TP.HCM đang nỗ lực để giải ngân đầu tư công năm 2024 đạt không dưới 80% |
Quyết tâm cao nhất đẩy mạnh giải ngân đầu tư công
Ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai
Lào Cai xác định giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024 là nhiệm vụ quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế. Ngay từ đầu năm, UBND Tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo khắc phục tồn tại, hạn chế, quán triệt các đơn vị có giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công với tinh thần “thi công 3 ca 4 kíp”, “làm việc xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, ngày tết”... UBND Tỉnh cũng đưa kết quả giải ngân kế hoạch đầu tư công thành một tiêu chí để đánh giá thi đua năm 2024 đối với các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đã đạt được kết quả tích cực. Hàng tháng, Lào Cai luôn nằm trong nhóm địa phương có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước. Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 theo các nghị quyết HĐND Tỉnh giao (bao gồm vốn năm 2023 được phép kéo dài sang năm 2024) là 6.503 tỷ đồng, giảm 1% so với năm 2023 (năm 2023 là 6.560 tỷ đồng). Ước giá trị giải ngân đến ngày 10/11/2024 khoảng 3.228 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch, thấp hơn 10 điểm % so với cùng kỳ 2023 (cùng kỳ 2023 đạt 3.472 tỷ đồng, bằng 60% kế hoạch). Nhiều dự án thuộc các lĩnh vực: giao thông, y tế, giáo dục trên địa bàn Tỉnh đã được quan tâm đầu tư, trong năm 2024 đã có nhiều công trình hoàn thành và phát huy hiệu quả.
Sứ mệnh, trách nhiệm của TP.HCM là đi đầu, dẫn đầu cùng đất nước vươn mình
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM
UBND TP.HCM luôn trăn trở với câu hỏi lớn: "Khi đất nước, dân tộc vươn mình bước vào kỷ nguyên mới thì Thành phố ở đâu trong hành trình này?". Với lãnh đạo, doanh nghiệp cũng như người dân Thành phố, trong hành trình này, sứ mệnh, trách nhiệm lớn lao của TP.HCM là đi đầu, dẫn đầu cùng đất nước vươn mình. TP.HCM không làm việc này một mình mà đặt trong vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Để thực hiện sứ mệnh này, đối với công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, TP.HCM đang nỗ lực để giải ngân đạt không dưới 80%, nhưng phải thừa nhận thực tế là công tác này chậm đến giờ cuối. Lý do là việc bổ sung vốn đầu tư công trung hạn kéo dài đến nửa đầu năm 2024, thậm chí đến nay, một số dự án chuẩn bị đầu tư chưa hoàn thành thủ tục này; hàng loạt dự án phải điều chỉnh khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực dẫn tới công tác giải phóng mặt bằng chậm trễ… Tuy nhiên, với nỗ lực không ngừng của nhiều chủ thể, trong năm qua, TP.HCM đã đưa nhiều dự án lớn về đích, có thể kể đến Dự án Metro số 1, nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ; cầu Tân Kỳ - Tân Quý…
Mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 đạt 9 - 10% là thách thức lớn vì quy mô tăng trưởng mức này không đơn giản, 1% tăng trưởng của TP.HCM là 1,3% tăng trưởng của Hà Nội, 4,1% của Hải Phòng, 14,5% của Đà Nẵng và 17,3% của Cần Thơ. Để đạt được chỉ tiêu này, tổng đầu tư toàn xã hội của TP.HCM phải đạt 500.000 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước chiếm khoảng 100.000 tỷ đồng, còn lại phải huy động đầu tư từ xã hội. Về kế hoạch giải ngân năm 2025, TP.HCM được giao giải ngân khoảng 85.000 tỷ đồng, cùng với 20% được chuyển từ năm 2024 sang thì dự kiến Thành phố cần giải ngân khoảng 100.000 tỷ đồng. UBND TP.HCM sẽ xây dựng đề án giải ngân đầu tư công, không chỉ cho năm 2025 mà còn cho giai đoạn 2026 - 2030. Năm 2025 sẽ có nhiều dự án trọng điểm của Thành phố được đưa vào sử dụng như Vành đai 3, Cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất…
Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương
Ước thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đến cuối năm 2024 của tỉnh Bình Dương đạt trên 105% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Để đạt được kết quả đó, ngay từ đầu năm, UBND Tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 19/3/2024, Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 19/4/2024 và nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức ký kết giao ước và phát động phong trào thi đua đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; triển khai kế hoạch cao điểm 50 ngày đêm thi đua giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Đặc biệt, UBND Tỉnh xác định vốn đầu tư công được cơ cấu có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải; tập trung chuẩn bị đầu tư, thẩm định, kịp thời điều chỉnh dự án khi có phát sinh; thường xuyên theo dõi, nắm tình hình, kiểm tra tiến độ các công trình trọng điểm; khẩn trương triển khai chi trả đền bù, giải phóng mặt bằng ngay sau khi được phê duyệt đơn giá.
