Giải pháp nào giữ đà tăng trưởng xuất khẩu?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mặc dù dịch bệnh Covid-19 tác động bất lợi tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN), song 7 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu (XK) vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng trên 25% so với cùng kỳ năm trước. Trong những tháng còn lại của năm nay, XK có thể bị ảnh hưởng khi dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều địa phương hiện có các khu công nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn.
Bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 7 tháng năm 2021 ước tính đạt 185,33 tỷ USD, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Tiên Giang
Bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 7 tháng năm 2021 ước tính đạt 185,33 tỷ USD, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Tiên Giang

Khó khăn bủa vây, xuất khẩu vẫn tăng trưởng cao

Theo Bộ Công Thương, bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 7 tháng năm 2021 ước tính đạt 373,36 tỷ USD, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó XK đạt 185,33 tỷ USD, tăng 25,5%.

Trong 7 tháng đầu năm, cả nước có 27 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD, chiếm 90,2% tổng kim ngạch XK, trong đó có 5 mặt hàng XK trên 10 tỷ USD gồm: điện thoại và linh kiện; điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; hàng dệt và may mặc; giày dép.

Cả 3 nhóm hàng công nghiệp chế biến, nông, thủy sản và nhiên liệu khoáng sản đều có kim ngạch XK tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước. Điển hình, kim ngạch XK nhóm nông, lâm, thuỷ sản ước đạt 15,78 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 8,52% tổng kim ngạch XK. Nhóm hàng công nghiệp chế biến duy trì mức tăng trưởng kim ngạch XK cao 27,9% so với cùng kỳ năm 2020, ước đạt 159,12 tỷ USD, chiếm 85,85% tổng kim ngạch XK của cả nước.

Tuy vậy, dự báo về tình hình XK 5 tháng còn lại của năm 2021, Bộ Công Thương nhận định, XK có thể đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh vẫn diễn biến rất phức tạp. Chi phí vận chuyển hàng hóa quốc tế (vận chuyển bằng tàu biển) tăng rất cao, gấp 7 - 8 lần so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát, gây khó khăn rất lớn cho DN…

Ở trong nước, dịch Covid-19 bùng phát ở một số địa phương là khu vực sản xuất hàng hóa lớn, có quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu đứng đầu cả nước. Một số tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội cũng làm gián đoạn quá trình lưu thông, vận chuyển hàng hóa…

Tăng trưởng phụ thuộc kiểm soát dịch

Bên cạnh khó khăn, thách thức, Bộ Công Thương và nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, DN vẫn có nhiều cơ hội thúc đẩy XK trong những tháng cuối năm. Lý do là, dự báo nhu cầu hàng hóa, nhất là sản phẩm dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử… vẫn khá cao khi các nước đang triển khai mạnh mẽ tiêm vaccine và mở cửa trở lại. Một số nền kinh tế tiếp tục triển khai các gói kích cầu thông qua hỗ trợ trực tiếp cho người dân, qua đó thúc đẩy tiêu dùng.

Một số doanh nghiệp xuất khẩu lớn cho biết đã và đang có những giải pháp cụ thể để vừa duy trì sản xuất vừa phòng chống dịch, tránh nguy cơ khách hàng quốc tế dừng, huỷ đơn hàng để chuyển sang nước khác, bởi đến khi dịch được kiểm soát, việc nối lại các mối quan hệ kinh doanh sẽ rất khó khăn.

Đồng thời, các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia như CPTPP, EVFTA… đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn, được kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, qua đó thúc đẩy XK tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

Thêm nữa, giá hàng hóa XK cũng đang có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam, tạo động lực quan trọng gia tăng giá trị XK.

Mặt khác, theo chu kỳ, nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu sản xuất thường tăng vào đầu năm và giảm giai đoạn nửa cuối năm, trong khi XK đạt đỉnh điểm vào nửa cuối năm. Nhu cầu đối với hàng hóa XK của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao trong nửa cuối năm 2021.

Song điều quan trọng nhất, theo Bộ Công Thương, thời gian tới, tăng trưởng XK sẽ phụ thuộc rất lớn vào tình hình kiểm soát dịch bệnh cũng như việc đẩy nhanh quá trình tiêm chủng vaccine trong nước.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhấn mạnh: “Kiểm soát được dịch sẽ là “chìa khóa” để Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng XK thời gian tới”.

Một số DN XK lớn cho biết đã và đang có những giải pháp cụ thể để vừa duy trì sản xuất vừa phòng chống dịch, tránh nguy cơ khách hàng quốc tế dừng, huỷ đơn hàng để chuyển sang nước khác, bởi đến khi dịch được kiểm soát, việc nối lại các mối quan hệ kinh doanh sẽ rất khó khăn.

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty CP May 10 cho biết, nhằm phòng ngừa “ách tắc” có thể xảy ra trong việc vận chuyển hàng hóa, May 10 đang đẩy nhanh sản xuất cho các đơn hàng để hoàn thành giao hàng trước kế hoạch từ 3 - 5 ngày.

Về phía Bộ Công Thương, Bộ sẽ tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch Covid-19 trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời; củng cố và mở rộng thị trường XK, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực; đa dạng hóa thị trường XK, nhập khẩu. Cùng với đó là đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm thủ tục, quy trình cấp phép, thực hiện tối đa việc cấp phép trực tuyến...

Chuyên đề