Bên mời thầu: Công ty TNHH Phát triển xây dựng NTD
Chủ đầu tư: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Lâm (tỉnh Hưng Yên)
Nội dung kiến nghị/đề nghị làm rõ:
Tiêu chí HSMT:
Gói thầu nêu trên có giá dự toán 3,166 tỷ đồng, tại thời điểm đóng thầu có ba nhà thầu tham dự, Công ty CP Thương mại VISNAM xếp thứ nhất (giá dự thầu 2,224 tỷ đồng) và được mời đối chiếu tài liệu vào ngày 22/12/2024 tại trụ sở Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Lâm.
Công ty CP Thương mại VISNAM bị loại do đối chiếu tài liệu không thành công, Nhà thầu không cung cấp được bản gốc (bản cứng) các tài liệu mà Nhà thầu đã kê khai trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Kiến nghị/đề nghị làm rõ của nhà thầu:
Nhà thầu nhận thấy, quá trình đánh giá và công bố kết quả lựa chọn nhà thầu như trên là không hợp lý. Công ty CP Thương mại VISNAM đã cung cấp bộ hồ sơ đối chiếu tài liệu, trong đó bao gồm bản gốc (file scan) giấy chứng nhận ISO, giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm QCVN, kết quả thí nghiệm vật liệu của nhà sản xuất đối với danh mục hàng hóa Nhà thầu đề xuất trong HSDT và cung cấp bản chứng thực hợp lệ được cơ quan có thẩm quyền xác nhận tính pháp lý. Tuy nhiên, Chủ đầu tư, Bên mời thầu cho rằng, các tài liệu được công chứng, chứng thực không đảm bảo tính pháp lý trong việc đối chiếu HSDT, yêu cầu Nhà thầu phải xuất trình bản gốc (bản cứng) của các giấy tờ, tài liệu này.
Nhà thầu cho biết, bản gốc (bản cứng) giấy chứng nhận ISO, giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm QCVN và kết quả thí nghiệm vật liệu là các tài liệu thuộc sở hữu của nhà sản xuất, không thuộc sở hữu của nhà thầu thương mại. Mặt khác, theo quy định tại các mẫu HSMT ban hành kèm theo Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT, phạm vi nội dung đối chiếu tài liệu bao gồm thông tin về tính hợp lệ của HSDT, thông tin về năng lực, kinh nghiệm. Nhà thầu được mời vào đối chiếu tài liệu phải nộp một bộ tài liệu chứng minh tính hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm cho bên mời thầu để đối chiếu với thông tin nhà thầu kê khai trong HSDT. Như vậy, các nội dung đối chiếu tài liệu chỉ yêu cầu về tính hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu, không bao gồm các nội dung đề xuất về kỹ thuật liên quan đến chứng nhận của đơn vị sản xuất hàng hóa. Do đó, Nhà thầu cho rằng, yêu cầu này là bất hợp lý, có dấu hiệu lạm dụng để làm khó nhà thầu.
Bình luận, phân tích của chuyên gia:
Chuyên gia đấu thầu cho biết, về công chứng, chứng thực, Điều 3 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP quy định: “Giá trị pháp lý của bản sao được chứng thực từ bản chính theo quy định tại Nghị định này có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Trong pháp luật đấu thầu, các mẫu HSMT ban hành kèm theo Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT quy định, nhà thầu được mời vào đối chiếu tài liệu phải nộp một bộ tài liệu chứng minh tính hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm cho bên mời thầu để đối chiếu với thông tin nhà thầu kê khai trong HSDT. Trong đó, yêu cầu nộp bản gốc bảo đảm dự thầu (đối với trường hợp sử dụng thư bảo lãnh hoặc giấy chứng nhận bảo hiểm bảo lãnh bằng văn bản giấy).
“Như vậy, trừ trường hợp pháp luật đấu thầu yêu cầu bản gốc, đối với các tài liệu còn lại trong HSDT, tài liệu đối chiếu là bản sao được chứng thực từ bản chính. Chỉ trong trường hợp nghi ngờ về tính xác thực của các tài liệu do nhà thầu cung cấp, bên mời thầu mới có quyền yêu cầu nhà thầu xuất trình bản gốc để đối chiếu nhằm xác minh tính hợp pháp của các tài liệu này”, vị chuyên gia bình luận.
Trả lời, giải quyết kiến nghị/đề nghị làm rõ:
Ngày 27/12/2024, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Lâm trả lời kiến nghị Nhà thầu như sau:
Bên mời thầu gửi giấy mời đối chiếu tài liệu vào ngày 09/12/2024 cho Công ty CP Thương mại VISNAM, thời gian đối chiếu tài liệu là 9h00 ngày 12/12/2024. Ngay sau đó, ngày 10/12/2024 Nhà sản xuất đã hỗ trợ Nhà thầu mang tài liệu đi chứng thực. Bên mời thầu nhận thấy Nhà sản xuất đã hỗ trợ rất nhanh, kịp thời. Tuy nhiên, Bên mời thầu nhận thấy rằng cần đánh giá tính trung thực của các bản scan từ bản gốc các tài liệu của Nhà sản xuất như đã yêu cầu trong HSMT. Căn cứ vào thời gian mà Nhà sản xuất đã cung cấp bản chứng thực cho nhà thầu, Bên mời thầu đã tạo điều kiện cho Nhà thầu thời gian 02 ngày để bổ sung bản cứng các tài liệu của Nhà sản xuất (đúng như tài liệu Nhà thầu đã đăng tải trong HSDT) để đối chiếu bảo vệ quyền lợi của Chủ đầu tư/Bên mời thầu và đảm bảo quyền lợi của Nhà thầu, nhưng hết thời hạn trên Nhà thầu đã không cung cấp tài liệu để tiến hành đối chiếu. Tổ chuyên gia có đủ cơ sở để không chấp thuận HSDT của Nhà thầu. Chủ đầu tư cho biết, mục đích của các yêu cầu trong HSMT nhằm tìm được nhà thầu uy tín, có tài chính, năng lực, kinh nghiệm và có trách nhiệm cao thực hiện Gói thầu đảm bảo chất lượng.
Kết quả giải quyết kiến nghị/đề nghị làm rõ:
Sau khi Công ty CP Thương mại VISNAM bị loại, nhà thầu xếp thứ hai là Công ty TNHH DQTEC được mời vào đối chiếu tài liệu. Ngày 18/12/2024, Công ty TNHH DQTEC được phê duyệt trúng thầu với giá 2,974 tỷ đồng.