Giải bài toán điện cho nền kinh tế vươn tầm - Bài 1: Nhiều áp lực trên vai ngành điện

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam về việc bảo đảm cung ứng đủ điện, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia vào tháng 10/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, theo tính toán, cứ tăng trưởng kinh tế 1% thì nhu cầu điện tăng 1,5%.
Theo Quy hoạch điện VIII, để tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021 - 2030, điện thương phẩm năm 2030 cần khoảng 505,2 tỷ kWh. Ảnh: Lê Tiên
Theo Quy hoạch điện VIII, để tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021 - 2030, điện thương phẩm năm 2030 cần khoảng 505,2 tỷ kWh. Ảnh: Lê Tiên

Làm thế nào để đủ điện cho phát triển kinh tế, góp sức hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - là bài toán lớn cần có lời giải trong bối cảnh nhiều dự án thuộc Quy hoạch điện VIII đang chậm tiến độ, lãng phí.

Bài 1: Nhiều áp lực trên vai ngành điện

Nhìn trước nhu cầu điện cho phát triển kinh tế thời gian tới là rất lớn, lãnh đạo Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu không để thiếu điện trong bất cứ hoàn cảnh nào. Tuy nhiên, theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bộ Công Thương, nếu tiến độ các dự án thuộc Quy hoạch điện VIII không được cải thiện thì giai đoạn 2026 - 2030, nước ta đối mặt với tình trạng thiếu điện nghiêm trọng.

Áp lực tăng trưởng công suất điện

Kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp mới đây về tình hình triển khai các dự án quan trọng của các tập đoàn năng lượng nhà nước lớn để đảm bảo cung ứng điện nhấn mạnh yêu cầu đảm bảo đủ điện phục vụ sản xuất kinh doanh, đời sống nhân dân. Năm 2025, mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 7%, nên tăng trưởng điện cần phải đạt từ 12 - 13%. Dự kiến, tổng công suất cần tăng thêm khoảng 2.297 MW.

Với khát vọng tăng trưởng nhanh và bền vững, Việt Nam đang thực hiện nhiều giải pháp để thu hút các nguồn lực quốc tế đầu tư phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao, trong đó có công nghiệp bán dẫn, AI…. Đây là các ngành đòi hỏi nguồn cung điện lớn, không bị gián đoạn. Theo các nghiên cứu, ngành công nghiệp bán dẫn tiêu tốn lượng điện năng khổng lồ, nhiều hơn bất cứ ngành công nghiệp nào khác, các khâu tạo ra con chip không cho phép bất cứ sự gián đoạn nào về điện năng trong quá trình sản xuất, dù là nhỏ nhất. Nhu cầu điện cho công nghiệp bán dẫn lớn hơn cả nhu cầu điện cho ngành ô tô hay lọc hóa dầu.

Tại Diễn dàn Doanh nghiệp (DN) Việt Nam thường niên tháng 3/2024, ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, các DN Hàn Quốc mong muốn đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là các DN ngành công nghệ cao như bán dẫn. Tuy nhiên, Việt Nam từng xảy ra hiện tượng thiếu điện, điển hình là vào tháng 5/2023, nên đây yếu tố lớn khiến nhà đầu tư Hàn Quốc chần chừ trong việc đưa ra quyết định đầu tư.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện ở Việt Nam hiện nay đòi hỏi các dự án đầu tư phát triển nguồn phải triển khai đúng tiến độ cam kết, mới có thể cân bằng cung cầu.

Quy hoạch điện VIII nêu, để tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021 - 2030, khoảng 6,5 - 7,5%/năm trong giai đoạn 2031 - 2050, điện thương phẩm năm 2025 cần khoảng 335 tỷ kWh, năm 2030 khoảng 505,2 tỷ kWh, đến năm 2050 khoảng 1.114,1 - 1.254,6 tỷ kWh. “Điều này có nghĩa là chỉ còn hơn 5 năm nữa, chúng ta phải đầu tư gần gấp hai lần tổng công suất toàn hệ thống hiện nay. Hiện tổng công suất đạt gần 80.000 MW trong khi năm 2030 phải đạt tối thiểu 150.524 MW. Đến năm 2050, tức là 25 năm nữa phải đạt gấp 5 lần hiện nay, tương đương 530.000 MW trên phạm vi toàn quốc”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phân tích.

