Giám sát “tới nơi tới chốn” để giảm thiểu lãng phí

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tình trạng lãng phí, nhất là trong thực hiện các dự án đầu tư công, là vấn đề nổi cộm được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại phiên họp ngày 31/10 của Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV. Trong quan điểm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thì “một tỷ đồng mà thực sự cần thiết thì chi ngay, nhưng một đồng mà không cần thiết thì cũng không chi”. Theo đó, phương châm được lựa chọn để giảm thiểu lãng phí là giám sát “tới nơi tới chốn” vì mục tiêu kiến tạo và phát triển.
Tình trạng công trình chờ vốn, vốn chờ công trình không phải là hiếm. Ảnh: Tường Lâm
Tình trạng công trình chờ vốn, vốn chờ công trình không phải là hiếm. Ảnh: Tường Lâm

Thất thoát, lãng phí làm cản trở quá trình phát triển

Thảo luận tại phiên họp ngày 31/10/2022, hầu hết các đại biểu Quốc hội đánh giá, việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) giai đoạn 2016-2021 đã đạt được những kết quả rất quan trọng, tích cực, song hành với kết quả to lớn của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc THTK, CLP vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Việc chấp hành pháp luật còn chưa nghiêm; trong một số trường hợp thất thoát, lãng phí là rất lớn. Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Trần Quang Minh (Quảng Bình) nhấn mạnh, nhiều đại án trong những năm qua làm cho Nhân dân không khỏi giật mình về những thất thoát quá lớn trong khi đất nước còn khó khăn, một bộ phận người dân còn nghèo khó. Theo ông Minh, tại các địa phương, nhiều công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, điện, nước… có tình trạng bố trí vốn khống theo tiến độ dự án, dẫn đến tăng tổng mức đầu tư, giảm hiệu quả sử dụng vốn. Bên cạnh đó lại có tình trạng vốn “nhỏ giọt”, nên nhiều công trình bỏ lửng hàng chục năm, tài sản xuống cấp, hư hỏng nhiều. Có những công trình sau hàng chục năm “đắp chiếu” thì được chuyển đổi công năng sử dụng, nhưng sự chắp vá này càng dẫn đến việc sử dụng nguồn lực không hiệu quả.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) chỉ ra rằng, hàng năm, nhiều dự án đầu tư công trên nhiều lĩnh vực chậm tiến độ, tình trạng đấu thầu, nhận thầu để có công trình, sau đó lại đề nghị điều chỉnh, bổ sung tăng vốn cho công trình vẫn chưa được khắc phục. “Tình trạng công trình chờ vốn, vốn chờ công trình không phải là hiếm. Vốn không thiếu, nhưng không được giải ngân là bài toán khó từ nhiều năm qua”, ông Hòa nói.

Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Trần Văn Lâm nhìn nhận, bức tranh thực hiện dự án đầu tư công có nhiều vấn đề nổi cộm, nhất là tình trạng nhiều dự án đầu tư chậm tiến độ, kéo dài nhiều năm, gây lãng phí nguồn lực xã hội. “Nhiều dự án đầu tư xong, nhưng đưa vào sử dụng không phát huy được năng lực như công suất thiết kế, hoặc chất lượng công trình không đảm bảo, mới sử dụng đã hư hỏng, gặp trục trặc hoặc cần phải sửa chữa nâng cấp rất tốn kém”, ông Lâm nói.

Báo cáo của Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP giai đoạn 2016-2021 cho biết, công tác chuẩn bị đầu tư, lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư các dự án còn nhiều tồn tại, bất cập. Hàng nghìn dự án chậm tiến độ và có xu hướng tăng lên qua các năm. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Phú Cường chia sẻ, theo tổng hợp báo cáo chưa đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương, năm 2016 có 1.448 dự án chậm tiến độ; năm 2017 là 1.609 dự án; năm 2018 là 1.778 dự án; năm 2019 là 1.878 dự án; năm 2020 là 1.867 dự án; năm 2021 là 1.962 dự án, trong đó hầu hết các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm đều chậm tiến độ…

Bên cạnh đó, hàng nghìn dự án phải điều chỉnh quyết định đầu tư, có dự án điều chỉnh nhiều lần, tổng mức đầu tư điều chỉnh cao hơn so với phê duyệt ban đầu. Hàng trăm dự án vi phạm thủ tục đầu tư… là những tồn tại nổi cộm. Tình cảnh người dân khó khăn trong tiếp cận dịch vụ y tế công trong khi dự án xây dựng Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 (tổng mức đầu tư 4.990 tỷ đồng) và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 (tổng mức đầu tư 4.968 tỷ đồng) tại Hà Nam bị kéo dài là một minh chứng cho bất cập trong triển khai dự án đầu tư công. 2 bệnh viện này đã khánh thành khu khám bệnh vào tháng 10/2018, nhưng đến nay đều đóng cửa và không biết đến khi nào mới đi vào hoạt động…

Kiến nghị giải pháp

Để chấn chỉnh, khắc phục tình trạng lãng phí trong đầu tư công, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu công tác giám sát “phải làm đến nơi, đến chốn, có bằng chứng cụ thể, có đánh giá sát, đúng với từng lĩnh vực”, phải tạo được chuyển biến tích cực sau giám sát.

Đoàn giám sát của Quốc hội đã kiến nghị một loạt giải pháp như đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP; tăng cường, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực của đất nước… “Hiến kế” cho mục tiêu này, tại nghị trường, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, cần tăng cường công tác hậu giám sát, nhất là với các dự án trọng điểm quốc gia, các dự án chậm tiến độ đã được điểm tên.

Đại biểu Trần Quang Minh góp ý, để hạn chế tình trạng lãng phí trong đầu tư công, trước hết, việc chọn lựa đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm và có cam kết dứt điểm trong thực hiện các dự án. Ông Trần Quang Minh đề xuất, cần có chính sách ưu tiên đảm nhận các gói thầu cho các nhà thầu thi công uy tín, có năng lực, có tính cam kết cao. Đây là một giải pháp để tiết kiệm và tránh lãng phí về nhiều mặt.

Đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình) thì nhấn mạnh, khâu chuẩn bị dự án đầu tư là rất quan trọng. Theo đó, các cơ quan, kể cả Quốc hội khi phê duyệt chủ trương đầu tư, phải hết sức cẩn trọng, tăng trách nhiệm nhằm tăng tính khả thi của dự án. Trong bối cảnh hiện nay, nhiều dự án đầu tư công gặp khó về tiến độ do giá vật liệu xây dựng tăng cao, để chống lãng phí, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, Chính phủ cần có giải pháp phù hợp. “Lúc này việc chấm dứt hợp đồng với nhà thầu không phải là giải pháp hiệu quả, mà vấn đề là phải tháo gỡ khó khăn cho nhà thầu để đưa các dự án về đích”, ông Phan Đức Hiếu nhận định.

Để khích lệ các nhà thầu góp sức thực hiện mục tiêu giảm thiểu tình trạng thất thoát, lãng phí nguồn lực xã hội, ông Hiếu đồng tình với quan điểm cần có tiêu chí tính điểm tốt cho các nhà thầu có uy tín trong thực hiện các dự án đúng hạn, bên cạnh việc tính điểm năng lực như hiện nay.

Chuyên đề