Hỗ trợ DN bằng chính sách minh bạch, dễ dự đoán

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2023, Chính phủ chọn ưu tiên hàng đầu vẫn là kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng nhiều ý kiến mong rằng, liều lượng chính sách cần phù hợp để có thể hỗ trợ doanh nghiệp chèo lái qua những biến động lớn. Đặc biệt, chính sách tiền tệ cần ổn định, dự báo được để doanh nghiệp có thể dự liệu kế hoạch sản xuất và kinh doanh.
Tỷ giá và lãi suất tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu gặp khó khăn. Ảnh: Tường Lâm
Tỷ giá và lãi suất tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu gặp khó khăn. Ảnh: Tường Lâm

Doanh nghiệp lo chưa làm gì đã lỗ

“Tôi vừa nhận được thông tin thiếu tích cực từ khách hàng, họ đang rà soát toàn bộ hàng tồn kho. Sắp Giáng sinh rồi nhưng vẫn tồn kho nhiều quá, nên họ dự kiến hủy đơn hàng đầu năm 2023 dù nguyên, phụ liệu đã đặt mua hoặc mua rồi. 10 - 15% khách hàng của chúng tôi yêu cầu ra Tết từ từ sản xuất”- ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết.

Theo ông Việt, năm nay, nhiều đơn vị trong ngành may thiếu đơn hàng từ tháng 7, tháng 8, nhưng May 10 vẫn có đơn hàng đến Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, tình hình năm sau sẽ khó khăn hơn rất nhiều, đặc biệt là quý I năm 2023 và có thể kéo dài sang quý II.

Nỗi lo thiếu đơn hàng một phần, nỗi lo lớn khác của lãnh đạo May 10 là tỷ giá, lãi suất tăng quá nhanh, quá mạnh. “Với tình hình vừa qua, không bị lỗ chênh lệch tỷ giá đã là may mắn. Tỷ giá tăng mạnh, thêm nữa lãi suất cũng tăng đột ngột trong tháng 9, tháng 10. Hiện nay với doanh nghiệp lớn như May 10, lãi suất ngắn hạn 7 - 8%, trung, dài hạn trên 10%, doanh nghiệp làm gì ra tăng trưởng trên 10%/năm? Cộng thêm thuế thu nhập doanh nghiệp, mọi chi phí đầu vào tăng, doanh nghiệp không cẩn thận chưa làm gì đã lỗ”, ông Thân Đức Việt chia sẻ. Đại diện May 10 cho biết, nhiều doanh nghiệp bảo nhau đóng cửa, nhưng đóng cửa thì công nhân đi đâu? Khi mở cửa lại không thu hút trở lại được lao động lành nghề thì cũng không thể làm được.

Thêm vào đó, điều mà May 10 cũng như nhiều doanh nghiệp khác lo lắng là không biết thời gian tới tỷ giá, lãi suất sẽ được điều hành như thế nào để có thể dự liệu kế hoạch đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

“Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có lộ trình rất rõ về tăng lãi suất, thông báo sớm trước 1 năm, gần như không thay đổi lộ trình của họ sau mỗi lần họp. Việt Nam cũng cần có dự báo sớm về chính sách tài khóa, tiền tệ năm sau. Điều này rất cần cho hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu”, ông Thân Đức Việt đề xuất.

Bàn về chính sách tiền tệ với ưu tiên kiểm soát lạm phát, PGS. TS. Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cũng lưu ý, chính sách tiền tệ phải tuân thủ quy tắc minh bạch, có giải trình rõ ràng, tránh chuyển từ thái cực này sang thái cực khác một cách đột ngột. Theo ông Thế Anh, một chính sách khó dự đoán, bất ngờ có thể tạo ra cú sốc với nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp không thể lập được kế hoạch kinh doanh dài hạn một cách ổn định.

Nhiều áp lực điều hành lạm phát, nhưng cân đối liều lượng

Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam cho thấy xu hướng tăng trưởng đang phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn đang đối mặt với hàng loạt yếu tố bất lợi, rủi ro và thách thức mới. Lạm phát toàn cầu tạo áp lực rất lớn lên lạm phát trong nước, Việt Nam có thể trì hoãn quá trình gia tăng lạm phát nhưng không tránh khỏi các tác động tiêu cực. Chính phủ đang phát đi thông điệp mạnh mẽ là việc ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát sẽ là ưu tiên hàng đầu. Do đó, khả năng tăng lãi suất là hoàn toàn có thể trong trường hợp cần thiết.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cũng dự báo, kinh tế Việt Nam năm 2023 nhiều khó khăn thách thức, tăng trưởng dự báo sẽ chậm lại, lạm phát cao hơn, kịch bản cơ sở là GDP tăng 6 - 6,5%, lạm phát tăng 4 - 4,5%. Mục tiêu tăng trưởng 6,5% là kịch bản khả quan nhất, phải hết sức phấn đấu mới có thể đạt được.

Về chính sách tiền tệ, theo ông Lực, lãi suất thời gian tới không thể và không nên tăng nhanh và mạnh nữa.

Ông Cấn Văn Lực cũng cho rằng, doanh nghiệp trong nước cũng không thể chịu được mức lãi suất cao hơn. “Kiên trì ổn định vĩ mô nhưng chọn giải pháp nào cần hết sức cân nhắc về cả liều lượng và thời điểm”, ông Lực khuyến nghị.

Chuyên đề