Song song với việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân, Tỉnh đang khẩn trương hoàn thiện kế hoạch đầu tư công năm 2025 để trình HĐND Tỉnh thông qua. Dự kiến tỉnh Bình Dương được giao 18.692 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2025, trong đó vốn ngân sách trung ương là 7.132 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 11.560 tỷ đồng.
Năm 2025, Tỉnh sẽ cắt giảm, giãn, hoãn tiến độ các dự án chưa thật sự cấp bách, ưu tiên các công trình trọng điểm, nhất là hạ tầng giao thông, tạo sự lan tỏa lớn. Cụ thể, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công trình quan trọng quốc gia đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua tỉnh Bình Dương, khởi công đường Vành đai 4, cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, phấn đấu hoàn thành Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13.
Ngoài ra, Tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở y tế để đầu tư Khu tưởng niệm cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh, đưa Dự án Bệnh viện đa khoa 1.500 giường vào hoạt động phục vụ người dân trong năm 2025…
Quan điểm của tỉnh Bình Dương là huy động tối đa các nguồn lực đầu tư, ưu tiên đầu tư công để dẫn dắt và kích thích đầu tư tư nhân. Trong đó, tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông để tạo bứt phá trong liên kết vùng, đặc biệt là đầu tư hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường sông, các cầu vượt, nút giao để kết nối thông suốt với TP.HCM và cảng biển, sân bay quốc tế.
2 nhóm giải pháp để giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch
Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và nguồn vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giữa tháng 8/2024, UBND tỉnh Quảng Nam đã thành lập 5 tổ công tác do Chủ tịch, các Phó Chủ tịch trực tiếp làm tổ trưởng. Nhờ vậy, tỷ lệ giải ngân bình quân của Tỉnh lần đầu tiên trong 2 năm (2023 - 2024) vượt tỷ lệ giải ngân trung bình của cả nước. Tuy nhiên vẫn chưa đạt so với tiến độ yêu cầu của UBND Tỉnh. Con số giải ngân đến cuối tháng 12/2024 mới đạt 5.658,960/9.095,929 tỷ đồng (62,21%).
Để giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 tối thiểu đạt 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 100% theo Chỉ thị số 03/CT-UBND, UBND Tỉnh đã đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương và chủ đầu tư tập trung thực hiện 2 nhóm giải pháp. Nhóm giải pháp ngắn hạn bao gồm tiếp tục thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp và quan điểm chỉ đạo để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ quyết toán dự án hoàn thành, nâng cao hiệu quả đầu tư công; phân công cụ thể lãnh đạo cấp ủy đảng, chính quyền trực tiếp phụ trách đứng điểm và định kỳ (2 tuần/lần) theo dõi, đánh giá thường xuyên tỷ lệ giải ngân các dự án trọng điểm; gửi kết quả thực hiện về tổ công tác để theo dõi, chỉ đạo điều hành công tác giải ngân. Tăng cường hoạt động của các tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công. Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát hiện trường để kịp thời xử lý về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Về nhóm giải pháp dài hạn, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chỉ đạo công tác lập kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm, coi việc xây dựng kế hoạch là điều kiện tiên quyết để bảo đảm tiến độ giải ngân các chương trình, dự án, phát huy hiệu quả đầu tư; tập trung làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, nâng cao tính sẵn sàng triển khai thực hiện dự án. Người đứng đầu địa phương phải trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, rà soát từng dự án, đặc biệt là các dự án khởi công mới, bảo đảm hiệu quả đầu tư, kết quả đầu ra của từng dự án. Tỉnh cũng quy định người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đối với các chương trình, dự án do đơn vị, địa phương mình quản lý. Trường hợp không hoàn thành kế hoạch phải kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan, nhất là người đứng đầu.
Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả trong thực hiện nhiệm vụ
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng
Năm 2024, với sự đồng lòng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế TP. Đà Nẵng ghi nhận tốc độ tăng trưởng tích cực. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng trưởng 7,51% so với năm 2023, cao hơn mặt bằng chung của cả nước. Quy mô nền kinh tế hơn 150.000 tỷ đồng, tăng 17.000 tỷ đồng so với năm 2023. Thu ngân sách đạt hơn 25.700 tỷ đồng, vượt 35% dự toán, ước tính đến hết năm 2024 vượt 40%. Cũng trong năm 2024, Đà Nẵng tập trung tháo gỡ nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, tích cực tham mưu Trung ương ban hành các nghị quyết quan trọng cho sự phát triển của Đà Nẵng. Dự kiến, có 1.313 dự án sẽ được tháo gỡ vướng mắc, trong đó có một số dự án lâu năm ở bờ biển, bán đảo Sơn Trà; phê duyệt gần 90 dự án ngoài ngân sách để thu hút khoảng 60.000 tỷ đồng. Năm 2025, việc tháo gỡ vướng mắc các dự án, chống lãng phí đất đai tiếp tục là mục tiêu quan trọng của Thành phố. Các dự án đi vào triển khai xây dựng sẽ đóng góp đáng kể cho tăng trưởng.
Năm 2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng. Bên cạnh đó, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương thành lập Trung tâm Tài chính quốc tế toàn diện tại TP.HCM và Trung tâm Tài chính khu vực tại TP. Đà Nẵng; thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng. Đây là đòn bẩy, cơ hội lớn để Đà Nẵng phát triển bứt phá, thần tốc, quyết liệt hơn.
Năm 2025 sẽ là năm tháo gỡ khó khăn và thực hiện cơ chế chính sách mới để đạt mức tăng trưởng GRDP theo kế hoạch trên 10%. Đây là bài toán rất khó, để đạt được cần phát huy các mũi nhọn phát triển như du lịch - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng. Năm 2025 cũng là năm sắp xếp lại bộ máy hành chính. Quan điểm của Thành phố là không vì sắp xếp mà xao nhãng công việc, không vì thay đổi vị trí mà thiếu trách nhiệm. Còn làm một ngày, một giờ ở vị trí nào cũng phải làm hết trách nhiệm, hoàn thành nhiệm vụ được giao. UBND TP. Đà Nẵng sẽ bám sát Nghị quyết của Chính phủ, Thành ủy, HĐND Thành phố để xây dựng kế hoạch cụ thể với tinh thần “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả”; rà soát các chỉ tiêu chưa hoàn thành để phấn đấu hoàn thành và xây dựng kịch bản phát triển kinh tế - xã hội cho nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Bắc Giang phấn đấu đạt tốc độ tăng GRDP 13,6%
Bà Bùi Thị Thu Thủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang
Năm 2024, chịu ảnh hưởng của biến động kinh tế thế giới và biến đổi khí hậu, đặc biệt là cơn bão Yagi gây thiệt hại khoảng 5.000 tỷ đồng, song Bắc Giang đã nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng, nhiều chỉ tiêu nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước như: tăng trưởng kinh tế đạt 13,85%, đứng đầu cả nước; sản xuất công nghiệp tiếp tục khẳng định là động lực chính cho tăng trưởng; kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 60 tỷ USD; thu ngân sách nhà nước vượt trên 26% dự toán Trung ương giao; thu hút FDI đứng trong Top 10 cả nước.
Về đầu tư công, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 của Tỉnh là 10.537,2 tỷ đồng. Tổng giá trị giải ngân tính đến ngày 15/12/2024 đạt 6.685,8 tỷ đồng, bằng 71,2% kế hoạch. Ước tính đến hết ngày 31/1/2025, giá trị giải ngân đạt 9.181 tỷ đồng, bằng 97,8% kế hoạch, đưa Bắc Giang vào nhóm các địa phương có tỷ lệ giải ngân cao hơn mức trung bình chung của cả nước.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế nêu trên vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra, chất lượng tăng trưởng chưa bền vững. Bước sang năm 2025, năm tăng tốc, bứt phá về đích thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025), Tỉnh đặt mục tiêu tốc độ tăng GRDP đạt 13,6%. Về cơ cấu kinh tế, công nghiệp - xây dựng chiếm 69%, dịch vụ (bao gồm cả thuế sản phẩm) 20,2%; nông, lâm nghiệp, thuỷ sản 10,8%. GRDP bình quân đầu người đạt 4.900 USD, bằng mục tiêu chung của cả nước. Tốc độ tăng năng suất lao động 10,5%. Thu ngân sách nhà nước đạt 18.143 tỷ đồng...
Để hiện thực hóa những mục tiêu trên, Tỉnh đã xác định 12 nhóm giải pháp cụ thể. Trong đó, tiếp tục đổi mới tư duy trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt cản trở sự phát triển. Quan tâm củng cố, phát triển các động lực tăng trưởng gắn với hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử. Thực hiện tái cơ cấu sản xuất công nghiệp, trong đó ưu tiên thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước theo hướng bền vững, hình thành hệ sinh thái công nghiệp. Chủ động rà soát, nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp để hỗ trợ, giải quyết những đề xuất, kiến nghị, tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất, xây dựng phương án đảm bảo cung ứng đủ điện cho sản xuất. Đẩy nhanh tiến độ thành lập, đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo quy hoạch để thu hút đầu tư, gắn kết với khu đô thị, dịch vụ có kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại…