Hệ thống cảng biển khu vực Cái Mép - Thị Vải được đầu tư với quy mô hiện đại mang tầm vóc quốc tế. Ảnh: Trần Trang |
Hệ thống cảng biển phía Nam được quy hoạch đồng bộ gắn liền với các trung tâm, vùng kinh tế lớn, được kỳ vọng xác lập sức cạnh tranh quốc tế khi có cơ chế mở, thu hút nguồn lực đầu tư.
Chuyển động mới
Ngành logistics đường biển và nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, chế biến nông sản tại phía Nam đang dành sự chú ý lớn đến 2 dự án: Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (TP.HCM) và Cảng biển Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng). Nếu được đầu tư, trong tương lai các cảng biển trọng điểm này sẽ định hình 2 cửa ngõ vươn ra quốc tế cho vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Chuyển động mới nhất là giữa tháng 8/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà có ý kiến chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu có ý kiến về các kiến nghị, đánh giá trong Báo cáo thẩm định về việc đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn (Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ).
Trước đó, báo cáo thẩm định đối với hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án này đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn tất. Theo đó, mục tiêu của Dự án là xây dựng Cần Giờ trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế và khu vực. Còn theo Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được hoàn thiện, Thành phố định vị trở thành trung tâm trung chuyển mới, hàng đầu khu vực với hạt nhân là Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, quy mô dự kiến khoảng 600 ha. “Siêu dự án” này sẽ có khả năng tiếp nhận các tàu container lớn nhất thế giới, thúc đẩy hình thành trung tâm logistics quy mô lớn, kết nối đa phương thức tạo nên một hệ thống vận chuyển mạnh mẽ, hỗ trợ tốt giao thương, xuất nhập khẩu trong khu vực và toàn cầu. Thông tin của UBND TP.HCM cho thấy, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có tổng vốn đầu tư khái toán gần 129.000 tỷ đồng (tương đương 5,5 tỷ USD) do Tập đoàn MSC đề xuất đầu tư.
Báo cáo tại Phiên họp lần thứ 3 của Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM mới đây nêu rõ, sau khi có ý kiến của các bộ, ngành liên quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án này. Trên cơ sở chấp thuận chủ trương, UBND TP.HCM tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Về Cảng biển Trần Đề, tháng 8/2024, Bộ Giao thông vận tải có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ thống nhất sự cần thiết thực hiện Đề án Nghiên cứu tổng thể xây dựng bến cảng Trần Đề, cảng cửa ngõ vùng ĐBSCL. Việc nghiên cứu kỹ lưỡng, bài bản, chuyên sâu sẽ làm cơ sở triển khai các bước lập đề xuất chủ trương đầu tư, nghiên cứu tiền khả thi, nghiên cứu khả thi... UBND tỉnh Sóc Trăng chịu trách nhiệm về việc xây dựng đề án trên.
Trước đó, tháng 3/2024, tỉnh Sóc Trăng đã trình đề nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương lập Đề án Nghiên cứu tổng thể xây dựng bến cảng Trần Đề. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà có ý kiến chấp thuận chủ trương lập Đề án. Bộ Giao thông vận tải được giao chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan rà soát, làm rõ sự cần thiết xây dựng Đề án, cơ sở pháp lý và sản phẩm đầu ra của Đề án.
Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, Đề án sẽ đánh giá sự cần thiết, tính khả thi, hiệu quả đầu tư; nhu cầu vốn, phương án kết hợp vốn đầu tư công, đầu tư ngoài nhà nước, các nguồn vốn khác; khả năng tham gia của nhà đầu tư chiến lược; cơ chế, chính sách cần thiết để đầu tư cảng; dự kiến mục tiêu, quy mô, địa điểm và hình thức đầu tư… “Cảng biển Trần Đề được hoàn thành sẽ giải quyết cơ bản bài toán giảm chi phí logistics vùng ĐBSCL. Ngoài ra, cảng Trần Đề còn thu hút hàng hóa trung chuyển từ Campuchia qua tuyến đường thủy sông Mê Kông và tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Điểm nghẽn trong xuất nhập khẩu hàng hóa vùng ĐBSCL sẽ được tháo gỡ”, ông Lâu nói.
Được biết, đơn vị tư vấn đề xuất phương án quy hoạch khu bến cảng Trần Đề khoảng 5.400 ha, trong đó diện tích bến cảng ngoài khơi 1.400 ha, diện tích khu dịch vụ hậu cần cảng, logistics, cảng trung chuyển hàng hóa phía bờ 4.000 ha. Cảng này có thể tiếp nhận cỡ tàu container 100 - 200 nghìn DWT; tàu hàng rời đến 160 nghìn DWT; công suất thiết kế 80 - 100 triệu tấn/năm.
Cần khuyến khích đầu tư, biến tầm nhìn thành hiện thực
Những chuyển biến tại 2 đề án trên là chỉ dấu cho thấy nỗ lực hiện thực hóa tầm nhìn phát triển hệ thống hạ tầng cảng biển Việt Nam nói chung và phía Nam nói riêng.
Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định, cảng biển TP.HCM là cảng biển đặc biệt, nằm trong nhóm 4 và nhóm 5. Cụ thể, nhóm cảng biển số 4 gồm 5 cảng (TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và Long An); nhóm cảng biển số 5 gồm 12 cảng (Cần Thơ, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang).
Với nhóm cảng biển số 4, để đạt mục tiêu hàng hóa thông qua từ 500 đến 564 triệu tấn năm 2030 và đến năm 2050 đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 3,5 đến 3,8%/năm thì phải hoàn thành đầu tư các bến cảng Cái Mép Hạ, tiếp tục đầu tư Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Qua đó hình thành cụm cảng trung chuyển quốc tế quy mô lớn có tầm cỡ khu vực châu Á và quốc tế tại cửa sông Cái Mép (bao gồm khu bến Cái Mép và Cần Giờ).
Với nhóm cảng biển số 5, mục tiêu đến năm 2030 hàng hóa thông qua từ 86 đến 108 triệu tấn, đến năm 2050 đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân 5,5 đến 6,1%/năm. Bên cạnh đầu tư các cảng biển thì tập trung đầu tư phát triển cảng Trần Đề thành cảng đặc biệt và hình thành cửa ngõ khu vực ĐBSCL.
Thời gian qua, hạ tầng cảng biển phía Nam có sự phát triển nhanh, thu hút được 40 hãng tàu lớn trên thế giới vào hoạt động. Đáng chú ý, các cảng biển lớn với vai trò là đầu mối xuất, nhập khẩu tạo động lực phát triển toàn vùng như: các cảng biển trên địa bàn TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai gắn với vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ; cảng biển Cần Thơ, An Giang gắn với vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL. Đặc biệt, hệ thống cảng biển khu vực Cái Mép - Thị Vải được đầu tư với quy mô hiện đại mang tầm vóc quốc tế. Ông Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải từng đánh giá, phát triển hệ thống cảng biển đạt kỳ tích với phương châm hạ tầng cảng biển đi trước một bước.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, hệ thống cảng biển phía Nam với 2 nhóm cảng biển số 4, số 5 có tiềm năng lớn và điều kiện phát triển nhanh bởi sự tập trung về dân số, thị trường và vị trí cảng nước sâu khai thác được tàu hàng container lớn. Về giải pháp thực hiện, cần có cơ chế khuyến khích đầu tư, khai thác cảng biển theo hướng xanh, thông minh, thân thiện với môi trường. Thực tế cho thấy, chính sách đa dạng hóa nguồn vốn cho hạ tầng cảng biển đã tạo sức hút mạnh mẽ các nguồn lực để phát triển. Thời gian qua, ngoài nguồn lực trong nước, cảng biển phía Nam đã đón nhiều nhà đầu tư lớn, chuyên nghiệp trên thế giới tham gia đầu tư khai thác như: Tập đoàn Hutchison Port Holding (Hong Kong, Trung Quốc) đầu tư bến cảng SITV, Tập đoàn APMT (Đan Mạch) đầu tư khai thác tại cảng CMIT, Tập đoàn PSA (Singapore) đầu tư khai thác bến cảng SP - PSA tại Bà Rịa - Vũng Tàu...