Đột phá kinh tế từ “cú hích” doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tỷ lệ doanh nghiệp (DN) gia nhập thị trường so với DN rời khỏi thị trường giảm dần trong những năm gần đây phản ánh sức phát triển của DN chưa tương xứng với đà tăng trưởng kinh tế. Một trong những lực cản dai dẳng với hoạt động của DN là các trở ngại trong môi trường kinh doanh. Do đó, cải cách mạnh mẽ về thể chế, tạo đột phá về cải thiện môi trường kinh doanh là một trong những động lực để nền kinh tế bứt phá trong thời gian tới.
Quá trình cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh có kết quả tốt sẽ hỗ trợ tích cực, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Ảnh: Lê Tiên
Quá trình cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh có kết quả tốt sẽ hỗ trợ tích cực, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Ảnh: Lê Tiên

Kinh tế Việt Nam đi qua năm 2024 với bước tiến mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, tăng trưởng GDP ước đạt trên 7% (vượt mục tiêu đề ra là 6 - 6,5%), thuộc nhóm số ít các nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Viện Nghiên cứu và Đào tạo BIDV dự báo, tăng trưởng kinh tế năm 2024 đạt khoảng 7,2%; kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 401 - 408 tỷ USD (tương ứng mức tăng 15% so với năm 2023); bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 6.800 - 6.900 tỷ đồng (tương ứng mức tăng 9 - 10% so với năm 2023); chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) dự kiến tăng 8 - 10% so với cùng kỳ năm trước.

Chia sẻ tại Hội thảo Kinh tế vĩ mô Việt Nam - Nhìn lại năm 2024 và triển vọng năm 2025 tổ chức mới đây, TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc Viện Nghiên cứu và Đào tạo BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, kinh tế Việt Nam có nhiều điểm sáng trong năm 2024, tạo triển vọng tích cực cho đà tăng tốc trong năm 2025 với các động lực tăng trưởng chính từ xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng.

Tuy nhiên, theo ông Lực, DN nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung trong năm 2025 sẽ chịu một số rủi ro và áp lực từ biến động địa chính trị khó lường trên thế giới và cả sức chống chịu chưa bền vững của cộng đồng DN Việt. Tuy nhiên, nếu quá trình cải cách bộ máy, đột phá thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh có kết quả tốt thì sẽ hỗ trợ tích cực, giúp DN vượt qua khó khăn, phát huy tốt các động lực tăng trưởng của nền kinh tế.

TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, mức độ phát triển của DN đang chậm lại trong những năm gần đây với một trong các chỉ số biểu hiện là tỷ lệ DN gia nhập thị trường so với số DN rút lui đang giảm dần. Cụ thể, tỷ lệ này năm 2024 dự kiến chỉ còn 1,18 lần, thấp hơn mức 1,26 lần của năm 2023 và thấp hơn đáng kể so với mức 3 - 4 lần của giai đoạn trước đó.

Cải cách về thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh là một động lực để nền kinh tế bứt phá. Ảnh: Nhã Chi

Cải cách về thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh là một động lực để nền kinh tế bứt phá. Ảnh: Nhã Chi

“Một trong những khó khăn của DN là thể chế, xét từ cả quá trình xây dựng và quá trình thực thi các quy định pháp lý. Điều này đã phần nào được tháo gỡ trong năm 2024 với việc nhiều luật trong lĩnh vực đầu tư, tài chính được sửa đổi. Tuy nhiên, việc sửa đổi chưa mang tính tổng thể, chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành. Hay nói cách khác, lĩnh vực nào sửa lĩnh vực đó, sửa rào cản này lại phát sinh rào cản khác. Vì thế, chưa thể mong đợi tạo nên một cuộc cải cách để tháo gỡ toàn diện và tạo ra tính đột phá cho môi trường kinh doanh”, bà Thảo chia sẻ.

Từ góc độ DN, ông Nguyễn Duy Ninh, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hồ Gươm chia sẻ: “Chúng tôi va chạm với các quy định của pháp luật hàng ngày và luôn mong mỏi được tháo gỡ “dây dợ”, các thủ tục không cần thiết đang cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh. Luật Doanh nghiệp tư nhân, Luật Công ty là hành lang pháp lý đầu tiên cho DN đã ra đời từ năm 1990, song sau 34 năm, DN ngày càng khó khăn với các quy định pháp lý. Nên chăng, cần thay đổi cách làm luật theo hướng ứng dụng công nghệ, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để quá trình này không còn cảm tính. Đồng thời, có chủ trương chấm điểm tính hiệu quả của các cấp thực thi và chính quyền địa phương. Việc chấm điềm có thể công khai hoặc không công khai, nhưng ít nhất sẽ giúp Chính phủ đánh giá kết quả thực tế, đồng thời tạo áp lực với các cấp thực thi”.

Về nội dung này, bà Thảo cho rằng, việc đưa công nghệ hoặc AI vào xây dựng pháp luật là ý tưởng tham vọng ở thời điểm hiện tại, song quá trình tham vấn chính sách vẫn có thể cải thiện bằng cách nâng cao tính công khai, minh bạch. “Nhiều DN cho biết rất vui khi được hỏi ý kiến trong quá trình xây dựng chính sách bởi họ có thể chia sẻ vấn đề của họ để các quy định pháp luật đi vào thực tế một cách hợp lý, hiệu quả”, bà Thảo nói.

Là người có đóng góp trong quá trình xây dựng hành lang pháp lý đầu tiên cho hoạt động của cộng đồng DN từ những năm 1990, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính là một trong những yêu cầu được đặt ra từ năm 2011, song đến nay đây vẫn là điểm nghẽn. Nguyên nhân, theo ông Cung, là do tư duy làm luật vẫn theo hướng “làm luật để quản lý, cái gì không quản được thì cấm”.

“Xác định cải cách thể chế là đột phá của đột phá thì phải thay đổi theo hướng càng ít quy định càng tốt. Với chủ trương và quyết tâm mạnh mẽ từ Đảng, Chính phủ, chưa bao giờ Việt Nam có không gian cải cách thuận lợi như hiện nay. Điều này phải thẩm thấu vào hệ thống, từng con người trong bộ máy thì mới kỳ vọng làm được. Từ đó mới tạo được không gian rộng mở cho việc phát huy các tiềm năng, để DN tận dụng các cơ hội, đưa nền kinh tế bứt phá trong thời gian tới”, ông Cung nhấn mạnh.

Về tháo gỡ bất cập về pháp lý và thực thi trong thực hiện dự án đầu tư, các bộ, ngành, địa phương, trong phạm vi thẩm quyền, chủ động và khẩn trương tháo gỡ triệt để các rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác nhau của các quy định pháp luật. Đối với những vấn đề không thuộc thẩm quyền thì tập hợp vấn đề kèm theo các giải pháp tương ứng (nếu có) để kiến nghị tới các cơ quan có thẩm quyền; đồng thời gửi kiến nghị tới các Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ.

Về cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, 5 tỉnh, thành phố (gồm: Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Quảng Ninh, Bắc Ninh) khẩn trương triển khai có hiệu quả việc thí điểm Mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nhằm tạo thuận lợi nhất cho người dân, DN trong tiếp cận và thực hiện thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính.

(Trích Dự thảo Nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025)

Chuyên đề

Kết nối đầu tư