Lãnh đạo Bộ Công Thương thẳng thắn bày tỏ lo ngại về nguy cơ thiếu hụt công suất điện giai đoạn 2026 - 2030 nếu không đạt các mục tiêu đề ra tại Quy hoạch điện VIII, đe dọa an ninh năng lượng quốc gia.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam thì cho biết, hiện nay, tổng công suất đặt nguồn điện đạt 80.900 MW, tuy nhiên, do cơ cấu nguồn điện phân bổ không đồng đều nên khu vực miền Bắc chưa thể tự cân đối nội miền. Năm 2024, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) đã hoàn thành đầu tư Dự án Đường dây 500kV từ Quảng Trạch - Phố Nối nhưng năng lực truyền tải Bắc - Trung mới chỉ tăng khoảng 3.000 MW và chỉ có thể cơ bản đáp ứng tương ứng mức độ tiêu thụ phụ tải của miền Bắc trong 1 - 2 năm. Việc cung ứng điện trong những năm tới hết sức khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ thiếu hụt công suất đỉnh vào cuối mùa khô (từ tháng 5 - 7 hàng năm) và có nguy cơ thiếu hụt điện năng nếu các nguồn điện được phê duyệt tại Quy hoạch điện VIII không đáp ứng tiến độ theo kế hoạch.

Để thu hút đầu tư, bài toán phải giải không chỉ là đủ điện, mà phải cung cấp đủ nguồn điện sạch, ổn định và thuận xu hướng toàn cầu. Ảnh: Nhã Chi
Để thu hút đầu tư, bài toán phải giải không chỉ là đủ điện, mà phải cung cấp đủ nguồn điện sạch, ổn định và thuận xu hướng toàn cầu. Ảnh: Nhã Chi

Áp lực điện sạch và bền vững

Bên cạnh áp lực phải đảm bảo nguồn điện ổn định cho nhu cầu phát triển của nền kinh tế, Nhóm công tác điện và năng lượng thuộc Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) còn nhấn mạnh, Việt Nam cần cung cấp nguồn năng lượng xanh, sạch nhằm đáp ứng nhu cầu của DN trong bối cảnh xanh hóa sản xuất. Các tập đoàn công nghệ cao thường ưu tiên chọn đầu tư ở những quốc gia có hạ tầng sản xuất và truyền tải năng lượng xanh, có khả năng cung ứng không gián đoạn. “Chúng tôi mong muốn mỗi watt điện sản xuất và tiêu thụ sẽ là một bước tiến gần hơn đến một tương lai nguồn điện ổn định, giá cả hợp lý, đáng tin cậy và bền vững của Việt Nam”, đại diện Nhóm bày tỏ.

TS. Lê Quang Đạm, Tổng giám đốc Marvell Việt Nam (DN ngành bán dẫn) cho biết, Marvell rất quan tâm đến việc sử dụng nguồn năng lượng xanh, nhất là khi xu hướng phát triển xanh, phát triển bền vững đang bao trùm toàn cầu.

Đại diện Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam, Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam, Hiệp hội DN Hoa Kỳ tại Việt Nam nhận định, Việt Nam có vị trí thuận lợi để thu hút các khoản đầu tư lớn khi các công ty đa quốc gia đang tăng cường tìm cách đa dạng chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư khi xem xét, quyết định đầu tư đặt câu hỏi về khả năng cung cấp năng lượng tái tạo (năng lượng sạch). Theo đó, muốn thu hút được nguồn lực quốc tế, bài toán Việt Nam phải giải không chỉ là đủ điện, mà phải là cung cấp đủ nguồn điện sạch, ổn định và thuận xu hướng toàn cầu.

Ông Phạm Đăng An, Phó Tổng giám đốc Vũ Phong Energy Group, Giám đốc Công ty VP Carbon cho biết, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh (hay còn gọi là chuyển đổi kép) đang trở thành xu hướng tất yếu của các doanh nghiệp cũng như các nền kinh tế nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Nếu Việt Nam thuận xu hướng này, cơ hội sẽ lớn hơn nhiều thách thức. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, nếu không thể cung cấp nguồn điện đủ và sạch cho phát triển kinh tế, Việt Nam khó có thể thu hút, giữ chân nhà đầu tư cũng như duy trì vị thế cạnh tranh quốc tế.

Chuyên đề