Dự án BOT cầu Việt Trì mới trên Quốc lộ 2: Nhà đầu tư “vỡ trận”

(BĐT) - Công trình BOT cầu Việt Trì mới với tổng vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng, sau hơn 8 tháng được đưa vào khai thác và thu phí hoàn vốn chỉ đạt lưu lượng xe qua cầu gần 50% so với dự kiến...
Thời gian thu phí hoàn vốn Dự án BOT cầu Việt Trì mới là 19 năm 3 tháng 2 ngày. Ảnh: Hữu Phương
Thời gian thu phí hoàn vốn Dự án BOT cầu Việt Trì mới là 19 năm 3 tháng 2 ngày. Ảnh: Hữu Phương

Điều này đang đẩy nhà đầu tư vào thế “vỡ trận” phương án tài chính, nguy cơ bị mất tài sản thế chấp để vay vốn vì không đảm bảo được nguồn tiền để trả nợ gốc và lãi cho phía ngân hàng như đã cam kết.

Vỡ phương án tài chính, lỗ 3,5 - 4 tỷ đồng/tháng

Theo Quyết định số 3567/QĐ-BGTVT ngày 7/11/2013 phê duyệt kết quả chỉ định nhà đầu tư thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng công trình cầu Việt Trì mới thì công trình này có tổng vốn đầu tư của Dự án chỉ định là hơn 1.828 tỷ đồng, được chỉ định cho Liên danh nhà đầu tư gồm: Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 - Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh - Công ty CP Phát triển đầu tư Thái Sơn (Liên danh CIENCO1 - Yên Khánh - Thái Sơn). Trong đó, vốn chủ sở hữu tối thiểu theo quy định của Liên danh nhà đầu tư là 265 tỷ đồng, còn lại là vốn vay của ngân hàng, tỷ lệ góp vốn của các thành viên Liên danh nhà đầu tư lần lượt là CIENCO1 20% (53 tỷ đồng), Yên Khánh 40% (106 tỷ đồng) và Thái Sơn 40% (106 tỷ đồng).

Theo phương án tài chính hoàn vốn Dự án BOT cầu Việt Trì mới do Bộ Giao thông vận tải ký với Liên danh nhà đầu tư, thời gian thu phí hoàn vốn của dự án này là 19 năm 3 tháng 2 ngày, doanh thu năm 2016 là 138,7 tỷ đồng.

Trao đổi thông tin với phóng viên Báo Đấu thầu, bà Trần Ngọc Lê, Phó Giám đốc Công ty CP BOT cầu Việt Trì (doanh nghiệp dự án) cho biết, theo phương án tài chính đã được phê duyệt, trung bình mỗi tháng trong năm 2016 phải đạt doanh thu 11,5 tỷ đồng/tháng, nghĩa là bình quân mỗi ngày tổng thu phí phải đạt 380 triệu đồng, trong khi trên thực tế, hiện chỉ dao động từ 150 - 220 triệu đồng/ngày, theo đó trung bình mỗi tháng chỉ thu được từ 6,5 - 7 tỷ đồng. Như vậy, nhà đầu tư đang lỗ 3,5 - 4 tỷ đồng/tháng.

Bà Lê cũng cho biết, khác với nhiều dự án BOT khác, để có thể vay vốn của Ngân hàng ACB, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Bắc Hà Nội, ngoài thế chấp quyền thu phí tại Dự án BOT cầu Việt Trì mới, Liên danh nhà đầu tư đã phải thế chấp thêm bằng những tài sản cố định riêng của 3 thành viên trong Liên danh. Khi phương án tài chính bị phá vỡ (bắt đầu thu phí hoàn vốn từ ngày 7/12/2015, đến nay đã được hơn 8 tháng nhưng tháng nào cũng bị lỗ nặng), Liên danh nhà đầu tư đã không đủ tiền để trả nợ gốc và lãi cho phía ngân hàng cho vay như đã cam kết, nên hiện Liên danh nhà đầu tư đang đứng trước nguy cơ bị mất những tài sản cố định đã thế chấp trước đó.

Nhà đầu tư không lường trước rủi ro

Theo phương án tài chính đã được phê duyệt, năm 2016, trung bình doanh thu phải đạt 11,5 tỷ đồng/tháng nhưng doanh thu từ thu phí Dự án BOT cầu Việt Trì mới hiện chỉ đạt  6,5 - 7 tỷ đồng/tháng.
Đại diện nhà đầu tư cho biết, khi tỉnh Phú Thọ kêu gọi đầu tư xây dựng cầu Việt Trì mới thì đều dự kiến là sau khi công trình BOT này được hoàn thành, toàn bộ lưu lượng phương tiện giao thông qua sông Lô sẽ đi trên cầu Việt Trì mới, vì cầu Việt Trì cũ đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn cho việc lưu thông. Phương án tài chính hoàn vốn Dự án do phía tư vấn lập cũng xây dựng dựa trên tổng lưu lượng phương tiện giao thông lưu thông trong khu vực đều đi qua cầu Việt Trì mới. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, các phương tiện lại chuyển hướng đi theo đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai và vẫn lưu thông qua cầu Việt Trì cũ từ hướng Hà Nội đến Thành phố Việt Trì.

Bên cạnh đó, Quy hoạch phân luồng giao thông theo phương án tài chính ban đầu của Dự án BOT xây dựng cầu Việt Trì mới cũng đã có nhiều thay đổi. Hiện có các nhân tố gây suy giảm phương tiện, ảnh hưởng lớn đến phương án tài chính của Dự án như: bổ sung thêm 2 nút giao IC9 + IC7 trên tuyến Nội Bài - Lào Cai vào Thành phố Việt Trì; bổ sung triển khai cầu Việt Trì - Ba Vì không nằm trong giai đoạn cấp bách vào triển khai sớm theo hình thức BOT… Vì vậy, nếu theo phương án buộc các xe ô tô từ 7 chỗ trở lên phải lưu thông qua cầu Việt Trì mới (lượng xe ô tô từ 7 chỗ trở xuống chiếm khoảng 60% lưu lượng xe) thì cũng không đảm bảo được lượng xe lưu thông cần thiết để có thể hoàn vốn Dự án theo phương án tài chính ban đầu.

Khi phóng viên hỏi về việc Liên danh nhà đầu tư có lường trước được những rủi ro này khi quyết định đầu tư Dự án BOT cầu Việt Trì mới thì bà Trần Ngọc Lê cho biết, nhà đầu tư đã không hề nghĩ đến, vì rất yên tâm khi tỉnh Phú Thọ kêu gọi và đề xuất đầu tư công trình này là hết sức cần thiết mà địa phương lại không có nguồn lực để đầu tư.

Hơn nữa, nhiều bộ, ngành, cơ quan nhà nước liên quan đã có những nghiên cứu, thẩm tra về tính cần thiết và khả thi của Dự án, nên khi phía ngân hàng cho vay có băn khoăn về tính khả thi của Dự án thì Liên danh nhà đầu tư đã dùng các tài sản cố định riêng để thế chấp thêm cho phía ngân hàng để có tiền đầu tư công trình cầu Việt Trì mới này. Nhà đầu tư không hề lường trước được việc sau khi công trình đưa vào sử dụng và thu phí, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng đã không nghiêm túc, không quyết liệt trong việc bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư như vẫn để xe quá khổ, quá tải, nhiều loại phương tiện giao thông có tải trọng lớn lưu thông qua cầu Việt Trì cũ không đảm bảo an toàn.

Chuyên đề