Giải bài toán vốn để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đã có tín hiệu tích cực từ sự khởi sắc của một số ngành hàng và lĩnh vực trong nền kinh tế, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn đang gồng lỗ để duy trì hoạt động và nguồn nhân lực trong lúc chờ đơn hàng trở lại. Do đó, vấn đề đặt ra hiện nay là cần chọn lọc nhóm ngành để phân bổ nguồn vốn hỗ trợ phù hợp và kịp thời, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Toàn cảnh Đối thoại tháng 7 “Kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán” do Câu lạc bộ Nhà báo chứng khoán tổ chức ngày 26/7
Toàn cảnh Đối thoại tháng 7 “Kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán” do Câu lạc bộ Nhà báo chứng khoán tổ chức ngày 26/7

Bên cạnh đó, cần cải thiện quy định pháp lý để nâng cao vai trò của các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp và phát huy sứ mệnh kênh huy động vốn của thị trường chứng khoán.

Nên phân ngành, hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup cho biết, các doanh nghiệp đang ở giai đoạn rất khó khăn, thậm chí khó khăn hơn giai đoạn đầu năm 2020 (gián đoạn kinh doanh do Covid-19) vì doanh thu giảm và chi phí gia tăng.

Theo dữ liệu khảo sát từ 980/1.433 doanh nghiệp niêm yết của FiinGroup, trong quý I/2023, doanh thu bình quân của các doanh nghiệp sụt giảm 5,2%, lợi nhuận giảm đến 44,7%. Những con số này cho thấy nhiều doanh nghiệp đang phải nhận đơn hàng dù lỗ với mục tiêu giữ chân người lao động, giữ dây chuyền sản xuất hoạt động để chờ cơ hội phục hồi trong thời gian tới. Tuy nhiên, dấu hiệu hồi phục đã được ghi nhận từ quý I và quý II/2023 khi tốc độ suy giảm đang có xu hướng co hẹp lại.

Chủ tịch FiinGroup nêu quan điểm, để hỗ trợ doanh nghiệp, mặt bằng lãi suất nói chung cần tiếp tục giảm, tín dụng tăng trưởng cao hơn, có trọng tâm, trọng điểm để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Theo đó, 2 nhóm ngành được FiinGroup đề xuất hỗ trợ tích cực hơn là dệt may và thủy sản.

Cụ thể, ngành thủy sản chịu tác động tiêu cực bởi cầu ở các thị trường trọng điểm (Mỹ, châu Âu và Trung Quốc) giảm mạnh. Tuy nhiên, triển vọng nửa cuối năm 2023 dự kiến sẽ “sáng” hơn nhờ kỳ vọng cầu hồi phục ở Mỹ, Trung Quốc và chi phí vận chuyển giảm. Ngành thủy sản hiện chiếm 9 - 10% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và có sự tham gia của hơn 4 triệu lao động (8,4% lực lượng lao động của Việt Nam). Đây là ngành cần được hỗ trợ để “cầm cự” qua giai đoạn khó khăn hiện tại.

Ngành dệt may cũng gặp khó khăn về đơn hàng nên doanh thu giảm và biên lợi nhuận giảm. Do đó, nhu cầu vốn ít đi. Chính vì vậy, trọng tâm của chính sách hỗ trợ nên là giảm lãi suất, thuế... nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó và chuẩn bị cho giai đoạn khôi phục cầu trở lại.

Dệt may và thủy sản là hai ngành cần được hỗ trợ về vốn và chính sách để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại. Ảnh: Lê Tiên

Dệt may và thủy sản là hai ngành cần được hỗ trợ về vốn và chính sách để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại. Ảnh: Lê Tiên

Để dòng vốn ngấm vào doanh nghiệp

Tại cuộc Đối thoại tháng 7 “Kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán” do Câu lạc bộ Nhà báo chứng khoán tổ chức ngày 26/7, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, về chính sách tiền tệ, NHNN đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ tích cực như 4 lần giảm lãi suất điều hành, thực hiện các gói tín dụng hỗ trợ cho một số nhóm đối tượng, ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu thời hạn trả nợ. Trong đó, Thông tư 02 thực chất là một hình thức giảm chuẩn tín dụng để nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong trả nợ vẫn có thể tiếp tục vay vốn.

