Giá gạo xuất khẩu lao dốc, chưa đáng lo?

0:00 / 0:00
0:00
Liên tục gần đây, giá gạo xuất khẩu có chiều hướng sụt giảm. Nguyên nhân được các doanh nghiệp xuất khẩu trong ngành chỉ ra là do các thị trường truyền thống lớn chưa đẩy mạnh mua hàng. Dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta không nên quá lo lắng do cầu thị trường vẫn cao và căng thẳng giảm chỉ là trong ngắn hạn.
Giá gạo xuất khẩu lao dốc, chưa đáng lo?

Theo nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo, hàng năm vào thời điểm này các hợp đồng Chính phủ đã có nhiều nhưng năm nay chưa nhiều mà chỉ có các hợp đồng thương mại của doanh nghiệp. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng ký được các hợp đồng thương mại bởi thị trường gạo đang có sự cạnh tranh khốc liệt về giá, khiến các nhà nhập khẩu cân nhắc trong việc mua của nước nào giá có lợi hơn.

Việc thị trường giao dịch trầm lắng đã kéo giá gạo xuất khẩu chào bán của Việt Nam liên tục giảm mạnh trong vòng 2 tuần trở lại đây.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tới ngày 10/3/2021, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đã giảm xuống còn 508-512 USD/tấn; gạo 25% có giá 483-487 USD/tấn và gạo 100% tấm còn 428-432 USD/tấn. Mặc dù sụt giảm nhưng so với thời điểm cuối năm 2020 thì giá gạo hiện tại vẫn được các thương nhân đánh giá ở mức tương đối cao.

Theo các dữ liệu của VFA, hiện giá chào bán gạo của Việt Nam dù giảm nhưng thực tế vẫn ở mức cao hơn so với Ấn Độ, Pakistan rất nhiều (gạo 5% tấm của Ấn Độ ngày 10/3 chào bán 398-402 USD/tấn còn Pakistan là 443-447 USD/tấn). Chính vì thế, gạo các nước này trở nên hấp dẫn khách hàng.

Thực tế, điều này cũng được Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo của Thái Lan thừa nhận khi chỉ ra rằng ngành lúa gạo nước này đang phải cạnh tranh khốc liệt hơn với gạo Ấn Độ. Và nguồn cung gạo của Ấn Độ tiếp tục dồi dào nhờ đang thu hoạch lúa Hè Thu và lượng dự trữ trong kho còn nhiều. Gạo Ấn Độ có tỷ lệ lớn là loại phẩm cấp trung bình, với giá cả phải chăng nên thu hút được những khách hàng có thu nhập không cao, như các nước châu Phi.

Mặc dù vậy, nhiều thương nhân xuất khẩu gạo Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp không nên quá lo lắng về việc giá sụt giảm bởi nguồn cung không tăng và nhu cầu nhập khẩu gạo trên thế giới vẫn cao. Dự báo, thị trường gạo thế giới trong ngắn hạn sẽ còn căng thẳng nguồn cung do thiếu container và nguồn cung được bổ sung từ vụ thu hoạch của Việt Nam nhưng không đáng kể so với nhu cầu chung của thế giới. Do đó, giá gạo sắp tới có nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao kỷ lục nhiều tháng/năm như hiện nay.

Dẫn chứng cụ thể, ông Phan Văn Có - Giám đốc Công ty TNHH Vrice - cho biết, công ty vẫn đang có các hợp đồng thương mại đến hết tháng 6/2021 đi EU với giá cao gần 700 USD/tấn với gạo thơm. Hiện tại việc thu mua lúa tại nội địa vẫn được công ty tiến hành bình thường để kịp tiến độ sản xuất, giao hàng cho đối tác.

Tương tự, ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An - cũng nhận định, xuất khẩu gạo năm 2021 có nhiều tín hiệu lạc quan vì công ty này vừa xuất đi 690 tấn gạo thơm KDM sang Malaysia với giá tương đối cao. Ngoài ra, các hợp đồng đi EU hay một số thị trường khác của Trung An vẫn khá ổn định.

Còn theo bà Đặng Thị Liên - Giám đốc Công ty Lương thực thực phẩm Long An, thời điểm hiện tại giá xuất khẩu giảm song giá lúa gạo trong nước vẫn ở mức cao. “Năm nay vùng đồng bằng sông Cửu Long được mùa, giá lúa dù có giảm nhưng trên thực tế vẫn ở mức có lãi. Chúng tôi thu mua lúa cho bà con vẫn dao động từ 6.500-6.700 đồng/kg” - bà Liên cho biết.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), niên vụ 2020/21, ước tính sản lượng gạo toàn cầu ở mức 496,4 triệu tấn, giảm khoảng 1 triệu tấn so với niên vụ trước. Dù sản lượng gạo thế giới niên vụ 2020/21 ước tính giảm, trong khi tiêu thụ và thương mại tăng, song dự trữ gạo thế giới vẫn tăng gần 2 triệu tấn so với niên vụ trước. Điều đó cho thấy, có lượng gạo khá lớn được các nước đưa vào kho dự trữ để đảm bảo an ninh lương thực trong mùa dịch, và nguồn cung nhìn chung vẫn đảm bảo đáp ứng nhu cầu. Giá gạo thế giới năm 2021 do vậy sẽ không tăng mạnh như năm 2020, dù vậy ít có khả năng giảm mạnh.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư