Doanh nghiệp dệt may âu lo trước thềm niên độ mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc các thị trường lớn như Mỹ, EU,… đứng trước nguy cơ suy thoái kinh tế, sức mua sụt giảm đang ảnh hưởng đến triển vọng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may trong năm 2023.
Suy thoái kinh tế toàn cầu đang đè nặng lên triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành dệt may năm tới. Ảnh: Tiên Giang
Suy thoái kinh tế toàn cầu đang đè nặng lên triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành dệt may năm tới. Ảnh: Tiên Giang

Bức tranh kém sắc của doanh nghiệp dệt may

Công ty CP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex) mới đây đã thông báo tiến hành các thủ tục pháp lý để khởi kiện Amazon Robotics LLC (Amazon). Theo Gilimex, nguyên nhân là do trong quá trình hợp tác, Amazon vi phạm cam kết mà hai bên đã thỏa thuận. Việc này có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty. Được biết, Amazon là đối tác lớn của Gilimex những năm gần đây và là động lực giúp kết quả kinh doanh của Công ty tăng trưởng ấn tượng cả trong giai đoạn đại dịch căng thẳng tại Mỹ và châu Âu (EU) vào năm 2020.

Mặt trái của sự phụ thuộc quá lớn vào một khách hàng đã xuất hiện trong bối cảnh lạm phát cao làm suy yếu nhu cầu tiêu dùng trên toàn cầu nói chung và tại Mỹ nói riêng, trong đó có nhóm sản phẩm may mặc và Amazon cũng không đứng ngoài xu hướng đó. Tổ chức này báo cáo doanh thu và lợi nhuận ròng quý III/2022 lần lượt giảm 15,4% và 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Hệ quả là Gilimex nhanh chóng bị ảnh hưởng theo. Trong quý III/2022, doanh thu của Gilimex chỉ đạt hơn 213 tỷ đồng, giảm 83% so với quý II/2022 và giảm 66% so với cùng kỳ năm 2021.

Tương tự Gilimex, Công ty CP Garmex Sài Gòn cũng ghi nhận doanh thu giảm 94,6% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý III vừa qua, doanh nghiệp báo lỗ 10,9 tỷ đồng trong quý. Trong ngành sợi, Công ty CP Sợi Thế Kỷ báo lãi sau thuế giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý III/2022, bất chấp việc quý III/2021 đã tạo ra mức nền so sánh thấp khi đây là giai đoạn Công ty chịu ảnh hưởng của các biện pháp giãn cách xã hội do Covid-19.

Kết quả kinh doanh “lao dốc” của Gilimex, Garmex Sài Gòn hay Sợi Thế Kỷ đang báo hiệu bức tranh kém sắc của ngành dệt may khi sức mua tại các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ và EU sụt giảm. Trong khi đó, Trung Quốc - thị trường cung cấp nguyên phụ liệu hàng đầu cho dệt may Việt Nam vẫn đang tập trung ứng phó với dịch bệnh.

Cần đa dạng hóa thị trường trong bối cảnh mới

Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới đây của Fitch Solutions cho biết, chi tiêu của người tiêu dùng tăng 2,5% vào năm 2022, nhưng dự báo sẽ giảm 0,9% vào năm 2023. Với việc các doanh nghiệp dệt may Việt Nam chủ yếu là phục vụ xuất khẩu, khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu đang đè nặng lên triển vọng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành này.

Sau giai đoạn tăng trưởng ấn tượng trong nửa đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng của nhiều doanh nghiệp đã chậm lại đáng kể trong quý III. Theo Báo cáo triển vọng ngành xuất khẩu tháng 12/2022 của Khối Phân tích - Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT (VND Research), quý III/2022, tổng doanh thu của các công ty dệt may niêm yết tăng 23,3% so với cùng kỳ 2021, trong khi lợi nhuận ròng tăng 61,3% nhờ mức nền thấp trong quý III/2021, tuy vậy kết quả này giảm 32,2% so với quý trước đó. VND Research đánh giá, nguyên nhân là do ảnh hưởng của lạm phát cao và rủi ro suy thoái tại các thị trường xuất khẩu chính. Đồng thời, VND Research dự báo, nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam như Mỹ, EU và thậm chí cả Trung Quốc, sẽ giảm hơn nữa vào năm 2023.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), đơn hàng các tháng cuối năm nay và quý I/2023 giảm mạnh khiến nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm sản lượng và giảm lao động. Nhiều công ty cũng cho biết, giá trị đơn hàng giảm do chịu áp lực giảm giá từ các nhà bán lẻ nước ngoài. Bên cạnh hiện tượng giãn hủy đơn hàng, điều kiện kinh doanh khó khăn khiến các doanh nghiệp dự báo phải đối mặt với rủi ro chậm thanh toán từ đối tác, ảnh hưởng đến dòng tiền, thậm chí là phát sinh nợ xấu - tương tự tình trạng gặp phải trong năm 2020.

Trong khi sức cầu tại thị trường đầu ra suy yếu, nhiều doanh nghiệp còn phải đối mặt với khó khăn trước biến động tỷ giá, lãi suất thời gian gần đây.

VND Research nhận định, đồng USD sẽ còn tăng giá khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) thắt chặt chính sách tiền tệ để đối phó với lạm phát tăng cao. Việc VND mất giá so với USD khiến các công ty có tỷ trọng nợ USD cao sẽ chịu lỗ tỷ giá vào năm 2023. Ngoài ra, lãi suất tiền gửi ở nhiều kỳ hạn tại các ngân hàng gia tăng khiến lợi nhuận ròng của doanh nghiệp bị ảnh hưởng khi phải trả nhiều lãi vay hơn trong năm 2023. Trong quý III/2022, việc tỷ giá liên tục tăng đã đẩy chi phí tài chính của các công ty dệt may tăng vọt, doanh nghiệp gánh thêm khoản lỗ tỷ giá từ nhập khẩu nguyên vật liệu và nợ vay bằng USD.

Trao đổi với báo chí, Chủ tịch Vitas Vũ Đức Giang cho biết, trong bối cảnh hiện nay, cả thế giới không đặt hàng dệt may dài hạn, vì vậy, các doanh nghiệp có thể chuyển hướng sản xuất sang những mặt hàng có giá trị thấp hơn. “Đã có bài học rất lớn trong năm 2022 và các doanh nghiệp dệt may bắt đầu thúc đẩy đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa mặt hàng, nên hiện vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng”, ông Vũ Đức Giang nhận xét.

Chuyên đề