Điện mặt trời mái nhà có thể hòa lưới nhưng không được trả tiền. |
Nội dung này nêu tại dự thảo Nghị định cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến. Quy định này dành cho nhà đầu tư điện mặt trời mái nhà tự dùng, không bán cho tổ chức, cá nhân khác và có nối lưới hoặc không với hệ thống điện quốc gia.
Trường hợp này, Bộ Công Thương xây dựng chính sách theo hướng tổ chức, cá nhân khi phát triển điện mặt trời mái nhà chỉ được sử dụng tại chỗ, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác, bao gồm cả việc không bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (nghĩa là không đầu tư kinh doanh điện, không cho phép hoạt động kinh doanh mua bán điện).
Dự thảo cho phép tổ chức, cá nhân lựa chọn phát hoặc không phát sản lượng điện dư (nếu có) của điện mặt trời mái nhà vào hệ thống điện.
Trường hợp lựa chọn phát sản lượng điện dư vào hệ thống điện thì Nhà nước ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng (không được thanh toán, đổi lại Nhà nước cho phép tổ chức, cá nhân được bám lưới điện, được liên kết với lưới điện quốc gia để điện mặt trời mái nhà vận hành, hoạt động ổn định).
"Trường hợp tổ chức, cá nhân lựa chọn không phát sản lượng điện dư vào lưới điện quốc gia thì phải tự đầu tư lắp đặt thiết bị hạn chế tối đa phát điện dư vào hệ thống điện", dự thảo nêu.
Công suất điện mặt trời mái nhà của mỗi tổ chức, cá nhân phải phù hợp với phụ tải hiện có tại thời điểm thực hiện đăng ký phát triển. Bộ Công Thương lưu ý quy định này áp dụng đối với điện mặt trời mái nhà trên phạm vi cả nước, bao gồm điện mặt trời mái nhà tại TP.HCM thực hiện theo Nghị quyết 98 năm 2023.
Trường hợp hai được Bộ Công Thương đề cập là điện mặt trời mái nhà không liên kết với lưới điện quốc gia để tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.
Trong trường hợp này, tổ chức, cá nhân khi phát triển điện mặt trời mái nhà chỉ được sử dụng tại chỗ, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác, phải bảo đảm cả nguồn phát điện và phụ tải không liên kết với lưới điện quốc gia.
Quy mô công suất lắp điện mặt trời mái nhà của mỗi tổ chức, cá nhân không giới hạn tại thời điểm thực hiện đăng ký phát triển.
Theo Bộ Công Thương, phát triển điện mặt trời mái nhà tự dùng sẽ giảm áp lực cho ngành điện. Bởi, cơ cấu nguồn điện này theo Quy hoạch điện VIII là 2.600 MW tới năm 2030. Do đó, khi tổng công suất điện mặt trời vượt mốc này sẽ ảnh hưởng tới cơ cấu nguồn, vận hành an toàn của hệ thống điện. Tuy nhiên, người dân sẽ phải đầu tư thêm hệ thống lưu trữ điện, tăng chi phí đầu tư ban đầu khi điện mặt trời mái nhà tự dùng không đấu nối với lưới.
Bù lại, Bộ Công Thương đề xuất một số chính sách ưu tiên phát triển điện mặt trời tự dùng. Theo đó, chủ đầu tư không phải xin phê duyệt, chấp thuận chủ trương đầu tư hay lập dự án theo Luật Điện lực, Luật Đầu tư. Song họ vẫn phải tuân thủ các quy định về xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy. Các dự án lắp đặt cũng được hưởng chính sách ưu đãi thuế, phí, lệ phí. Các cơ quan nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà.
Việt Nam hiện có khoảng 200 MW hệ thống điện mặt trời mái nhà được lắp đặt trong 3 năm qua.
Tại tờ trình gửi Chính phủ hồi giữa năm, Bộ Công Thương từng đưa ra 3 mô hình phát triển nguồn điện này. Cụ thể, điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác; điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại khu công nghiệp, khu chế xuất, nhà xưởng và hệ thống điện tái tạo không liên kết lưới điện quốc gia. Bộ này khẳng định, chỉ khuyến khích điện mái nhà tự dùng tại công sở, nhà ở.