Gỡ vướng cho doanh nghiệp xuất khẩu dược liệu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) -  Theo chia sẻ của ông Lê Việt Anh – Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam với Báo Đấu thầu chiều ngày 16/4, sau chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ ngành đã ngồi lại bàn thảo với nhau. Đến nay, những vướng mắc của doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu dược liệu đã cơ bản được tháo gỡ.
Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet

Gần đây nhất là ngày 15/4/2024, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp rà soát khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất khẩu dược liệu theo Công điện số 35/CĐ-TTg ngày 10/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ với sự tham dự của các bên liên quan như: Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Lào Cai, Tổng cục Hải quan, Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, Hiệp hội Tinh dầu hương liệu, mỹ phẩm Việt Nam...

Theo đó, các bên đã thống nhất hướng dẫn doanh nghiệp khai báo rõ mục đích xuất khẩu đối với mặt hàng tinh dầu quế khi thực hiện xuất khẩu. Cụ thể, trường hợp doanh nghiệp khai báo mặt hàng tinh dầu quế xuất khẩu để làm dược liệu thì thực hiện theo quy định của pháp luật về dược. Theo quy định tại Điều 2 Thông tư 03/2021/TT-BYT ngày 4/3/2021, Bộ Y tế quy định: “Trường hợp hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư được sử dụng với mục đích làm thuốc và nguyên liệu làm thuốc thì thực hiện theo các quy định của văn bản quy phạm pháp luật về dược”.

Còn trường hợp khai báo tinh dầu quế xuất khẩu làm thực phẩm, phụ gia thực phẩm, mỹ phẩm hoặc mục đích khác thì doanh nghiệp đối chiếu quy định của pháp luật an toàn thực phẩm và các lĩnh vực liên quan để xác định chính sách quản lý tương ứng và giải quyết thủ tục theo quy định.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị liên quan của Bộ rà soát kỹ lại các nội dung của hai thông tư, gồm: Thông tư số 48/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế ban hành Danh mục dược liệu; các chất chiết xuất từ dược liệu, tinh dầu làm thuốc; thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu xuất khẩu, nhập khẩu được xác định mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam và Thông tư số 03/2021/TT-BYT ngày 4/3/2021 bãi bỏ một phần quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư số 48/2018/TT-BYT. Đồng thời, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh trong quá trình triển khai, các Bộ, ngành, đơn vị liên quan, UBND các tỉnh, thành phố, các Hiệp hội chủ động trao đổi với Bộ Y tế để cùng tháo gỡ khó khăn, thống nhất trong thực hiện.

Liên quan đến hoạt động xuất khẩu dược liệu, ông Lê Việt Anh chia sẻ, thời gian qua, các doanh nghiệp trong ngành đã gặp nhiều khó khăn, cao điểm nhất là vào cuối năm 2023, khi Hải quan Lào Cai kiểm soát chặt hơn việc xuất khẩu dược liệu, và sau đó nhiều địa phương cũng có tình trạng tương tự khiến cho hoạt động xuất khẩu dược liệu bị ngưng trệ. Nguyên nhân chính là do lâu nay các doanh nghiệp kê khai mặt hàng chung chung, không nêu rõ mục đích sử dụng nên mới dẫn đến các cách hiểu khác nhau.

Thực tế hiện có rất nhiều mặt hàng lưỡng dụng, vừa làm thực phẩm, vừa là dược liệu, dù dùng chung 01 mã HS 3301.29.10 như: tinh dầu quế, sả, gừng... Nhưng khi làm thủ tục xuất khẩu, cơ quan hải quan thường yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng như tỏi, gừng, hành, sả, các loại tinh dầu quế… phải làm thủ tục xuất nhập khẩu tương tự như dược liệu, nên phải thực hiện theo quy định của pháp luật về dược... Điều này có nghĩa là doanh nghiệp phải có đủ thủ tục xuất nhập khẩu tương tự như dược liệu (thực hiện theo Thông tư số 48/2018/TT-BYT, Thông tư số 03/2021/TT-BYT…). Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải có giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dược, phải đáp ứng một loạt tiêu chí về về Thực hành tốt sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc như: nhà xưởng, phương tiện, thiết bị chế biến, điều kiện vệ sinh, trình độ nhân viên…

Số liệu của VPSA cho thấy, vùng nguyên liệu 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái hiện đang tồn kho khoảng 100 tấn tinh dầu quế. Ước tính hết vụ quế mùa xuân năm nay (hết tháng 4/2024) sẽ tồn kho thêm khoảng 400 tấn. Với giá trị thị trường khoảng 400 triệu đồng/tấn, như vậy sẽ có hàng trăm tỷ đồng giá trị tinh dầu quế đang “tắc nghẽn”. Không những vậy, những sản phẩm như quế, sả… còn có ý nghĩa rất lớn về đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống cho đồng bào dân tộc miền núi phía Bắc.

Do đó, để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực xuất khẩu dược liệu, tạo đà thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này, Thủ tướng Chính phủ ra Công điện số 35/CĐ-TTg ngày 10/4/2024, trong đó yêu cầu Bộ Y tế theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện quy định của Bộ về xuất nhập khẩu dược liệu. Đồng thời, bảo đảm tháo gỡ nhanh các vướng mắc tạo điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định. Việc sửa đổi các quy định cho hoạt động này hoàn thành trước ngày 25/4/2024.

Chuyên đề