“Về mặt hỗ trợ, chính sách tiền tệ đã đủ dùng, nhưng quan trọng là thực thi chính sách. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, chất lượng doanh nghiệp suy giảm nên cung cầu tín dụng khó gặp nhau. Một trong những yếu tố quan trọng để cung cầu tín dụng gặp nhau là bên đi vay phải có sức khỏe tài chính cũng như khả năng trả nợ tốt hơn. Mặt khác, một biện pháp rất quan trọng cần được xem xét là sửa các quy định, văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, quỹ bảo lãnh doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay”, ông Quang nhấn mạnh.

Bên cạnh giải pháp tài chính - tiền tệ và thúc đẩy vai trò của các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng, cần phát huy vai trò của thị trường vốn để đa dạng kênh huy động cho doanh nghiệp thay vì chỉ dựa vào vốn tín dụng.

Theo ông Nguyễn Quang Thuân, chừng nào huy động vốn của gần 2.000 công ty đại chúng không đạt vài trăm nghìn tỷ đồng/năm thì chức năng huy động vốn dài hạn của thị trường chứng khoán (TTCK) vẫn còn bỏ ngỏ. Chừng nào cơ cấu cổ phiếu nhỏ và siêu nhỏ vẫn chiếm 82% thì chất lượng hàng hóa trên thị trường cổ phiếu chưa thực sự thu hút được các nhà đầu tư dài hạn và có chất lượng.

Mặt khác, ông Thuân đề xuất cần nâng chất lượng hàng hóa trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu từ việc công bố thông tin của doanh nghiệp. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu, nhất là trái phiếu riêng lẻ có công bố thông tin rất hời hợt, nên không thu hút được nhà đầu tư.

Kỳ vọng thêm dòng vốn lớn khi TTCK được nâng hạng

Đại diện cho cơ quan quản lý TTCK, bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, dù còn hạn chế trong việc huy động vốn, nhưng các số liệu từ thị trường từ đầu năm đến nay cho thấy các doanh nghiệp rất nỗ lực tìm nguồn vốn trên TTCK để phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Trong 5 tháng đầu năm 2023, UBCK đã cấp phép/chấp thuận chào bán 4.964,2 tỷ đồng cổ phiếu ra công chúng, 3.064,2 tỷ đồng cổ phiếu riêng lẻ của công ty đại chúng và 16.100 tỷ đồng trái phiếu (phát hành ra công chúng, chào bán trái phiếu chuyển đổi, chào bán ra nước ngoài của công ty đại chúng).

Để phát huy vai trò huy động vốn của TTCK trong thời gian tới, bà Phương nhấn mạnh một số nhóm giải pháp. Đó là, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, hệ thống chính sách phát triển TTCK; tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế và các bộ, ngành liên quan triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng TTCKViệt Nam.

Chủ tịch UBCK cho biết, theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), khoảng 70% quyết định phân bổ vốn đầu tư vào các TTCK của các nhà đầu tư quốc tế chịu ảnh hưởng từ việc xếp hạng TTCK. “Chính vì vậy, việc phân loại TTCK của các tổ chức xếp hạng có ảnh hưởng rất lớn trong việc dẫn dắt luồng vốn đầu tư toàn cầu, trong đó có nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam” bà Phương nói và dẫn báo cáo đánh giá của Ngân hàng Thế giới rằng, nếu được nâng hạng, TTCK Việt Nam có cơ hội thu hút dòng vốn ngoại ròng khoảng 7,2 tỷ USD/năm. Cùng với đó, việc nâng hạng sẽ giúp khả năng định giá cổ phiếu được cải thiện, từ đó ảnh hưởng tích cực đến công tác cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước.

Theo bà Phương, 2 nhóm vấn đề mang tính trọng yếu ảnh hưởng đến việc nâng hạng cho TTCK Việt Nam đòi hỏi sự phối hợp với các cơ quan liên quan, đó là yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (thuộc thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước), và yêu cầu về giới hạn sở hữu nước ngoài (thuộc thẩm quyền của Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Lãnh đạo ngành chứng khoán hy vọng, các cơ quan liên quan sẽ phối hợp với UBCK, Bộ Tài chính, gỡ khó cho 2 nhóm vấn đề trên để TTCK Việt Nam sớm được nâng hạng. Khi dòng vốn lớn chảy vào TTCK Việt Nam, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội huy động vốn chủ động từ việc phát hành chứng khoán, đồng thời giảm áp lực cung ứng vốn cho nền kinh tế của hệ thống ngân hàng.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư