoa Kỳ và Việt Nam.
Việt Nam trở thành thành viên của APPF vào tháng 1/1995.