Gợi mở giải pháp thúc đẩy tín dụng xanh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chưa có quy định, định nghĩa cụ thể về các danh mục, ngành lĩnh vực xanh đang là vướng mắc lớn nhất đối với các ngân hàng trong việc thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh. Bà Tống Diệu Linh, Giám đốc Trung tâm Ngân hàng Giao dịch, Khối Thị trường tài chính VPBank chia sẻ với Báo Đấu thầu về kỳ vọng chính sách thúc đẩy tín dụng xanh trong thời gian tới.
Bà Tống Diệu Linh, Giám đốc Trung tâm Ngân hàng Giao dịch, Khối Thị trường tài chính VPBank
Bà Tống Diệu Linh, Giám đốc Trung tâm Ngân hàng Giao dịch, Khối Thị trường tài chính VPBank

Trước thực tế Việt Nam chưa có quy chuẩn cụ thể về dự án xanh, Ngân hàng đang xem xét cấp tín dụng xanh cho các doanh nghiệp/dự án theo quy chuẩn nào, thưa bà?

Trong khi Việt Nam chưa ban hành bộ Quy chuẩn về dự án xanh, VPBank đang áp dụng theo tiêu chuẩn xanh của IFC và Ngân hàng Thế giới (WB). Đây là bộ tiêu chuẩn được công nhận quốc tế với sự hướng dẫn chi tiết cho đa dạng các lĩnh vực xanh, bao gồm các nhóm Giảm thiểu biến đổi khí hậu (Mitigation), Thích ứng biến đổi khí hậu (Adaptation) và Khí hậu đặc biệt (Special Climate activities), đi kèm với các hướng dẫn cụ thể để nhận diện các tác động khí hậu trực tiếp, gián tiếp hoặc các dự án trong quá trình chuyển đổi xanh.

Thực tế, khi áp dụng tiêu chuẩn quốc tế cho thị trường Việt Nam, chúng tôi phải đối mặt với một số khó khăn như: trong một số lĩnh vực xanh các tiêu chí đặt ra bởi IFC có yêu cầu cao hơn so với thông lệ hoặc tiêu chuẩn trong nước, ví dụ đối với Công trình xanh IFC chỉ chấp thuận các công trình có chứng chỉ quốc tế ở hạng cao như EDGE, LEED, chưa chấp thuận chứng chỉ trong nước như Golden Lotus.

Chính phủ đã chỉ đạo việc xây dựng Quy chuẩn cho dự án xanh và bản dự thảo đã được Ban soạn thảo đưa ra để xin ý kiến của các bộ, ban ngành và các định chế tài chính, trong đó có VPBank. Các tiêu chuẩn xanh dự kiến đưa ra dựa trên các nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh của châu Âu (EU green Taxonomy), IFC và WB, Tổ chức Sáng kiến khí hậu toàn cầu (CBI), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và một số quốc gia trong khu vực châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Mông Cổ.

Theo bà, quy chuẩn về dự án xanh của Việt Nam cần hoàn thiện như thế nào để nhiều doanh nghiệp, dự án có cơ hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng xanh trong nước, quốc tế?

Chúng tôi mong rằng, Quy chuẩn của Việt Nam sẽ kế thừa được ưu điểm từ các bộ tiêu chuẩn quốc tế và có sự điều chỉnh riêng phù hợp với thị trường trong nước. Cụ thể, cần đảm bảo các nguyên tắc như danh mục phân loại xanh bao gồm các nhóm/loại hình dự án phù hợp với hệ thống phân ngành kinh tế của Việt Nam để các ngân hàng dễ nhận diện, triển khai và thống kê dữ liệu.

Bên cạnh đó, ngưỡng và chỉ tiêu tương ứng với tiêu chí sàng lọc cho dự án xanh cần đơn giản, khả thi để khuyến khích nhà đầu tư áp dụng được ngay. Tránh tình trạng quy định quốc tế về tín dụng xanh mang tính gợi mở, nhưng nguồn vốn xanh rót vào Việt Nam lại vướng do chính sách trong nước thắt chặt. Nếu như vậy, Việt Nam có thể bị bỏ lỡ cơ hội tiếp cận được nguồn vốn xanh quốc tế và dòng vốn này sẽ được phân bổ lại cho các quốc gia khác.

Cuối cùng, cần nhận diện đầy đủ và đa dạng các lĩnh vực xanh, lĩnh vực chuyển đổi xanh có tiềm năng tại Việt Nam. Ví dụ, lĩnh vực tái sử dụng chất thải và tái chế chất thải của dự thảo đang chỉ quy định áp dụng cho mã ngành 3830 Tái chế phế liệu. Nếu chỉ quy định cho mã ngành này thì sẽ thiếu đi một lĩnh vực lớn về hoạt động tái chế áp dụng nguyên tắc kinh tế tuần hoàn trong các ngành khác.

Ngành ngân hàng đặt mục tiêu đạt tỷ trọng tín dụng xanh 10% trong tổng vốn tín dụng nền kinh tế vào năm 2025. Tính đến tháng 6/2023, tín dụng xanh mới đạt 4,3 - 4,5%. Theo bà, cần thêm giải pháp gì để tín dụng xanh chảy mạnh từ nơi có vốn đến nơi cần vốn?

Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, bên cạnh việc xây quy chuẩn cụ thể về dự án xanh, chúng tôi cho rằng, cần có các cơ chế mang tính đồng bộ. Đầu tiên, thách thức lớn nhất là đầu tư xanh làm tăng mạnh chi phí đầu tư của khách hàng, trong khi Chính phủ chưa có chính sách bắt buộc chuyển đổi xanh cho các doanh nghiệp. Nếu chỉ có sự nỗ lực một chiều từ phía ngân hàng thì tín dụng xanh sẽ khó tăng trưởng một cách nhanh chóng.

Bên cạnh đó, về phía hỗ trợ cho các ngân hàng, Chính phủ cần có cơ chế khuyến khích phát triển dự án xanh cụ thể và thiết thực, ví dụ, ưu tiên tăng trưởng tín dụng xanh với hạn mức lớn hơn hoặc nằm ngoài định mức tăng trưởng tín dụng trần, có các gói hỗ trợ, ưu đãi lãi suất từ Chính phủ hoặc bảo hiểm rủi ro riêng cho tín dụng xanh để hỗ trợ cho các ngân hàng.

Ngoài các chính sách về tín dụng, các chính sách hỗ trợ cho từng ngành hoặc lĩnh vực xanh cụ thể cũng cần được triển khai một cách ổn định, nhất quán. Ví dụ trong thời gian qua, chính sách về giá và đảm bảo đầu ra không ổn định của dự án điện gió, điện mặt trời đã ảnh hưởng không nhỏ tới rủi ro cho vay cho các ngân hàng.

Về phía các ngân hàng, theo quan sát của chúng tôi, dư nợ tín dụng xanh của Ngành đang có tỷ trọng lớn vào lĩnh vực năng lượng tái tạo và nông nghiệp. Các ngân hàng nên chú trọng đến việc đa dạng hóa và mở rộng danh mục đầu tư xanh để đảm bảo hỗ trợ tài chính công bằng cho tất cả các lĩnh vực xanh tiềm năng và có đóng góp tích cực cho các mục tiêu khí hậu.

Chuyên đề