Gia hạn và giữ nguyên nhóm nợ: Quan trọng là nhắm đúng ngành nghề, doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đang được tính toán xây dựng để bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và hỗ trợ đúng đối tượng. Nhiều ý kiến cho rằng, cần chọn lọc doanh nghiệp để thực hiện giải pháp hỗ trợ này theo thứ tự ưu tiên về mức độ khó khăn dòng tiền và khả năng phục hồi, không nên làm đại trà và càng không nên chỉ ưu tiên cho một nhóm doanh nghiệp (DN).
Ngân hàng Nhà nước đã nghiên cứu, đề xuất Chính phủ chính sách giãn, hoãn nợ hỗ trợ một số ngành nghề, lĩnh vực đang gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan, dòng tiền không được như mong muốn. Ảnh: Lê Tiên
Ngân hàng Nhà nước đã nghiên cứu, đề xuất Chính phủ chính sách giãn, hoãn nợ hỗ trợ một số ngành nghề, lĩnh vực đang gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan, dòng tiền không được như mong muốn. Ảnh: Lê Tiên

Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Thông báo số 133/TB-VPCP ngày 16/4/2023 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản.

Theo đó, Phó Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành thông tư quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tiêu chí đánh giá năng lực khách hàng nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng, góp phần phát triển hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trước 25/4/2023.

Trước đó, ngày 11/2/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết 33/NQ-CP năm 2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Về nguồn vốn tín dụng, tại nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu có biện pháp xử lý phù hợp cho các doanh nghiệp bất động sản khó khăn như giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ…

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN cho biết, NHNN đã nghiên cứu, đề xuất Chính phủ chính sách giãn, hoãn nợ hỗ trợ đối với một số ngành nghề, lĩnh vực đang gặp khó khăn. Theo đó, quan điểm của NHNN là sẽ hỗ trợ những đối tượng gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan, dòng tiền không được như mong muốn.

“Đối tượng nào, ngành nghề nào được giãn, hoãn nợ trong năm nay sẽ được tính toán kỹ nhằm hỗ trợ đúng cho DN gặp khó khăn. Song chính sách cũng phải bảo đảm độ an toàn và bản chất nợ của nền kinh tế, không để xảy ra tình trạng nợ xấu bị che giấu dưới hình thức giãn, hoãn", ông Tú nhấn mạnh.

Ông Mạc Quốc Anh, Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP. Hà Nội chia sẻ, dường như chính sách gia hạn nợ, giữ nguyên nhóm nợ hướng đến DN bất động sản, trong khi đó, DN trong nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt là DN nhỏ và vừa cũng đang hết sức khó khăn. Mặt khác, DN trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phục hồi sẽ tạo động lực tăng trưởng bền vững nên cần xem xét hỗ trợ cho các DN thực sự khó khăn về dòng tiền nhưng có phương án kinh doanh khả thi. Bên cạnh đó, trong bối cảnh khó khăn dự kiến còn kéo dài, chính sách gia hạn nợ, cơ cấu thời hạn trả nợ nên thực hiện trong thời hạn ngắn nhất là 1 năm,

Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, thực hiện gia hạn và giữ nguyên nhóm nợ là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Bởi lẽ, nếu không được gia hạn thì rất nhiều DN sẽ không có khả năng tiếp cận vốn tín dụng, dẫn đến khó có thể tiếp tục sản xuất, kinh doanh dù họ vẫn có kế hoạch kinh doanh khả thi. Việc gia hạn nên thực hiện trong 1 năm để đánh giá thêm tình hình kinh tế và triển vọng kinh doanh của DN.

Mặt khác, theo ông Lực, chính sách này nên được áp dụng chung cho các DN đang gặp nhiều khó khăn, nhưng có thể theo hướng chọn lọc đối tượng thụ hưởng chặt chẽ hơn. Lựa chọn theo định hướng tạo thêm điều kiện để DN phục hồi, còn những DN cận kề phá sản thì cơ cấu nợ cũng vô nghĩa và có thể làm tăng thêm nợ xấu, thêm áp lực cho việc điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới.

Theo TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM, đây là giải pháp tình thế để gỡ khó tạm thời cho DN và cả ngân hàng, đồng thời giúp ổn định tâm lý thị trường. Các ngân hàng cũng muốn gia hạn nợ cho một số khách hàng có tiềm năng trả nợ để nợ xấu không bị tăng lên và ảnh hưởng đến báo cáo tài chính của ngân hàng. Tuy nhiên, ngân hàng cũng rất kỹ trong lựa chọn khách hàng giải ngân vốn, họ có thể gia hạn nợ để nợ xấu bớt xấu nhưng chưa hẳn đã dễ dãi trong cho vay mới. Ngân hàng sẽ cân nhắc DN thực sự khó khăn về dòng tiền mới gia hạn, hạn chế tình trạng DN có tiền nhưng vẫn chây ì, không có thiện chí trả nợ. “Ngân hàng hiểu rõ khách hàng, nên họ sẽ có phương án chủ động khi NHNN đưa ra chủ trương cho phép gia hạn nợ”, ông Huân nói.

Về đối tượng thụ hưởng, một số chuyên gia cho rằng, hiện tại DN bất động sản đang “căng thẳng” nhất về thanh khoản, nhưng DN nhiều nhóm ngành khác cũng rất kẹt về dòng tiền. Do đó, cần cân nhắc hỗ trợ theo mức độ khó khăn tạm thời của DN và khả năng phục hồi, chứ không nên chỉ dựa vào nhóm ngành, đặc biệt là càng không nên chỉ dành riêng cho bất động sản.

Chuyên đề